Phương Tây muốn loại Nga khỏi hệ thống SWIFT

Gậy ông đập lưng ông?

- Thứ Bảy, 05/06/2021, 06:46 - Chia sẻ
Mới đây, Chủ tịch Ủy ban Duma quốc gia (Hạ viện) Nga về thị trường tài chính Anatoly Aksakov trong một cuộc phỏng vấn với TASS bên lề Diễn đàn Kinh tế quốc tế St.Petersburg cho biết, hệ thống thanh toán SWIFT sẽ “tự bắn vào chân mình” nếu ngắt kết nối với Nga.

Không dễ cắt đứt

Theo ông Anatoly Aksakov, những hạn chế như vậy chỉ có thể giáng đòn mạnh vào sự ổn định tài chính của Nga trong thời gian thích ứng với tình hình, nhưng sau đó các đối tác của nước này, “những người chưa có mặt trong hệ thống nhắn tin tài chính SPFS (của Nga), sẽ nhanh chóng tham gia và hệ thống sẽ ngay lập tức hoạt động bình thường”.

	Nguồn: Global Look Press
Nguồn: Global Look Press

Theo các nhà phân tích, biến động của đồng ruble trong tình huống như vậy có thể xảy ra. Và chắc chắn, sự sụp đổ của đồng ruble Nga, như đã xảy ra với đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ không xảy ra, ngay cả trong trường hợp giá dầu giảm hay rủi ro địa chính trị, ông Aksakov khẳng định. 

Nghị quyết ngày 29.4 được Nghị viện châu Âu thông qua về việc loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT nếu quân đội nước này xâm lược Ukraine có thể không bị ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng nó vẫn làm Điện Kremlin chú ý. Người phát ngôn của Tổng thống, ông Dmitry Peskov cho biết không thể loại trừ khả năng nó được thực hiện.

Lời kêu gọi loại Nga khỏi SWIFT không mới. Tháng 8.2014, Vương quốc Anh từng kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu xem xét lựa chọn như vậy. Ông Alexei Kudrin, cựu Bộ trưởng Tài chính Nga, khi đó dự báo, nếu thành hiện thực, động thái đó có thể khiến GDP của Nga giảm 5%. Cuối cùng, chiến dịch gây áp lực đã bị loại bỏ. Việc cắt đứt Nga khỏi SWIFT được coi là một bước leo thang lớn, hoặc như Thủ tướng Dmitry Medvedev khi ấy đã nói, tương đương với “một lời tuyên chiến”.

Kể từ đó, khả năng lựa chọn này được thực hiện vẫn ở mức thấp. Mức độ kết nối cao của Nga với phương Tây đóng vai trò như lá chắn. Mỹ và Đức sẽ thiệt hại nhiều nhất nếu Nga bị ngắt kết nối, bởi vì các ngân hàng của hai quốc gia trên sử dụng SWIFT thường xuyên nhất để liên lạc với các ngân hàng Nga.

Khả năng đối phó của Nga

Trên thực tế, chính quyền Moscow đã thực hiện nhiều bước để bảo đảm hệ thống tài chính trong nước, rút kinh nghiệm từ trường hợp của Iran. Sau khi các ngân hàng Iran bị ngắt kết nối với SWIFT, họ đã mất gần một nửa doanh thu xuất khẩu dầu và 30% doanh thu từ ngoại thương. Tác động đối với nền kinh tế Nga cũng sẽ tàn khốc không kém, đặc biệt là trong ngắn hạn. Việc cắt khỏi SWIFT sẽ chấm dứt tất cả giao dịch quốc tế, kích hoạt sự biến động tiền tệ và gây ra dòng chảy vốn ra ngoài lớn. Vì vậy, từ năm 2014, một số biện pháp đối phó đã được Nga đưa ra để giảm thiểu rủi ro và thiệt hại kinh tế tiềm tàng.

“Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên Ngân hàng Toàn cầu” (Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication - SWIFT) được thành lập ngày 3.5.1973 và được hỗ trợ bởi 239 ngân hàng tại 15 quốc gia. SWIFT cho phép các tổ chức tài chính và ngân hàng trên toàn thế giới gửi và nhận thông tin về các giao dịch tài chính trong một môi trường an toàn, tiêu chuẩn và đáng tin cậy.

Nếu các ngân hàng Nga bị ngắt kết nối với hệ thống thanh toán Visa và MasterCard, tất cả giao dịch trong nước có thể được thực hiện thông qua hệ thống thẻ thanh toán quốc gia. Tuy nhiên, thực hiện chuyển tiền quốc tế sẽ gặp khó khăn.

