GDP tăng trưởng ấn tượng

- Thứ Tư, 30/06/2021, 05:40 - Chia sẻ
Bất chấp các làn sóng Covid-19 liên tiếp ập đến, tăng trưởng GDP 6 tháng vẫn đạt kết quả ấn tượng với 5,64%. Tuy vậy, trung bình mỗi tháng cả nước cũng có 11,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

GDP quý II tăng 6,61%

Tại cuộc họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm vào sáng qua, 29.6, Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II ước tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng, GDP tăng 5,64%, cao hơn mức 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, kết quả này cho thấy sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng; sự chung sức, đồng lòng của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, Nhân dân cả nước và lực lượng tuyến đầu chống dịch để kiểm soát dịch bệnh, thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,82%, đóng góp 8,17% mức tăng chung của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36%, đóng góp 59,05%; khu vực dịch vụ tăng 3,96%, đóng góp 32,78%.

Đáng chú ý, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 tăng khá so với cùng kỳ năm trước do năng suất lúa đông xuân tăng cao, ngành chăn nuôi và thủy sản phát triển ổn định, các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản chủ yếu đều tăng khá. Riêng ngành nông nghiệp tăng 3,69%, chỉ thấp hơn mức 4,24% của 6 tháng đầu năm 2011 trong suốt giai đoạn 2011 - 2021, đóng góp 0,34 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành công nghiệp tăng 8,91% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 2,91% của 6 tháng đầu năm 2020, đóng góp 3,01 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

Cùng với đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng tăng 1,47%, thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản được kiểm soát ở mức 0,87%.

Khu vực doanh nghiệp vẫn ghi nhận sự gia tăng về số lượng và vốn của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cho thấy sự nỗ lực và tinh thần khởi nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp. Cụ thể, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 6 tháng đạt 67,1 nghìn, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước và tăng 34,3% về vốn đăng ký. Tính chung 6 tháng đầu, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt 93,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Ở chiều ngược lại, cũng trong 6 tháng có 70,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm: 35,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước; 24,7 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 25,7%; 9,9 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 33,8%. Trung bình mỗi tháng có 11,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Kiểm soát, bình ổn giá nguyên vật liệu

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 2021 khoảng 6% theo mục tiêu Quốc hội đề ra, đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng cần phải tiếp tục thực hiện nghiêm tinh thần "chống dịch như chống giặc" với phương châm “5K + vaccine". Tiếp đến, các cơ quan hữu quan kiểm soát và bình ổn giá các loại nguyên vật liệu, trong đó có thức ăn chăn nuôi. 

Cùng với đó, các cơ quan ban, ngành cần xây dựng chính sách thúc đẩy chuyển đổi số; nâng cao nhận thức tiêu thụ nông sản trên các nền tảng số cho các nhà sản xuất nông nghiệp và người tiêu dùng; thực hiện các chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Thực tế cho thấy, mặc dù dịch Covid-19 làm nhiều ngành nghề gặp khó khăn, tuy nhiên lại trở thành động lực để thay đổi phương thức mua bán truyền thống từ trực tiếp sang trực tuyến.

Ngoài ra, phải tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đặc biệt là người lao động bị mất việc làm tại các khu công nghiệp, tại các khu vực bị cách ly. Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về đầu tư công cũng là một trong những giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đặc biệt, Chính phủ thực hiện chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt phù hợp với tình hình thực tiễn góp phần thúc đẩy tăng trưởng giúp ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. Đồng thời, thúc đẩy xuất nhập khẩu, phát triển thương mại hài hòa và bền vững, tận dụng hơn nữa các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết.

6 tháng nhập siêu 1,47 tỷ USD

6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4%; nhập khẩu đạt 159,1 tỷ USD, tăng 36,1%; ước tính nhập siêu 1,47 tỷ USD.

Đáng chú ý, nhập khẩu hàng tiêu dùng trị giá 9,78 tỷ USD, chiếm 6,1% tổng trị giá hàng nhập khẩu. “Điều này sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng nội địa, khiến hàng nội địa khó tiêu thụ hơn, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, tiêu thụ hàng hóa trong nước”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá.

 ____________

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị Quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

An Thiện