Bảo tồn và phục hồi hệ thống rừng tự nhiên

Gắn với sinh kế của người dân

- Thứ Hai, 18/01/2021, 07:05 - Chia sẻ
Mặc dù, độ che phủ được phục hồi, nhưng chất lượng rừng tự nhiên ở Việt Nam đã bị suy giảm, tính đa dạng thấp, chức năng sinh của thái rừng không còn được bảo toàn nguyên vẹn. Theo các chuyên gia, để bảo tồn và phục hồi hệ thống rừng tự nhiên cần có giải pháp đồng bộ, đặc biệt phải gắn với sinh kế của người dân.

Rừng nguyên sinh còn lại rất ít

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến hết năm 2019, Việt Nam có gần 10,3 triệu hecta rừng tự nhiên trong tổng số 14,6 triệu hecta rừng, trong đó rừng đặc dụng hơn 2 triệu hecta, rừng phòng hộ hơn 3,9 triệu hecta và rừng sản xuất gần 4,3 triệu hecta.

Bình luận về con số này, Hội Chủ rừng Việt Nam nhận định: Nếu theo tiêu chí về diện tích và độ che phủ, Việt Nam dường như đã gần hồi phục được rừng về thời điểm 1943 - khi chúng ta có số liệu đầu tiên về rừng trên toàn quốc. Tuy nhiên, điểm khác biệt ở đây là chất lượng rừng. Ông Hứa Đức Nhị - Chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam dẫn chứng: “Nửa đầu thế kỷ XX, rừng Việt Nam là rừng tự nhiên, trong đó diện tích rừng nguyên sinh còn rất lớn”. Trong khi đó diện tích rừng theo báo cáo hiện nay rừng nguyên sinh còn lại rất ít và chất lượng đã giảm nhiều, đa dạng sinh học cạn kiệt, chức năng sinh thái không còn được bảo toàn nguyên vẹn, bị phân mảnh, rải rác ở quy mô diện tích chủ yếu vừa và nhỏ.

Theo các chuyên gia, chất lượng rừng, trong đó có rừng tự nhiên giảm sút khiến chức năng hệ sinh thái không còn được bảo tồn nguyên vẹn chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến thiên tai, bão lụt. Ví dụ điển hình là trong năm 2020 vừa qua, Việt Nam phải hứng chịu hậu quả nặng nề của thiên tai, bão lụt với thiệt hại nghiêm trọng cả về tài sản và nhân mạng. Nhiều câu hỏi đặt ra về khả năng giảm nhẹ tác động thiên tai của hệ thống rừng phòng hộ và đặc dụng, cũng như rừng nói chung. Để ứng phó và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai cực đoan, cần tiếp tục bảo vệ rừng, nhất là rừng tự nhiên một cách nghiêm ngặt.

Gắn với sinh kế của người giữ rừng

Liên quan đến công tác bảo vệ, phát triển rừng, rừng tự nhiên hiện có rất nhiều văn bản điều chỉnh. Chẳng hạn, Luật Lâm nghiệp năm 2017 có một số nội dung mới liên quan đến rừng tự nhiên: Mở rộng phạm vi điều chỉnh theo hướng liên kết chuỗi hoạt động lâm nghiệp; thể chế hóa sở hữu rừng, gồm Nhà nước và tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng; quy định quản lý rừng bền vững. Điều 10, Luật Đất đai năm 2013 có quy định về phân loại đất rừng... Chương 3, Luật Đa dạng sinh học năm 2008 có quy định bảo tồn rừng tự nhiên. Luật Phòng cháy, chữa cháy 2013 có quy định đối tượng phòng cháy, chữa cháy... Đặc biệt, về vấn đề phục hồi, khai thác rừng tự nhiên cũng có những văn bản pháp luật như Thông tư số 29/2018/TT-BNNPTNT quy định về các biện pháp lâm sinh phục hồi rừng... Nhờ đó, diện tích rừng tăng lên theo thời gian.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Huy Dũng, Viện Điều tra quy hoạch rừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nêu thực tế: Hiện nay, Nhà nước cũng như các tổ chức phi chính phủ mới chỉ quan tâm đầu tư đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, còn rừng tự nhiên ít được quan tâm hơn do gặp vướng mắc bởi một số chính sách trong quá trình triển khai. Đáng chú ý, chính sách về phát triển sinh kế cho người dân, đặc biệt là đối với các hộ đồng bào dân tộc nơi có rừng chưa được bảo đảm, đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc mất rừng. Bởi, rừng luôn gắn với đời sống của bà con dân tộc thiểu số ở miền núi, với các chủ rừng. Khi đời sống còn nhiều khó khăn, không có nguồn hỗ trợ thường xuyên để bảo đảm cuộc sống thì nguy cơ bà con dựa vào rừng, phá rừng để lấy đất canh tác là rất lớn.

Khảo sát tại một số khu bảo tồn thuộc Vườn Quốc gia Ba Vì, Hà Nội; Vườn Quốc gia Pù Mát, Nghệ An mới đây cho thấy, mặc dù việc triển khai và áp dụng các chính sách bảo vệ,  phát triển rừng tự nhiên đã thu được những thành quả nhất định, song các chính sách này còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Điều đáng quan tâm hơn, các chính sách về lâm nghiệp đang được quy định tại nhiều văn bản khác nhau, mức đầu tư và hỗ trợ cho các đối tượng có sự khác biệt lớn.

Hiện, diện tích rừng cả nước tập trung ở địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, khu vực biên giới, rừng đầu nguồn, lưu vực các con sông, suối lớn. Song ở những khu vực này, đồng bào dân tộc thiểu số chưa thể dựa vào rừng để có thu nhập và sống ổn định từ rừng nên công tác bảo vệ, phát triển rừng và chi trả các chi phí liên quan chưa thực sự đem lại hiệu quả. Ông La Văn Long, Bản Khe Khặng, Con Cuông, Nghệ An chia sẻ, hàng năm Nhà nước hỗ trợ 20kg gạo/người/quỹ và tuỳ nhân khẩu, trung bình mỗi hộ được 5 - 7 triệu đồng/năm từ dịch vụ chi trả rừng. Song, do mức hỗ trợ đó chưa đủ để trang trải cuộc sống, người dân vẫn thi thoảng vào rừng bẫy thú, chặt măng, lấy gỗ... bán lấy tiền đổi gạo, muối.

Từ thực tế này cho thấy, giải pháp bảo tồn và phát triển rừng tự nhiên thời gian tới phải đồng bộ, gắn với sinh kế cho đồng bào miền núi và các chủ rừng; đồng thời phải có cơ chế thỏa đáng hơn trong phân bổ nguồn lực của Nhà nước cho các cộng đồng, các xã, huyện hay tỉnh có nhiều rừng.

Hải Thanh