Tháng 4.2014, một số ngân hàng của Nga bị Mỹ đưa vào danh sách đen. Cả Visa và MasterCard đều đình chỉ dịch vụ của các ngân hàng mục tiêu và chặn họ sử dụng hệ thống thanh toán của mình. Sau đó, chính phủ Nga thông qua dự luật mới giới thiệu hệ thống thẻ thanh toán quốc gia, sau này được gọi là Mir (Thế giới). Được sở hữu hoàn toàn bởi Ngân hàng Trung ương Nga, hệ thống này hoạt động như một trung tâm thanh toán bù trừ để xử lý các giao dịch thẻ trong nước. Kể từ năm 2014, thị phần hoạt động của Mir đã tăng lên 24% trong tất cả giao dịch thẻ nội địa, với hơn 73 triệu thẻ sử dụng hệ thống Mir được phát hành. Tuy nhiên, thực hiện thanh toán bên ngoài nước Nga vẫn còn xa vời với thẻ Mir. 

Trong trung hạn, SWIFT có thể được thay thế bởi hệ thống SPFS, được Ngân hàng Trung ương Nga thiết lập năm 2014, nhằm tái tạo các chức năng của hệ thống chuyển khoản liên ngân hàng. Hiện tại, 20% tổng số chuyển tiền trong nước được thực hiện thông qua SPFS. Ngân hàng Trung ương tìm cách tăng tỷ trọng này lên 30% vào năm 2023. Tuy nhiên, để trở thành giải pháp thay thế hấp dẫn, hệ thống vẫn cần giải quyết các hạn chế kỹ thuật. Hoạt động được giới hạn trong giờ làm việc các ngày trong tuần, không giống như SWIFT, hoạt động 24/7. Ngoài ra, trên bình diện quốc tế, Nga vẫn gặp khó khăn trong thu hút thành viên nước ngoài tham gia để cạnh tranh với mạng lưới hơn 11.000 thành viên của SWIFT.

Do những hạn chế của SPFS, Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới của Trung Quốc (CIPS) được đề xuất là giải pháp thay thế thực tế hơn cho các ngân hàng Nga trong trường hợp mất kết nối. Tuy nhiên, vẫn còn một chặng đường dài trước khi CIPS có thể thay thế SWIFT. Tỷ trọng của đồng nhân dân tệ trên thị trường tài chính quốc tế khá thấp: ít hơn 2% trong các khoản thanh toán toàn cầu, so với con số khổng lồ 40% mà USD nắm giữ, và thua xa so với đồng euro, bảng Anh và yên Nhật. Kết quả là, hệ thống thanh toán CIPS vẫn còn rất nhỏ, khoảng 0,3% kích thước của SWIFT. Dẫu vậy, CIPS có thể trở thành giải pháp thay thế khu vực cho SWIFT ví dụ như ở Âu - Á.

Một lựa chọn khác để đối phó với việc phải rời SWIFT là Chính phủ Nga đẩy nhanh việc giới thiệu đồng ruble kỹ thuật số. Sự ra đời của nó đã được Ngân hàng Trung ương phê duyệt vào tháng 10.2020. Nguyên mẫu đầu tiên của đồng ruble kỹ thuật số dự kiến sẽ sẵn sàng vào cuối năm 2021 và được thử nghiệm ở Crimea. Động lực của Nga nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, tăng giá đồng ruble trên toàn cầu và giảm thiểu rủi ro bị trừng phạt.

Tuy nhiên, đồng ruble kỹ thuật số sẽ không dễ dàng được chấp nhận như phương tiện thanh toán bên ngoài quốc gia. Khả năng vượt qua hoàn toàn các lệnh trừng phạt của Mỹ với việc sử dụng tiền tệ kỹ thuật số cũng bị hạn chế. Kể từ tháng 3.2018, Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài của Mỹ đã không phân biệt giữa giao dịch tiền tệ thông thường và giao dịch tiền kỹ thuật số khi nói đến việc tuân thủ các lệnh trừng phạt. 

Cuối cùng, nỗ lực của Nga có thể thu lợi từ những nỗ lực mới nhất của châu Âu nhằm đẩy lùi sự thống trị của Mỹ trên thị trường tài chính. Liên minh châu Âu (EU) từng đưa ra Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại (INSTEX) như giải pháp thay thế cho SWIFT. INSTEX hiện chỉ giới hạn trong thương mại nhân đạo, nhưng sau này, EU có kế hoạch nâng cao hiệu quả của INSTEX và các nước như Nga và Trung Quốc đã đề nghị hợp tác với INSTEX. Nhiều việc sẽ cần phải được thực hiện trước khi những sáng kiến trên có thể trở thành giải pháp thay thế khả thi. Song ý tưởng của EU khuyến khích tạo ra một kênh song song với các hệ thống thông thường được kết nối với Mỹ là thông điệp đáng hoan nghênh đối với Moscow và Bắc Kinh.

Ngọc Minh