Xem - Nghe - Đọc

Gặp lại Mozart

- Chủ Nhật, 14/11/2021, 07:51 - Chia sẻ
Mỗi một cuốn tiểu sử được in ra là ta lại thấy chân dung của một vĩ nhân trong những hoàn cảnh cuộc đời của họ, nơi họ "người" nhất, yếu đuối nhất và cũng có những lúc vĩ đại nhất.

Đối với tôi, Wolfgang Amadeus Mozart (1756 - 1791) luôn là một trong những nhạc sĩ cổ điển yêu thích nhất. Tôi nghe nhạc của ông mỗi sáng thức dậy, những lúc bị stress hoặc trong khi đang lái xe. 

 Âm nhạc của nhạc sĩ vĩ đại người Áo giàu năng lượng tích cực, trong trẻo, vui vẻ, đầy lạc quan và yêu đời, hệt như chính ông, người đã sống và chết vì âm nhạc, từ khi là một thần đồng âm nhạc cùng bố đi lưu diễn cho các triều đình châu Âu cho đến tận những phút cuối đời, vẫn làm việc, vẫn ám ảnh bởi những nốt nhạc và khi chết vẫn còn đang viết dang dở bản “Cầu hồn” (Requiem) cho một đơn đặt hàng, nhưng như khi hấp hối, ông thốt lên là dường như ông viết bản đó cho chính bản thân mình. Cái chết ở tuổi 36 đã cướp đi của nhân loại một trong những nhà soạn nhạc xuất sắc nhất mọi thời đại, với hàng trăm tác phẩm để đời cho các loại nhạc cụ, nhiều nhất là piano và violin, cũng như những vở opera như “Cây sáo thần”, “Đám cưới Figaro” hay “Cosi fan tutte”.

Những điều gì đã tạo ra một nghệ sĩ vĩ đại như thế? Cuộc đời ngắn ngủi của ông chứa đựng những gì, tài năng thiên bẩm, tính cách, tình yêu, những câu chuyện gia đình và cái chết bi thảm vì bệnh tật? Trong nhiều năm, kể cả khi đã đọc một số tiểu sử ngắn viết về ông cũng như đã đến thăm nhà ông ở Salzburg, quê hương ông, và Vienna, nơi ông đã sống những năm cuối đời và chết, tôi vẫn bị ám ảnh bởi những hình ảnh của bộ phim “Amadeus” (1984) của đạo diễn Milos Forman. Trong gần 3 tiếng của phim, vị đạo diễn lừng danh đã mô tả lại cuộc đời và cái chết của Mozart, đã dựa vào một thuyết khá thịnh hành là Mozart bị nhạc sĩ cung đình Antonio Salieri đầu độc chết vì ghen tức và đố kị, đã mô tả Constanze, vợ của Mozart, là một người phụ nữ thiếu thông minh, tham lam và không khôn ngoan. 

Và ám ảnh nhiều nhất chính là cảnh cuối phim, khi Mozart qua đời, một đám tang giản dị đến không ngờ diễn ra trong một ngày mưa lạnh tháng 12.1791, khi thi hài Mozart được đưa vào một bao tải, cho vào một quan tài, chở đến nghĩa trang Thánh Mark ở Vienna. Ở đấy, người ta dốc cái bao tải ấy xuống một cái huyệt đã để sẵn rất nhiều thi hài thường dân khác bọc trong bao tải, rồi rắc vôi bột lên. Chúng ta sẽ tự hỏi, tại sao người ta làm thế với một nhạc sĩ vĩ đại, người thậm chí không có lấy một đám tang xứng tầm, không một nấm mồ, một bia mộ, để đến giờ chúng ta cũng không biết ông đang nằm ở đâu, 230 năm sau ngày qua đời?

Nhưng ngoại trừ những cảnh đau buồn ấy, câu chuyện về Salieri và những điều về Constanze đều chỉ là hư cấu để tạo kịch tính. Những cuốn tiểu sử đáng tin cậy về Mozart mô tả những điều khác hơn về ông, và việc các sử gia được tiếp cận các sử liệu địa phương nơi ông đã sống, đã tới trình diễn cũng như cả nghìn bức thư đi thư lại giữa ông với cha Leopold, chị gái Marianne, vợ Constanze và những người khác đã nêu bật chân dung một con người, và những bi kịch của cuộc đời ông. Cuốn “Mozart” của sử gia Maynard Solomon, một trong những tiểu sử hay và chân thực nhất về Mozart, đã cho thấy điều ấy.

