Giải pháp cần đúng địa chỉ, mạnh mẽ, liên tục

- Thứ Sáu, 23/07/2021, 06:51 - Chia sẻ
Trong phiên thảo luận tổ chiều qua, đa số đại biểu Quốc hội cho rằng, trong 6 tháng đầu năm nay, Chính phủ quyết liệt thực hiện “mục tiêu kép” một cách đồng bộ, thực chất, có nhiều sáng tạo. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến việc thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm, do đó, cần có cơ chế, chính sách đặc thù trong điều kiện không bình thường; và có thể xem xét điều chỉnh thông điệp mạnh mẽ hơn, ưu tiên cho chống dịch. Đồng thời, cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

ĐBQH Nguyễn Xuân Thắng (Quảng Ninh): Đẩy mạnh chuyển đổi kinh tế số

Trong phòng, chống dịch chúng ta luôn xác định vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tế, như việc tổ chức cho công nhân ăn ở ngay tại nơi làm việc nhằm bảo đảm không lây lan dịch bệnh, vừa bảo đảm không gián đoạn, đứt gãy hoạt động sản xuất. Mô hình, cách làm này đã phát huy hiệu quả tốt và được nhân rộng thời gian qua.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch, đặc biệt, Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã có, nhưng việc thực hiện còn khó khăn. Tuy nhiên, "trong nguy có cơ", chúng ta đã tận dụng cơ hội này để thực hiện chuyển đổi số rất tốt: từ hoạt động giao dịch, buôn bán, thương mại, xuất nhập khẩu, sản xuất đến các cơ quan nhà nước, đặc biệt trong giảng dạy, y tế…

Vừa qua, tính thích nghi của chúng ta rất tốt khi tận dụng cơ hội phục hồi kinh tế. Một số địa phương như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Vũng Tàu mở cửa du lịch trở lại trong khoảng thời gian giữa các đợt bùng phát dịch. Đây chính là cơ sở để đặt vấn đề hướng tới xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, có kiểm soát. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đang đặt vấn đề “hộ chiếu vaccine”. Tới đây khi chúng ta đẩy mạnh tiêm đại trà vaccine phòng Covid-19 cho người dân thì cũng cần tính tới việc công nhận giấy chứng nhận đã tiêm vaccine như "giấy thông hành” để tạo điều kiện cho mở cửa trở lại dịch vụ du lịch trong nước.

Thời gian tới, đề nghị cần đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi kinh tế số. Trong số các chỉ tiêu phát triển kinh tế trong 5 năm tới có chỉ tiêu tỷ trọng kinh tế số là 20%, nhưng cách tính chưa cụ thể, chưa rõ. Kinh tế số ở Việt Nam hiện còn hạn chế, nhưng kinh tế phát triển dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đặc biệt dựa trên chuyển đổi số là rất lớn. Vì hiện chúng ta đã ứng dụng công nghệ trong thương mại điện tử, quản lý, quản trị kinh tế, lĩnh vực ngân hàng... và cho thấy hiệu quả kinh tế lớn. Nếu tính theo con số này thì tỷ trọng nêu trên quá thấp, do đó con số này cần được tính toán lại rất cụ thể.

ĐBQH Bùi Văn Cường (Hải Dương): Cần một đề án về phát triển lĩnh vực hàng hải

 

