Giải cứu nông sản “nóng và lạnh”

- Thứ Ba, 02/03/2021, 16:38 - Chia sẻ
Những ngày qua, khi dịch Covid-19 bùng phát tại Hải Dương, bên cạnh việc phát hiện, truy vết, khoanh vùng dập dịch cương quyết và kịp thời thì việc cách ly xã hội đã khiến cho việc sản xuất và tiêu thụ nông sản gặp nhiều thách thức, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp đến thời vụ thu hoạch.
Rất đông người dân đến mua ủng hộ nông sản tại điểm bán 38 Giải Phóng, Hà Nội
Rất đông người dân đến mua ủng hộ nông sản tại điểm bán 38 Giải Phóng, Hà Nội. (Ảnh nguồn: qdnd.vn)

Chỉ tính riêng tỉnh Hải Dương vào lúc cao điểm có khoảng 4.000ha rau vụ đông đang đến thời điểm thu hoạch với sản lượng ước khoảng 90.000 tấn. Trong đó, có trên 55.000 tấn hành củ, khoảng 26.000 tấn cà rốt và khoảng 8.000 tấn rau bắp cải, su hào, súp lơ, rau ăn lá các loại.

Việc cá nhân, doanh nghiệp tự nguyện đứng ra thu mua nông sản chuyển đến thành phố, thị xã, khu dân cư... tiêu thụ khơi gợi sự sẻ chia của người dân, giảm bớt thiệt hại cho nông dân vùng dịch trở thành việc làm ý nghĩa, lan toả và nhiều người tiêu dùng ủng hộ. Sự sẻ chia “nóng” ngay và luôn là tinh thần tương thân tương ái, kịp thời, cần kíp. Rất nhiều hình thức thu hoạch bảo đảm khử trùng và vận chuyển tiêu thụ linh hoạt trên phố phường, khu chung cư ở Hà Nội hay vào tận Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh…

Có thể thấy "phong trào" giải cứu nông sản cho nông dân Hải Dương đang được người tiêu dùng và tình nguyện viên, cá nhân, doanh nghiệp thúc đẩy có sức lôi cuốn mạnh mẽ. Tuy nhiên, đây vẫn là giải pháp tình thế, giải cứu “nóng” chưa thực sự căn cơ. Vì thực tế, giá bán tại các điểm giải cứu quá rẻ, chỉ có thể đỡ đần thiệt hại mà không thể đem lại lợi nhuận cho người nông dân. Mặt khác, nhu cầu tiêu thụ từng vùng, từng nơi là có giới hạn nên khi tập trung vào một vài điểm thì sức mua giảm sút khiến các vùng rau chuyên canh khác cung cấp cho Hà Nội như Mê Linh cũng “điêu đứng” giá giảm, lượng tiêu thụ ít khi vụ thu hoạch đang đến. Hơn nữa, khi mua nhiều nông sản một lúc cần có cách chế biến, bảo quản lâu dài tránh lãng phí, hư hỏng.

Vẫn biết trong khó khăn sự tương trợ là vô cùng quý giá và cần phát huy. Tuy nhiên, cần bình tâm, suy nghĩ kỹ và phải có giải pháp ứng phó kịp thời nhưng bền vững hơn, bài bản hơn, có tổ chức hệ thống hơn như một giải pháp giải cứu “lạnh” có sẵn các tình huống để áp dụng. Sự vào cuộc của các hiệp hội có thể xây dựng trang web giải cứu tận dụng cơ sở hạ tầng internet tính toán được số lượng cần tiêu thu, phân luồng tiêu thụ, giá cả và thiết lập năng lực vận chuyển... Hiệp hội nông sản phối hợp với chính quyền hay doanh nghiệp đứng ra tổ chức các nhóm thu hoạch, nhóm vận chuyển, nhóm tiêu thụ không gây ra chồng chéo, lãng phí nguồn lực...

Nghiên cứu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) cho rằng, cần thiết có cơ chế hiệu quả để chia sẻ thông tin, điều phối nhiệm vụ giữa các bên cũng như các nội bộ của các cơ quan khi giải quyết vấn đề nông sản trong đại dịch covid. Đây cũng là cách thức có thể áp dụng đối phó với hàng hoá nông sản xuất khẩu chính ngạch hay tiểu ngạch khi bị nước nhập khẩu bất ngờ đưa ra những rào cản “kỹ thuật” làm nông sản ùn ứ tại biên giới.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần sớm nghiên cứu các phương án hỗ trợ trong các tình huống trên. Cần thiết thành lập nhóm chuyên trách thường trực phối hợp với chính quyền cơ sở, tổ chức, cá nhân hướng dẫn tổng thể triển khai xử lý theo các kịch bản theo từng thời điểm, từng vùng. Như vậy, việc xử lý bài bản hơn, hiệu quả hơn, góp phần thực hiện chủ trương vừa chống dịch quyết liệt, vừa phát triển sản xuất an toàn.

Thanh Hà