Giải pháp linh hoạt

- Thứ Sáu, 13/08/2021, 05:19 - Chia sẻ
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, mới đây, Bộ Công thương đã có văn bản gửi Bộ Y tế về những đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp chỉnh sửa mô hình "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến" để phù hợp hơn với thực tế. Theo đó, cho phép người lao động tại các doanh nghiệp được về nhà, có kịch bản cách ly ca nhiễm với sự hỗ trợ của y tế địa phương.

Mô hình “3 tại chỗ” - sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, ở tại chỗ khởi đầu từ đợt dịch xảy ra tại Bắc Giang vào tháng 5.2021, khi dịch Covid-19 tấn công vào khu công nghiệp của tỉnh này. Người lao động làm việc tại cùng một bộ phận sẽ được bố trí cùng ăn, cùng ở với nhau; khi di chuyển cùng đi chung một xe. Việc áp dụng "3 tại chỗ" không phải dễ dàng, phải làm rất cẩn thận và theo quy trình chuẩn. Mô hình này được triển khai khá hiệu quả ở hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh trước đây. Qua đó, giúp các doanh nghiệp hoạt động trong trạng thái “bình thường mới”. Nỗi lo về đứt gãy sản xuất ở các doanh nghiệp này đã không xảy ra.

Sau khi dịch bùng phát mạnh ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía nam, việc thực hiện mô hình này gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Một số nhà máy thực hiện "3 tại chỗ" đã xuất hiện các ca F0 liên tiếp và có những nơi đã trở thành ổ dịch. Với năng lực y tế tại chỗ của doanh nghiệp còn hạn chế, trong khi hệ thống y tế địa phương cũng hết sức quá tải, do đó, khâu xử lý với các ca F0, F1 trong các nhà máy này đang hết sức rối, khiến doanh nghiệp và người lao động đều bị tác động nặng nề về tâm lý, ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp quy mô chưa đủ lớn, nội lực còn yếu, chưa đủ điều kiện để áp dụng được mô hình này nên khi dịch xảy ra đã phải chấp nhận đóng cửa, dừng sản xuất. Điều này ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, đến hoạt động sản xuất, uy tín, niềm tin của đối tác đối với doanh nghiệp.

Có một khó khăn khác nữa đó là để thực hiện “3 tại chỗ” đòi hỏi các doanh nghiệp phải tiêu tốn khoản kinh phí không hề nhỏ để bảo đảm điều kiện ăn, ở, làm việc cho người lao động. Đó là chưa kể kinh phí mà doanh nghiệp bỏ ra để test Covid -19 cho lao động. Có nhiều nơi do tình hình dịch phức tạp, thời gian giãn cách kéo dài đã tạo nên sự quá tải, “khó tứ bề” cho doanh nghiệp. Khi triển khai “3 tại chỗ” không ít doanh nghiệp vốn đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch khó lại càng thêm khó.

Cần khẳng định rằng, “3 tại chỗ” là một trong những phương án phòng chống dịch tương đối hiệu quả khi áp dụng ở nơi dịch được kiểm soát. Tuy vậy, không thể có một mô hình chung cho tất cả các doanh nghiệp khi muốn bảo đảm song hành hai mục tiêu: vừa bảo đảm phòng chống dịch, vừa bảo đảm sản xuất với giải pháp “3 tại chỗ”.

Để nâng cao hiệu quả của mô hình "3 tại chỗ", mới đây, Bộ Công thương đã có văn bản gửi Bộ Y tế, theo đó, Bộ đề nghị nên bổ sung quy định cho phép người lao động tại các doanh nghiệp được về nhà. Điều kiện là doanh nghiệp sẽ cam kết với chính quyền, còn người lao động cam kết với doanh nghiệp về di chuyển bằng phương tiện cá nhân giữa nơi ở của gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh. Các biện pháp bảo đảm an toàn phòng dịch được đưa ra tương tự như trường hợp F1 tự cách ly tại gia đình và di chuyển theo tuyến cố định, không dừng đỗ dọc đường. Trong trường hợp nhà máy có F0, F1 thì y tế địa phương cần phối hợp để tách các ca bệnh ra khỏi môi trường làm việc; đánh giá từng nhóm lao động đưa vào khu riêng biệt theo từng dây chuyền hoặc phân xưởng... để bảo đảm tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh.

Thời gian qua, Chính phủ đã đồng ý để các tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà. Chúng ta đã thực hiện khá hiệu quả giải pháp này ở nhiều tỉnh, thành phố, tạo tâm lý ổn định cho người cách ly. Đây là phương án hiệu quả để giảm tải cho các trung tâm cách ly, giảm nguy cơ rủi ro xảy ra lây nhiễm chéo. Do đó để tránh dứt gãy sản xuất, ngoài phương án “3 tại chỗ”, rất cần giải pháp linh hoạt hơn trong phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp để doanh nghiệp được lựa chọn phương án phù hợp, an toàn, hiệu quả, ít tốn kém nhất. Có lẽ, việc cho phép người lao động làm việc tại các doanh nghiệp được về nhà khi bảo đảm tuân thủ các điều kiện về phòng, chống dịch là giải pháp cần sớm được tính đến.

Song Hà