Bầu cử Hạ viện Nhật Bản

Giá trị của “đa số ổn định tuyệt đối”

- Thứ Ba, 02/11/2021, 06:06 - Chia sẻ
Hôm qua (1.11), kết quả cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản đã ngã ngũ khi liên minh cầm quyền là đảng Dân Chủ Tự do (LDP) và đảng Công Minh (Komeito) vẫn duy trì được đa số ghế. Điều đó đồng nghĩa với việc tân Thủ tướng Kishida Fumio, người mới nhậm chức cách đây một tháng tiếp tục có chỗ dựa vững chắc để chèo lái đất nước mặt trời mọc trên con đường vượt qua đại dịch và phát triển sắp tới.

Ý chí của nhân dân

Cụ thể, liên minh cầm quyền giành được 293 trong tổng số 465 ghế của Hạ viện, trong đó LDP có 261 ghế - giảm 15 ghế so với trước thời điểm giải tán, còn đảng Công Minh giành được 32 ghế. Với số ghế giành được, liên minh đã vượt lên trên 261 ghế cần thiết để đạt “đa số ổn định tuyệt đối”, tạo điều kiện cho tân Thủ tướng Kishida Fumio tiếp tục thực hiện các chính sách đã đề ra. Các đảng còn lại giành được tổng cộng 172 ghế, đáng chú ý đảng đối lập lớn nhất là đảng Dân chủ Lập hiến chỉ giành 96 ghế tức là giảm 14 ghế, trong khi đảng Duy tân giành được 41 ghế - tức tăng thêm 30 ghế, trở thành đảng lớn thứ 3 tại Hạ viện. Ngoài ra, đảng Cộng sản giành được 10 ghế.  

Vì vậy, phát biểu trước báo giới sau khi kết quả bầu cử được công bố, Thủ tướng Kishida bày tỏ biết ơn sự tín nhiệm của các cử tri “đã giao nhiệm vụ cho Chính phủ của ông nhằm định hình tương lai đất nước”, đồng thời cam kết “sẽ vận hành chính quyền và làm việc tại Hạ viện một cách chặt chẽ”. Hạ viện Nhật Bản có quyền hạn đặc biệt mà Thượng viện không có, bao gồm quyền quyết định cuối cùng trong việc bầu Thủ tướng, thông qua ngân sách nhà nước và phê chuẩn các điều ước quốc tế. Được biết, bầu cử Thượng viện Nhật Bản sẽ diễn ra vào năm sau.

Mặc dù giành được chiến thắng nhưng LDP cũng phải hứng chịu tổn thất lớn khi ông Amari, Tổng Thư ký đảng - nhân vật quyền lực số 2 trong LDP đã thất bại trong cuộc đối đầu với ứng cử viên do phe đối lập hậu thuẫn tại khu vực bầu cử một ghế thuộc tỉnh Kanagawa. Tuy nhiên, ông vẫn là Hạ nghị sĩ thông qua phần bầu cử đại diện tỷ lệ.

LDP thống trị trong nền chính trị Nhật Bản trong nhiều thập kỷ nhưng gần đây bị phê phán về cách thức đối phó với đại dịch Covid-19. Người tiền nhiệm của ông Kishida là Suga Yoshihide phải quyết định ra đi sau một năm tại nhiệm. Quyết định từ chức của ông Suga được đưa ra sau khi các cuộc thăm dò cho thấy tỷ lệ ủng hộ LDP giảm mạnh sau một loạt động thái không được lòng dân, như tiếp tục tổ chức Thế vận hội Tokyo Olympics bất chấp những lo ngại của công chúng về tỷ lệ gia tăng số ca nhiễm Covid-19 ở nước này.

Liên minh cầm quyền của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio giành được đa số sau cuộc bầu cử Hạ viện

Nhiệm vụ của chính quyền mới

Ngày đầu tuần, chỉ số chứng khoán chuẩn Nikkei 225 của Nhật Bản tăng hơn 2,6%, cao nhất trong vòng 1 tháng, khi các nhà đầu tư nhận định việc LDP chiếm được đa số hoàn toàn có nghĩa là kế hoạch kích thích kinh tế của Thủ tướng Kishida sẽ được thông qua Quốc hội suôn sẻ. Trước cuộc bầu cử, ông từng hứa sẽ chi hàng nghìn tỷ Yên để giúp hỗ trợ nền kinh tế lớn thứ ba thế giới chống lại đại dịch.

Cuối tuần qua, ông còn nói với Hãng Phát thanh - Truyền hình quốc gia NHK rằng, bản thân đã lên kế hoạch về một khoản ngân sách bổ sung trước cuối năm nay. Mục đích là để hỗ trợ những người bị tác động bởi đại dịch, bao gồm lao động mất việc làm và sinh viên phải gắng sức để đóng học phí. Ngoài ra, Thủ tướng còn xem xét nối lại sáng kiến “Go To Travel” để thúc đẩy du lịch nội địa và đẩy nhanh thảo luận về cải cách Hiến pháp.

Ông Kishida cũng hứa sẽ đóng vai trò lãnh đạo nhạy bén hơn trong bối cảnh bị chỉ trích rằng, các cựu Thủ tướng như ông Shinzo Abe, người đã từ chức vào năm ngoái và người kế nhiệm ngắn ngủi của ông, Suga, đã “mất liên lạc với cử tri”, đặc biệt là trong đại dịch coronavirus. Thực tế, sự thờ ơ của cử tri đã được phản ánh qua số lượng đi bỏ phiếu, chỉ dưới 56%, mức thấp thứ ba kể từ khi chiến tranh kết thúc.

Thủ tướng Kishida, người đã trì hoãn quyết định về việc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Cop26 cho đến khi có kết quả bầu cử, giờ sẽ chịu áp lực phải cung cấp thêm chi tiết về kế hoạch của mình cho nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, cũng như bảo đảm rằng cơ sở hạ tầng y tế của Nhật Bản tốt hơn để có thể đối phó với khả năng gia tăng số ca Covid-19 sắp tới. Về mặt chính sách đối ngoại, ông ủng hộ kế hoạch của đảng nhằm tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng để đối phó với môi trường an ninh ngày càng bất ổn ở Đông Bắc Á. LDP đưa vào cương lĩnh bầu cử của mình cam kết tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP, với lý do căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Đài Loan, cũng như việc Triều Tiên nối lại các vụ thử tên lửa đạn đạo.

Nhật Bản, quốc gia có hiến pháp “hòa bình” thời hậu chiến cấm họ sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế, theo truyền thống, chi tiêu cho quốc phòng ở mức 1% GDP. Bất kỳ nỗ lực nào để vượt qua rào cản mang tính biểu tượng đó đều có thể gặp phải phản kháng từ trong nước và châm ngòi cho các cuộc phản đối từ Trung Quốc.

Theo kế hoạch, Quốc hội Nhật Bản sẽ triệu tập phiên họp đặc biệt vào ngày 10.11 để xác nhận Thủ tướng Kishida sẽ tiếp tục nắm quyền và Nội các mới dự kiến sẽ phần lớn không thay đổi cũng trong ngày này.

Thái Anh