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, các nền kinh tế trên thế giới gặp nhiều khó khăn, chúng ta có được sự tăng trưởng rất đáng phấn khởi. Theo Báo cáo của Chính phủ, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp nhất từ năm 2016 đến nay. Chúng ta cũng đã có quyết tâm cao, chỉ đạo quyết liệt về phòng, chống dịch và đạt được những kết quả nhất định. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 như vậy, kinh tế một số ngành, địa phương cũng có ảnh hưởng, tuy nhiên, chúng ta phải dần thích ứng với bối cảnh mới. Trong đó, kinh tế số, thương mại điện tử và kể cả những ngành nghề như shipper đang rất phát triển và tăng trưởng cao. Do đó, trong báo cáo của Chính phủ cần phải khẳng định rõ nét hơn về sự thích ứng này. Liên quan tới nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ 5 về đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và phát triển đô thị. Hiện nay, Việt Nam đã có những khái quát về lĩnh vực giao thông. Tuy nhiên, chúng ta còn ít quan tâm đến lĩnh vực vận tải qua đường thủy. Theo tính toán, vận tải thủy gồm có đường biển, đường sông và đầu tư chỉ tốn bằng 1/4 đường bộ và 1/2 đường sắt. Rõ ràng, đó là lợi thế rất lớn nhưng chúng ta chưa thực sự phát huy. Sau vụ việc của Vinashin, Vinalines, chúng ta dường như cũng “quên mất” một lĩnh vực rất quan trọng. Nếu như tận dụng được lợi thế này, Việt Nam sẽ phát huy mạnh mẽ và đặc biệt là chi phí cho đầu tư sẽ không bị tốn kém như đường bộ. Theo số liệu thống kê giai đoạn 2011-2015, đầu tư cho đường bộ chiếm 70% trong tỷ trọng đầu tư của giao thông, đường sắt 15%, hàng không 7,6% và hàng hải cũng như đường thủy nội địa chỉ 6,8%. Vì vậy, khi nghĩ đến vận tải, xã hội sẽ chỉ nghĩ tới đường bộ, đường sắt chứ ít để ý hàng hải. Ngay cả việc đầu tư, hiện nay các tuyến cao tốc cũng như đường sắt kết nối với cảng biển và cảng thủy rất yếu, hệ thống đội tàu cũng không được chú trọng đầu tư… Do vậy, phải hết sức lưu tâm và cần thiết phải có một đề án về phát triển lĩnh vực hàng hải. Việt Nam hiện đang nằm trên một tuyến hàng hải sôi động thứ 2 thế giới về lượng hàng hóa. Nếu Việt Nam đầu tư vào lợi thế này thì cũng sẽ có tăng trưởng rất tốt… Về nhiệm vụ, giải pháp thứ 10 liên quan đến kỷ cương, kỷ luật, kỷ cương công vụ, cải cách hành chính cũng cần có những cơ chế, chính sách, chế tài đủ mạnh hơn để bảo đảm việc thực thi công vụ tốt hơn. Hiện nay, nội dung nêu trong báo cáo vẫn là những nhiệm vụ, giải pháp đã thực hiện, chưa có gì đột phá liên quan đến thực hiện công vụ. Nếu thực hiện công vụ mà quy rõ trách nhiệm được sẽ khác ngay…

ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo (Bắc Ninh): Rà soát, điều chỉnh chính sách hỗ trợ những đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 

Kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT - XH 6 tháng đầu năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 là tương đối tích cực. 

Hiện nay, tình hình đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp đặt ra yêu cầu cần có chiến lược mới ứng phó phù hợp. Một số quốc gia trước đây bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nay nhờ đẩy mạnh tiêm vaccine đã dần tiến tới miễn dịch cộng đồng và từng bước mở cửa nền kinh tế. Nắm bắt kịp thời diễn biến này, Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng thay đổi chiến lược, tập trung toàn lực để có vaccine sớm nhất bằng nhiều giải pháp. Tôi tin tưởng, với sự điều hành nhanh nhạy, linh hoạt của Chính phủ khi thực hiện chiến lược này, nước ta sẽ sớm đẩy lùi dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe toàn dân cùng với ổn định phát triển KT - XH.

Tuy nhiên, nhìn về các chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid, gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng đã có tính chất động viên nhưng mức độ thực hiện rất thấp so với mục tiêu, đa số là chi trực tiếp cho người thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách, lao động tự do mất việc làm, hộ kinh doanh... Các chỉ tiêu hỗ trợ còn lại đều không đạt mục tiêu đề ra, khoản cho chủ sử dụng lao động vay để trả lương cho người lao động phải nghỉ việc đã phải dừng lại do điều kiện giãn cách không cho phép. Hay việc chi từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ chủ sử dụng đào tạo lại lao động chỉ đạt 41,84 tỷ đồng/16.200 tỷ đồng.

Do đó, thời gian tới, cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh các chính sách này. Nếu cần thiết có thể ban hành mới các chính sách để bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ trên phương diện là giải pháp chung cho nền kinh tế chứ không phải là các giải pháp hỗ trợ đơn lẻ cho doanh nghiệp và người dân. Các gói giải pháp cần theo hướng đúng địa chỉ, đúng lúc, đúng thời điểm và dù tình hình ngân sách khó khăn nhưng phải bảo đảm mạnh mẽ và liên lục, có trọng tâm, trọng điểm.

Hải Lam