GDP giai đoạn 2021 – 2023 bình quân có thể đạt 6,76%

- Thứ Năm, 22/04/2021, 12:06 - Chia sẻ
Nếu Việt Nam vừa nới lỏng tài khóa và tiền tệ vừa cải cách thể chế, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2021 – 2023 có thể đạt 6,76%.
Toàn cảnh hội thảo

Đây là kết quả nghiên cứu vừa được công bố tại Hội thảo “Thúc đẩy phục hồi kinh tế và cải cách thể chế sau đại dịch Covid-19: Đề xuất cho Việt Nam” diễn ra sáng nay. Hội thảo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức, với sự hỗ trợ của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam.

Theo đại diện nhóm nghiên cứu CIEM, đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đã có những tác động bất lợi, sâu rộng, cả trực tiếp và gián tiếp đối với kinh tế toàn cầu. Đến nay, đại dịch vẫn có những diễn biến hết sức khó lường, cho dù nhiều nước đã bắt đầu quá trình phổ biến vaccine. Dù vậy, các nước cũng cân nhắc nhiều giải pháp hơn, kể cả những gói kích cầu quy mô lớn chưa từng có tiền tệ, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, kích thích phục hồi kinh tế.

Tại Việt Nam, kể từ đầu năm 2020 phải đối mặt với hai làn sóng bùng phát của đại dịch Covid-19. Với phản ứng quyết liệt và khá sớm, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia được đánh giá là tương đối thành công trong kiểm soát dịch. Công tác chỉ đạo và điều hành của Chính phủ đã thể hiện những bước chuyển phù hợp, linh hoạt, song kiên định với “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng chống dịch hiệu quả vừa tập trung phục hồi và thúc đẩy sản xuất trong nước. Các cải cách về môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp… tiếp tục có sự liền mạch với các năm trước.

Nhờ đó, Việt Nam có tốc độ tăng GDP đạt 2,91% trong năm 2020 và phục hồi ở mức 4,48% trong quý 1.2021. Các tổ chức quốc tế đều duy trì đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam. Dù còn thấp hơn so với trước đại dịch Covid-19 song kết quả tăng trưởng này của Việt Nam cao hơn so với kết quả báo cáo của hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, kể cả khu vực Đông Á.

Mặc dù được đánh giá là một trong số ít các quốc gia thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh, tạo tiền đề cho phục hồi và thúc đẩy sản xuất trong nước, tái mở cửa kinh tế một cách an toàn, song “Việt Nam cũng cần xây dựng một kế hoạch dài hơi hơn, tránh rủi ro “cạn kiệt” không gian chính sách và giảm động lực cải cách thể chế kinh tế”, Viện trưởng CIEM Nguyễn Thị Hồng Minh nêu rõ. Bởi nếu nền kinh tế chậm phục hồi, cải cách thể chế kinh tế cũng sẽ thiếu sự đồng thuận và động lực cần thiết và/hoặc không tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực của dịch bệnh đến các mặt của đời sống kinh tế - xã hội còn tiếp tục kéo dài, chưa thể đánh giá hết, Báo cáo “Thúc đẩy phục hồi kinh tế và cải cách thể chế sau đại dịch Covid-19: Đề xuất cho Việt Nam” đưa ra một số cân nhắc về quá trình phục hồi kinh tế và cải cách thể chế kinh tế trong thời gian tới, bao gồm cân nhắc về ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế, về cải cách thể chế kinh tế trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế, về vai trò của Nhà nước và không gian kinh tế cho khu vực kinh tế tư nhân cũng như thời điểm tiến hành cải cách.

Báo cáo đặt ra triển vọng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021 - 2023 dựa trên 3 kịch bản. Với kịch bản trong điều kiện bình thường, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân sẽ đạt 6,35%. Với kịch bản nới lỏng tài khóa và tiền tệ, tốc độ tăng trưởng bình quân là 6,69%. Với kịch vừa nới lỏng tài khóa, tiền tệ vừa cải cách thể chế, tốc độ tăng trưởng đạt 6,76%.

Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, trong giai đoạn 2021 - 2023, Việt Nam cần tiếp tục phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người lao động, kết hợp với cải cách thể chế kinh tế trong năm 2021. Sang năm 2022 cần kết hợp giải pháp phục hồi kinh tế và cải cách thể chế kinh tế. Đến năm 2023 cần rút dần các giải pháp hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, tập trung vào cải cách thể chế kinh tế.

Đan Thanh