Tôi đã đọc một mạch cuốn sách này (trong khi bật nhạc Mozart), đồng thời tra cứu thêm các nguồn khác trên mạng, để ngắm Mozart kỹ hơn nữa, và nhìn thấy những bi kịch của cuộc đời ông. Đầu tiên là bi kịch về tài năng. Dù vĩ đại, nhưng ông không bao giờ đạt đến điều mà bản thân kỳ vọng, đấy là trở thành nhạc trưởng của các triều đình ông mong muốn phụng sự, từ Áo, Pháp cho đến Phổ. Đó là bi kịch về cuộc sống khi dù sáng tác theo bản năng và tìm cách định hướng âm nhạc cho châu Âu nửa cuối thế kỷ 18, Mozart không thoát khỏi việc sáng tác để đánh đổi lấy các khoản thu nhập nhằm trang trải cho gia đình, và hơn thế nữa, để trả nợ cho cha, người đã luôn tròng ông vào các trách nhiệm đối với gia đình, cũng như bù lại những khoản mà Leopold nói là đã chi ra để đưa ông đi lưu diễn hồi còn nhỏ.

Đó là bi kịch về quan hệ gia đình, khi cha ông Leopold, cũng là một nhạc sĩ có tiếng ở Salzburg thời ấy, chính là người thầy đầu tiên của ông, đã tìm cách khai thác ông một cách tối đa nhằm đạt đến một điều tối thượng, đấy là lợi nhuận. Mozart yêu cha, biết ơn cha, người đã tổ chức các tour biểu diễn cho ông và chị gái Marianne ở nhiều nước châu Âu khi họ còn nhỏ, nhưng khi trưởng thành, Mozart dần nhận ra rằng, nếu mình không thoát khỏi sự kiểm soát của cha - người luôn nhân danh trách nhiệm và tình phụ tử để ràng buộc ông, bắt ông trở về Salzburg, nơi ông sẽ không thể phát triển được - ông sẽ mai một tài năng. 

Xuyên suốt cuốn tiểu sử ấy là những xung đột cha con Leopold - Amadeus Mozart, tạo ra một nỗi khổ tâm và dằn vặt lớn trong suốt cuộc đời người nhạc sĩ, người đã làm tất cả vì gia đình, nhưng vẫn bị cha đẻ buộc tội là đã làm cho mẹ Mozart chết trong khi tháp tùng ông lưu diễn ở Paris, bị ông tước quyền thừa kế chỉ vì không tuân theo ý chí của cha, bị ông ghẻ lạnh vì đã lập gia đình với một cô gái ông không ưa. Họ vẫn nói chuyện với nhau về âm nhạc, vẫn tự hào về nhau, nhưng tình cảm giữa họ đã rạn vỡ khi Mozart rời khỏi Salzburg lên Vienna lập nghiệp trái lệnh cha, người đã luôn coi ông chỉ là một đứa trẻ có thể thao túng được bằng những quan niệm cổ hủ và nặng nề.

"Mozart” của Maynard Solomon do đó là một cuộc sách tuyệt vời, không chỉ phân tích những chặng đời và chi tiết các dấu ấn và sự thăng trầm trong sự nghiệp của Mozart, dựa trên những sử liệu đáng tin cậy, danh mục các tác phẩm của ông, mà còn mô tả một cách rõ nét con người và những mối quan hệ của Mozart với đời. Cái chất vui vẻ, hài hước, tinh nghịch của Mozart vẫn thế, y hệt như trong phim “Amadeus” đã mô tả, nhưng phần chìm đau khổ và day dứt bên trong ông nhờ cuốn sách này mà hiện lên một cách rõ ràng. Những thống kê liên quan đến thu nhập của Mozart cũng được liệt kê chi tiết để cho thấy câu chuyện tiền bạc có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của ông, gia đình ông và mối quan hệ với những người thân yêu nhất trong nhà ông thế nào. 

Maynard Solomon cũng không kết án Salieri vì tội đầu độc, chỉ cho đó là một thuyết âm mưu. Trên thực tế, Mozart chết vì sốt thấp khớp cấp tính, đã trải qua vài cơn bệnh như thế từ nhỏ, và ngã bệnh khi cuối đời vì lao lực, với triệu chứng cơ thể sưng phồng và chết trong đau đớn. Constanze cũng không giống trong phim, cô yêu ông và ông yêu cô, chính cô là người đã gìn giữ di sản mà Mozart để lại, dù trên thực tế, như Maynard Solomon phân tích, cô đã không tha thứ cho ông vì ông đã phản bội cô vài lần trong những năm cuối đời…

Mỗi một cuốn tiểu sử được in ra là ta lại thấy chân dung của một vĩ nhân trong những hoàn cảnh cuộc đời của họ, nơi họ "người" nhất, yếu đuối nhất và cũng có những lúc vĩ đại nhất. OmegaPlus đã mua bản quyền, dịch và xuất bản cuốn này, cũng như các cuốn về Van Gogh, Beethoven, Chopin…

Trước đây, tôi chỉ hay nghe những bản nhạc vui vẻ của Mozart, nhưng giờ đây, sau khi đọc cuốn sách, tôi lại cảm nhận được những khoảng lặng buồn trong chính những bản nhạc ấy, và muốn tìm thêm những bản nhạc buồn  mà Mozart sáng tác. Thấy thêm gần ông hơn, và gặp chính mình đâu đó…

Trương Ngọc