Giá trị cốt lõi và yếu tố bản địa

- Thứ Tư, 30/12/2020, 07:22 - Chia sẻ
Cây đa, bến nước, sân đình, mái ngói nâu trầm… là những hình ảnh đặc trưng khi mỗi người nhớ về làng quê Việt Nam. Tuy nhiên, trong cơn lốc đô thị hóa, diện mạo làng xã, đặc biệt là khu vực ven đô đang thay đổi nhanh chóng. Làm sao giữ giá trị, dấu ấn văn hóa làng xưa trong phố hiện đại?

Kiến trúc lộn xộn, lai căng

Xu thế đô thị hóa là tất yếu của sự phát triển ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với sự xích lại khoảng cách giữa đô thị và nông thôn; sự thay đổi kiến trúc cảnh quan làng quê đang diễn ra từng ngày. Ở các vùng nông thôn hiện nay, kiến trúc được xây dựng theo ý muốn của từng hộ gia đình, phần lớn đều lấy nguyên mẫu nhà chia lô ở đô thị. Tình trạng phá bỏ nhà truyền thống để xây nhà ống khá phổ biến, những ngôi nhà ba gian hai chái dần nhường chỗ cho nhà cao tầng kiến trúc hình ống; không gian sân vườn xanh mướt cũng dần thu hẹp, mật độ “bê tông hóa” ngày càng tăng nhanh.

Phát triển hòa hợp giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại Nguồn: ITN
Phát triển hòa hợp giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại
Nguồn: ITN

Nhà mái tôn đan xen nhà mái ngói, chênh lệch về chiều cao, gây lộn xộn trong kiến trúc, cảnh quan. Điều này không chỉ xảy ra ở đồng bằng, mô hình nhà ống chia lô từ đô thị cũng được bê nguyên lên nhiều vùng miền núi, trung du… Nhiều kiến trúc sư cho rằng, vấn đề kiến trúc, cảnh quan nông thôn trong quá trình đô thị hóa chưa được quan tâm đúng mức. Điều này dẫn tới chất lượng cảnh quan xuống cấp, đặc biệt trong nhiều khu vực giáp ranh nông thôn - thành thị.

Đời sống kinh tế ngày càng khá lên, kiến trúc nhà ở cũng cần được nâng cấp an toàn, tiện nghi hơn. Tuy nhiên, cảnh quan kiến trúc nông thôn vốn là tài sản quý của di sản định cư người Việt trải qua hàng ngàn năm lịch sử. Ở đó lưu giữ nhiều bài học về cách tổ chức không gian làng xã, tư duy kiến trúc, cách sử dụng vật liệu và cả mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên... Tất cả hòa quyện, phần nào tạo nên hồn cốt Việt qua thời gian. Nếu được nghiên cứu, kế thừa, khai thác, hiện đại hóa sẽ tạo nên nét riêng của kiến trúc Việt Nam.

Trước thực tế này, phải có các giải pháp quy hoạch cảnh quan trên cơ sở định hướng xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc, cảnh quan truyền thống. Đối với các ngôi làng có giá trị đặc biệt về kiến trúc, cảnh quan, cần bảo tồn cấu trúc tổng thể với các không gian đặc trưng, tôn tạo nhà cổ, các công trình tín ngưỡng tôn giáo như đình, chùa, đền...

Hài hòa truyền thống - hiện đại

“Trên thế giới chỉ tồn tại 2 dạng đô thị. Đô thị xuất thân đã là đô thị thì hiện nay rất ít, đa phần là đô thị xuất phát từ làng xã như Hà Nội, Paris, Bắc Kinh, Tokyo… Nguyên gốc làng xã vẫn hiển hiện, mang lại tình cảm cho con người khi đến các đô thị đó. Đến Hà Nội mà chưa đi khu 36 phố phường thì chưa thấy hồn cốt Thủ đô nghìn năm văn hiến. Vậy nên, kiến trúc, cảnh quan làng xã là cơ hội, may mắn cho việc nghiên cứu đô thị sau này” - TS Nguyễn Việt Huy, giảng viên Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng chia sẻ tại tọa đàm về kiến trúc cảnh quan nông thôn đồng bằng châu thổ sông Hồng mới đây.

Trong quá trình nhiều ngôi làng lên phố, không nên xóa sạch mọi dấu vết lịch sử từng tồn tại trước đó. TS Nguyễn Việt Huy cho rằng: Làng truyền thống, dù ở vị trí nào, kể cả đang nằm xen giữa các khu đô thị hóa, hay nơi chưa bị công nghiệp hóa, thì vẫn là điểm mốc, cốt lõi để phát triển không gian xung quanh. Những người làm quy hoạch có thể bám vào đó để phát triển đồ án có ý nghĩa, chiều sâu hơn. Nếu trở thành trung tâm của khu vực mới quy hoạch, những ngôi làng truyền thống có thể phát triển hòa hợp giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại...

Trong quá trình toàn cầu hóa, sự khác biệt về kiến trúc, cảnh quan giữa các vùng miền sẽ mất đi rất nhanh. Bởi vậy, cần xem lại định hướng kiến trúc cho các vùng miền để phát huy giá trị bản địa từng khu vực. Căn cứ điều kiện địa lý của từng vùng, mỗi địa phương để lập quy hoạch, xây dựng cảnh quan bảo đảm phù hợp, nhưng vẫn tạo nên sự hài hòa và thân thiện với môi trường...

Ông Đặng Văn Hà - Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị, góp ý: Các cơ quan chức năng cần sớm rà soát các văn bản quy định cũng như hướng dẫn về quy hoạch, xây dựng, quản lý cảnh quan nông thôn và nông thôn mới trên cơ sở đặc thù của từng địa phương. Đồng thời, nghiên cứu, điều chỉnh, quy hoạch lại không gian của thôn, làng, bảo đảm phù hợp với thực tiễn phát triển.

Để nâng cao đời sống, tăng sự tiện nghi và thoải mái cho người dân, mà vẫn không đánh mất bản sắc, các nhà chuyên môn cho rằng, bên cạnh chính sách, nỗ lực của giới kiến trúc sư, điểm quan trọng là chủ nhân của từng ngôi làng phải yêu quý và đưa ra quyết định gìn giữ giá trị xưa. Thực tế cho thấy, ở nhiều làng xã, người dân không muốn giữ lại những gì xưa cũ mà phá đi xây cái mới. Nhưng có một số nơi, bằng kinh nghiệm bản địa, người dân làng đã quyết giữ “khung” giá trị vật thể kiến trúc với không gian ao làng, đình, chùa, nhà thờ họ... Nhiều người hy vọng, việc làm này sẽ được phát huy, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi di sản của cha ông có thể trở thành mỏ vàng của du lịch sinh thái, lịch sử văn hóa, tạo hướng phát triển bền vững, mang lại nguồn lợi cho chính những người giữ gìn cảnh quan, di sản đó.

Thảo Nguyên