Hoạt động của HĐND tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021

Ghi dấu với chức năng quyết định

- Thứ Hai, 29/03/2021, 05:57 - Chia sẻ
Một nhiệm kỳ với những thay đổi khá lớn về cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ với nhiều hoạt động sôi nổi, trách nhiệm của HĐND tỉnh Quảng Nam Khóa IX đang dần khép lại. HĐND tỉnh Quảng Nam đã ghi dấu trong thực hiện chức năng quyết định, thể hiện rõ vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Kết quả tích cực từ những con số

Nhiệm kỳ 2016 - 2021, với việc ban hành 311 nghị quyết, trong đó có 99 nghị quyết quy phạm pháp luật quy định cơ chế, chính sách đặc thù, HĐND tỉnh Quảng Nam đã kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương của Trung ương, Tỉnh ủy, ý kiến nguyện vọng của Nhân dân để UBND các cấp tổ chức thực hiện; góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân.

Có thể điểm qua một số quyết sách nổi bật. Trên lĩnh vực kinh tế là các chính sách hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng giao thông, hạ tầng phục vụ phát triển ngành nông nghiệp, hạ tầng đô thị, cơ chế hỗ trợ đầu tư các khu xử lý chất thải rắn... Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, điểm nhấn nổi bật là các chính sách hỗ trợ bảo đảm an sinh, xã hội như: Hỗ trợ người có công cách mạng về nhà ở, cải thiện mức sống người có công và đối tượng bảo trợ xã hội, sữa học đường đối với trẻ mẫu giáo và tiểu học ở 6 huyện miền núi cao... Ở lĩnh vực dân tộc - miền núi, các Nghị quyết về hỗ trợ sắp xếp ổn định dân cư; mức chi bảo vệ rừng tự nhiên... đã thể hiện rõ tính đúng đắn và hiệu quả. Trên lĩnh vực pháp chế, HĐND tỉnh ghi dấu ấn với việc ban hành khá nhiều nghị quyết thúc đẩy thực hiện có hiệu quả chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở.

Trong xem xét, quyết định các vấn đề liên quan đến ngân sách, đầu tư, đất đai, tài nguyên, khoáng sản... HĐND, Thường trực HĐND tỉnh luôn cân nhắc thận trọng, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển, vừa bảo đảm cân đối nguồn lực, bảo vệ môi trường, bảo vệ đất trồng lúa, kiểm soát các tác động bất lợi bởi quá trình đô thị hóa, gia tăng dân số và gia tăng nhu cầu sử dụng đất lúa. Trong nhiệm kỳ, HĐND tỉnh Quảng Nam đã quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 với trên 300 dự án khởi công mới; quyết định chủ trương đầu tư nhiều dự án nhóm B, C; chấp thuận chủ trương đầu tư nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà ở; gần 10.000 danh mục dự án thu hồi đất, hơn 3.000 danh mục dự án chuyển mục đích sử dụng đất. Trước khi quyết nghị đã chú trọng khảo sát thực tế, đánh giá tác động các dự án.

Quang cảnh Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Quảng Nam Khóa IX
Ảnh: Châu Trân

Chính sách đi liền với ngân sách

Khắc phục hạn chế giai đoạn trước là ban hành chính sách nhưng ít chú ý khả năng bảo đảm nguồn lực khiến nhiều chính sách không phát huy được trong thực tế. Nhiệm kỳ này, điểm khác biệt khá rõ trong thảo luận và ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh là luôn chú trọng làm rõ khả năng bảo đảm nguồn lực ngay từ giai đoạn đề xuất chính sách, lập đề nghị xây dựng nghị quyết (cả nguồn đầu tư và nguồn sự nghiệp); yêu cầu nguồn vốn thực hiện các nghị quyết phải được cân đối, tính toán trong kế hoạch tài chính trung hạn hoặc từng năm để thực hiện đúng quan điểm chính sách phải đi liền với ngân sách. HĐND tỉnh cũng nghiên cứu xếp thứ tự ưu tiên trong ban hành chính sách. Việc huy động các nguồn lực của ngân sách cấp huyện, xã, các nguồn vốn xã hội hóa để giảm dần tính bao cấp của ngân sách cấp tỉnh cũng được quan tâm, thể hiện rõ với việc ban hành nhiều chính sách quy định cụ thể trách nhiệm đối ứng ngân sách của cấp huyện, xã và cả đối tượng thụ hưởng.

Với cách làm đó, nguồn lực thực hiện nghị quyết cơ bản được bảo đảm. Theo thống kê, tổng nhu cầu vốn đầu tư phần ngân sách tỉnh cần bố trí để thực hiện các nghị quyết do HĐND tỉnh ban hành là hơn 5.900 tỷ đồng; giai đoạn 2016 - 2020 đã bố trí hơn 4.000 tỷ đồng, tiếp tục chuyển sang giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện các nghị quyết đã ban hành là 1.020 tỷ đồng. Đối với phần vốn sự nghiệp, bình quân mỗi năm nhu cầu bố trí vốn để thực hiện các nghị quyết do HĐND tỉnh ban hành khoảng 700 tỷ đồng, tập trung vào các chính sách khuyến khích thoát nghèo, hỗ trợ bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội.

Trước tác động bất lợi của dịch bệnh Covid-19, khả năng và tiến độ thu ngân sách nhà nước trên địa bàn sụt giảm, nhu cầu ban hành chính sách cho giai đoạn mới khá nhiều, HĐND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo việc tổ chức, rà soát, đánh giá các nghị quyết do HĐND tỉnh ban hành để có ý kiến xử lý, nhất là các nghị quyết còn nguồn kinh phí thực hiện lớn.

Phát huy trách nhiệm của từng chủ thể

Cùng với thực hiện các quy trình, thủ tục theo quy định, trong soạn thảo và ban hành nghị quyết, các chủ thể tham gia đã phát huy khá tốt vai trò, trách nhiệm ở từng giai đoạn, nhất là khâu đánh giá tác động, thẩm tra, thảo luận và biểu quyết thông qua nghị quyết.

Trong nhiệm kỳ, các cơ quan thuộc HĐND, UBND tỉnh đã chú trọng hơn khâu đánh giá tác động chính sách, lấy ý kiến đối tượng chịu tác động thông qua việc Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo nghị quyết, các ban của HĐND tỉnh tổ chức khảo sát, điều tra xã hội học về dự kiến chính sách… Khi thẩm tra về các dự thảo nghị quyết, các Ban của HĐND tỉnh đã phân tích, làm rõ cả cơ sở pháp lý và thực tiễn, đề xuất các phương án khác nhau để đại biểu HĐND tỉnh có cơ sở thảo luận và quyết định.

Trong kỳ họp, chủ tọa đã dành thời gian thảo luận ở các tổ, chỉ đạo xây dựng phiếu lấy ý kiến đại biểu để có thể thu thập đầy đủ nhất các ý kiến đại biểu HĐND trong thảo luận, góp ý nghị quyết. Đa phần các ý kiến góp ý tại kỳ họp đều được tổng hợp và giải trình cụ thể. Đối với nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau, đề nghị UBND tỉnh, các ngành giải trình cụ thể trước khi lấy ý kiến biểu quyết theo từng phương án. Nhờ đó, vai trò, trách nhiệm của đại biểu HĐND, cơ quan thẩm tra, cơ quan trình được phát huy, huy động trí tuệ tập thể trong việc ban hành nghị quyết sát, đúng thực tiễn và phù hợp quy định pháp luật.

Dương Thị Thanh Hiền- Phó chánh Văn phòng HĐND tỉnh Quảng Nam