Gây ô nhiễm phải trả phí

- Thứ Ba, 18/08/2020, 06:11 - Chia sẻ
Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh vừa có tờ trình chính thức gửi UBND TP Hồ Chí Minh về việc ban hành giá dịch vụ thoát nước trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020 - 2024. Theo tờ trình này, giá dịch vụ thoát nước tăng trung bình 5%/năm, năm 2020 là 1.430 đồng/m3, năm 2021 là 2.033 đồng, năm 2022 là 2.694 đồng, năm 2023 là 3.426 đồng và 4.237 đồng vào năm 2024 (chưa gồm thuế GTGT).

Đại diện Sở Xây dựng cho rằng, việc xây dựng phương án giá dịch vụ thoát nước trên địa bàn TP Hồ Chí Minh là cần thiết, xuất phát từ nhu cầu cấp thiết thực tế, phù hợp với chủ trương xã hội hóa, góp phần giảm áp lực ngân sách nhà nước. Giá này là toàn bộ chi phí được tính đúng, tính đủ và mức lợi nhuận hợp lý cho 1m3 nước thải để thực hiện dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải. Sở Xây dựng cũng khẳng định, đề xuất thu giá thoát nước căn bản sẽ tạo sự công bằng xã hội, người gây ô nhiễm phải có trách nhiệm trong việc xử lý các chất gây ô nhiễm môi trường. Lộ trình tăng dần với mức tác động “vừa phải” đến túi tiền của người dân.

Thực tế, việc thu tiền dịch vụ thoát nước đối với các hộ dùng nước như đề xuất trên là thực hiện đúng theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền xử lý ô nhiễm môi trường. Biện pháp kinh tế tác động vào hành vi của các chủ thể theo hướng có lợi cho môi trường này đã được thế giới áp dụng từ lâu. Nhất là khi dân số ngày càng tăng, sản xuất ngày càng mở rộng, mật độ xây dựng cao... thì nguồn phí bảo trì, vận hành hệ thống thoát nước cũng cao theo. Do vậy, thu phí nước thải là việc tất yếu phải làm dù sớm hay muộn.

Hiện phí bảo vệ môi trường trong giá nước còn không cáng đáng nổi việc vận hành, bảo trì hệ thống hiện có chứ chưa nói đến việc cải tạo cả hệ thống xử lý nước thải. Cũng do thiếu nguồn vốn, đến nay TP Hồ Chí Minh mới xây dựng, vận hành được 3 nhà máy xử lý nước thải với tổng công suất xử lý 171.000m3/ngày - tương ứng 13% lượng nước thải trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Như vậy, có đến 1,5 triệu mét khối nước thải/ngày chưa được xử lý vẫn đổ ra sông, rạch. Mục tiêu thành phố đặt ra đến năm 2020 có 80% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý tập trung đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường coi như “phá sản” hoàn toàn.

Có thể khẳng định, việc thu phí nước thải là việc tất yếu để có nguồn lực đầu tư giúp thành phố sạch, đẹp, nhưng không phải không có những tâm tư. Bởi đây là mặt hàng thiết yếu không thể không sử dụng nên người dân lo lắng cũng là điều dễ hiểu. Dù Sở Xây dựng khẳng định tác động của việc thu phí này “rất nhỏ” so với thu nhập của người dân hiện nay. Sở này cũng so sánh với mức giá thu dịch vụ thoát nước của Hải Phòng, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Hà Nội (đang đề xuất thu trong năm 2020 với mức 1.895 - 2.645 đồng mỗi mét khối)... để thấy rằng, mức thu của TP Hồ Chí Minh là tương đối thấp. Nhưng vấn đề quan trọng là người dân đâu chỉ có đóng chi phí này.

Trong giá nước hiện nay, vốn đã có 10% phí bảo vệ môi trường. Tháng 11 năm ngoái, TP Hồ Chí Minh cũng vừa điều chỉnh tăng giá nước sinh hoạt, và giá này cũng sẽ tăng đều qua từng năm. Người sử dụng nước cảm thấy dường như mình đang phải cõng “tăng phí kép”. Do đó, rất cần sự cân nhắc của cơ quan chức năng, tính toán để có mức thu hợp lý, ít ảnh hưởng nhất đến đời sống người dân, nhất là số đông người có thu nhập thấp. Song song với đó, cần có cơ sở pháp lý để thuyết phục người dân. Khi thu thêm phí dịch vụ thoát nước để tăng nguồn đầu tư, thành phố cũng phải đặt mục tiêu không chỉ là xử lý nước thải hiệu quả mà còn tiến tới chống ngập và thu hồi nước sạch cung cấp trở lại cho người dân.

Nhiều chuyên gia nhấn mạnh rằng, TP Hồ Chí Minh không nên thu phí dịch vụ của hộ gia đình và đơn vị kinh doanh như nhau, cần xây dựng phí dịch vụ thoát nước cho từng đối tượng khác nhau. Những đơn vị kinh doanh yêu cầu xử lý nước thải nhiều hơn như nhà hàng, khách sạn, gara ô tô sẽ trả phí thoát nước cao hơn so với hộ gia đình bình thường. Điều này sẽ tạo công bằng trong vấn đề sử dụng nước gây ô nhiễm môi trường, đúng nghĩa ai gây ô nhiễm nhiều hơn phải trả tiền nhiều hơn.

Duy Anh