Phân biệt năng lực hành vi dân sự của người thành niên và người chưa thành niên

- Thứ Năm, 01/06/2023, 08:35 - Chia sẻ

Xin hỏi, cách phân biệt năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên với người thành niên? - Câu hỏi của bạn Phạm Anh Đức (Đồng Nai).

Năng lực hành vi dân sự của người thành niên và người chưa thành niên -0
Pháp luật Việt Nam có quy định rõ năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên và người thành niên. Ảnh: ITN

Luật sư Vũ Tuấn (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) tư vấn như sau:

Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự (Điều 17, Bộ luật dân sự năm 2005). Nếu năng lực pháp luật dân sự là tiền đề, là quyền dân sự của mỗi chủ thể thì năng lực hành vi dân sự là khả năng hành động của chính chủ thể để thực hiện quyền và nghĩa vụ của họ. Ngoài ra, năng lực hành vi dân sự còn bao hàm cả năng lực tự chịu trách nhiệm dân sự khi vi phạm nghĩa vụ dân sự.

Năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự là hai thuộc tính tạo thành tư cách chủ thể độc lập của cá nhân trong các quan hệ dân sự.

Năng lực hành vi dân sự của cá nhân không giống nhau mà phụ thuộc vào lứa tuổi, thể chất của mỗi cá nhân vì những cá nhân khác nhau, có nhận thức khác nhau về hành vi và hậu quả của hành vi mà họ thực hiện. Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định cụ thể về năng lực hành vi dân sự của người thành niên và năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên như sau:

 Đối với người thành niên:

Người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên. Theo quy định của pháp luật dân sự: Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp bị Tòa án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Mất năng lực hành vi dân sự là trường hợp người bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, nếu có yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định.

Hạn chế năng lực hành vi dân sự là trường hợp người nghiện ma túy hoặc = các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì có thể bị Tòa án ra quyết định tuyên bố là người hạn chế năng lực hành vi dân sự theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan.

 Đối với người chưa thành niên:

Người chưa thành niên từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc pháp luật có quy định khác.

Trong trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có tài sản riêng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự mà không cần phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Người chưa đủ sáu tuổi không có năng lực hành vi dân sự.

Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.

So sánh năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên với người thành niên

Người thành niên

Người chưa thành niên

Độ tuổi

Từ đủ 18 tuổi

Người chưa đủ 18 tuổi, với 3 nhóm độ tuổi:

  • Người chưa đủ 6 tuổi
  • Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi
  • Người từ đủ 15 đến chưa đủ 18 tuổi

Mức độ năng lực hành vi dân sự

Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự (trừ trường hợp bị toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị tuyên bố là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi), tự mình xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự và tự chịu trách nhiệm đối với mọi giao dịch mà mình xác lập

  1. Chưa đủ 6 tuổi: Chưa có khả năng nhận thức, làm chủ hành vi và chịu trách nhiệm đối với giao dịch dân sự mình xác lập. Mọi giao dịch dân sư liên quan đến quyền và lợi ích của người này do người đại diện theo pháp luật của cá nhân đó xác lập
  2. Từ đủ 6 tuổi – chưa đủ 15 tuổi: Có năng lực hành vi dân sự 1 phần. Những người này chỉ được tự xác lập, thực hiện các giao dịch phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi, đối với các giao dịch khác phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật
  3. Từ đủ 15 – chưa đủ 18: Tự mình xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự phù hợp với quy định pháp luật, trừ các giao dịch liên quan đến tài sản là bất động sản, động sản phải đăng ký sở hữu và các giao dịch mà pháp luật yêu cầu cần có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật
Thái Yến ghi
#