Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội TXCT sau Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV

Giải đáp thấu đáo các kiến nghị của cử tri

- Chủ Nhật, 21/11/2021, 05:04 - Chia sẻ
Tại các buổi tiếp xúc với ĐBQH thành phố Hà Nội Đơn vị bầu cử số 5 ngay sau Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, cử tri các huyện Thanh Trì, Thanh Oai và quận Hà Đông đã nêu nhiều ý kiến, kiến nghị liên quan đến: Việc tổ chức dạy học trong điều kiện dịch bệnh; các giải pháp hỗ trợ, giãn nợ cho người dân do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; sửa đổi Luật Đất đai, giá đền bù thu hồi giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư…

Tạo điều kiện phục hồi sản xuất, kinh doanh

Tại buổi tiếp xúc, sau khi nghe báo cáo về kết quả Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, cử tri 3 địa phương bày tỏ phấn khởi, tin tưởng trước thành công của kỳ họp. Đồng thời, gửi tới Đoàn ĐBQH thành phố một số ý kiến, kiến nghị và mong muốn các cấp có thẩm quyền quan tâm, giải quyết kịp thời. Cử tri Nguyễn Đức Toàn (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai) cho biết: Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến đời sống người dân. Vì vậy, mong muốn ngành ngân hàng có giải pháp giãn nợ, tạo điều kiện để người dân tái sản xuất, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cử tri xã Hữu Hòa (huyện Thanh Trì) thì đề cập đến thực trạng khung giá đền bù, thu hồi đất đang áp dụng tại Hà Nội đã cách đây trên 10 năm, gây thiệt hại cho người dân trong trường hợp phải bàn giao đất phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai theo hướng khi người nông dân bị thu hồi hết diện tích đất nông nghiệp thì được mua một suất đất tái định cư với giá gốc, không qua đấu giá quyền sử dụng đất. Một số cử tri huyện Thanh Oai cũng đề nghị hướng dẫn cụ thể việc cấp giấy chứng nhận cho các trường hợp giao dịch dân sự mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với thửa đất chưa có giấy chứng nhận sau ngày 1.1.2008.

Liên quan đến tuyến đường vành 4, cử tri xã Cự Khê (huyện Thanh Oai) đề nghị Quốc hội sớm phê chuẩn chủ trương đầu tư để dự án sớm được triển khai, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và Thủ đô nói chung. Đối với các khu vực dân cư đường vành đai 4 đi qua huyện Thanh Oai, cử tri đề nghị có thiết kế đường gom dân sinh và kết nối với hệ thống giao thông hiện có để bảo đảm an toàn giao thông và phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, cử tri huyện Thanh Oai, Thanh Trì cũng đề nghị, UBND thành phố quan tâm phủ kín mạng lưới nước sạch, bảo đảm các tiêu chí về huyện nông thôn mới và định hướng hoàn thiện các tiêu chí để hai địa phương trở thành quận.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri cũng bày tỏ nhiều tâm tư về việc học sinh phải học trực tuyến quá lâu. Việc để học sinh sớm được đến trường là cần thiết nhưng hiện nay học sinh vẫn chưa được tiêm vaccine, hơn nữa nhiều trường hợp dù đã tiêm đủ 2 mũi nhưng vẫn bị lây nhiễm Covid-19. Qua đó, mong muốn ngành giáo dục sớm có giải pháp để vừa sớm đưa học sinh quay lại nhà trường, vừa bảo đảm an toàn cho học sinh trước các nguy cơ lây lan của dịch bệnh.  

ĐBQH Phạm Đức Ấn trả lời kiến nghị cử tri tại buổi tiếp xúc sau Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khoá XV 

Ảnh: P.Long 

Bảo đảm các điều kiện để học sinh trở lại trường học

Thay mặt Tổ ĐBQH thành phố thuộc Đơn vị bầu cử số 5, Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Kim Sơn đã ghi nhận, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri và trực tiếp trả lời một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực phụ trách của Bộ. Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Chính phủ có chủ trương nhanh chóng mở cửa lại trường học. Tuy nhiên, phải tính đến các yếu tố an toàn khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Hiện nay, Bộ Y tế đang khẩn trương, tích cực triển khai tiêm phòng cho trẻ từ 12 - 17 tuổi. Chính phủ cũng đang giao Bộ Y tế nghiên cứu phương án tiêm chủng cho trẻ dưới 12 tuổi.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, khi học sinh có thể trở lại trường, cần chuẩn bị các kịch bản để xử lý dịch bệnh diễn biến phức tạp; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện y tế trong trường học. Đồng thời, có sự phối hợp chặt giữa gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương trong bảo đảm an toàn cho học sinh tại trường học. Người đứng đầu ngành giáo dục cũng khẳng định, trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp, sẽ tiếp tục thực hiện dạy và học trực tuyến, song sẽ triển khai các giải pháp cải thiện về điều kiện học trực tuyến, hỗ trợ tâm lý cho học sinh nhằm giảm thiểu tối đa các ảnh hưởng tiêu cực.

Về kiến nghị giãn nợ cho người dân do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, ĐBQH Phạm Đức Ấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) khẳng định: Ngân hàng Nhà nước nói chung, Agribank nói riêng đều đã có những giải pháp hết sức căn cơ, cụ thể. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo, ban hành Thông tư hướng dẫn giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ và giúp khách hàng không bị ảnh hưởng đến lịch sử tín dụng. "Riêng đối với Agribank, chúng tôi đã tích cực vào cuộc, chỉ đạo các chi nhánh trong toàn hệ thống triển khai kịp thời và hiệu quả các giải pháp hỗ trợ theo Thông tư 01, Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước", ĐBQH Phạm Đức Ấn nhấn mạnh.

ĐBQH Phạm Đức Ấn cũng khẳng định, từ nay đến cuối năm 2021, dự báo tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực mọi ngành nghề, lĩnh vực kinh tế - xã hội, Ngân hàng Nhà nước, nhất là Agribank sẽ tiếp tục chia sẻ khó khăn cùng người dân, doanh nghiệp, sớm khôi phục và ổn định sản xuất, kinh doanh thông qua triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ một cách kịp thời, đúng đối tượng, bảo đảm thực chất.

PHI LONG