Phòng, chống xâm hại trẻ em

Gắn trách nhiệm người đứng đầu

- Thứ Bảy, 06/03/2021, 06:57 - Chia sẻ
Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em, Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Hoa cho rằng: "Qua các con số được thống kê, số vụ xâm hại trẻ em trên cả nước năm 2020 có xu hướng giảm. Tuy nhiên, tình trạng xâm hại trẻ em vẫn còn diễn biến phức tạp và gây nhức nhối trong xã hội".

Liên tiếp xảy ra các vụ xâm hại trẻ em

Ngày 2.3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Quận 2, TP Hồ Chí Minh đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp đề nghị truy tố bị can Lê Duy Hiến (73 tuổi, ngụ Quận 2) về hành vi “giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”. Nạn nhân là bé T. (Quận 2) - thời điểm xảy ra vụ án, nạn nhân mới 14 tuổi.

Đa dạng các hình thức tuyên truyền phòng chống xâm hại trẻ em

Theo kết luận điều tra, cuối tháng 6.2020, thấy bé T. có biểu hiện mệt mỏi, nôn ói nên mẹ bé T. đã đưa bé đi khám tại bệnh viện. Sau khi siêu âm, bác sĩ cho biết bé T. có thai khoảng 7 tuần. Khi mẹ hỏi thì bé T. nói đã bị bị can Hiến dụ dỗ quan hệ tình dục nhiều lần. Sau đó, mẹ bé đã đến công an trình báo sự việc. Làm việc với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Quận 2, bé T. cho biết, do trước cửa nhà bị can Hiến có kê một bộ bàn ghế đá nên bé T. cùng các bạn trong xóm đến ngồi chơi. Khoảng sau Tết Nguyên đán năm 2019, bị can Hiến nhiều lần dụ dỗ bé T. vào nhà để quan hệ tình dục, lần gần nhất vào cuối tháng 5.2020. Mỗi lần quan hệ tình dục xong, bị can Hiến đều cho bé T. từ 20.000 - 50.000 đồng và dặn không được kể ai biết. Căn cứ vào Bản kết luận giám định pháp y về ADN của Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, bị can Lê Duy Hiến là người cha sinh học của mô thai trên.

Trước đó, công an tỉnh Lào Cai cho biết, lực lượng Cảnh sát điều tra, Công an thị xã Sa Pa vừa điều tra, vận động ra đầu thú, tạm giữ hình sự 2 đối tượng có hành vi giao cấu với trẻ em từ 13 - 16 tuổi. Cụ thể, ngày 18.2, Công an thị xã Sa Pa đã nhận được đơn trình báo của cháu S.T.T (sinh năm 2005, trú tại thị xã Sa Pa) về việc bị đối tượng Chang A Phình (sinh năm 1997, trú tại thôn Can Ngài, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa) xâm hại tình dục vào ngày 17.2, tại khu vực thị xã Sa Pa. Qua quá trình vận động của cơ quan công an, đối tượng Chang A Phình đã đến trụ sở Công an thị xã Sa Pa đầu thú. Đối tượng khai nhận quen biết cháu S.T.T qua mạng xã hội facebook. Chang A Phình đã rủ cháu T đến khu vực nhà bỏ hoang tại khu vực Tổ 1, phường Cầu Mây. Tại đây, đối tượng nói dối mình chưa có vợ và muốn cưới T về làm vợ để thực hiện hành vi xâm hại tình dục cháu T. Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối tượng Chang A Phình.

Tiếp đó, ngày 22.2, Công an thị xã Sa Pa nhận được đơn trình báo của anh C.A.T (trú tại thị xã Sa Pa) về việc con gái anh là C.A.L (sinh năm 2007) bị đối tượng Má A Khi (sinh năm 2002, trú tại Tổ 2, phường Hàm Rồng, thị xã Sa Pa) xâm hại tình dục nhiều lần. Tại cơ quan chức năng, Má A Khi khai nhận từ đầu tháng 1.2021 đến ngày 19.2, Khi đã thực hiện xâm hại tình dục cháu L 8 lần tại nhiều địa điểm trên địa bàn thị xã Sa Pa. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Má A Khi và khởi tố vụ án.

Theo số liệu từ Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, năm 2020, thống kê toàn quốc phát hiện 2.209 đối tượng xâm hại trẻ em (giảm 110 đối tượng so với năm 2019), xâm hại 2.008 em (giảm 109 em so với năm 2019); trong đó xâm hại tình dục trẻ em là 1.583 đối tượng, xâm hại 1.576 em; trẻ em bị xâm hại dưới các hình thức khác là 626 đối tượng xâm hại 432 trẻ em.

Mức độ nghiêm trọng có dấu hiệu tăng lên

Thực tế cho thấy, đối tượng xâm hại trẻ em rất đa dạng, có trình độ, tuổi tác, nghề nghiệp khác nhau, nhiều đối tượng có mối quan hệ thân cận với trẻ như cha mẹ, ông bà hay những người dạy dỗ trẻ. Xâm hại trẻ em cũng thường xảy ra ở các gia đình "khiếm khuyết" như bố mẹ ly hôn, không có thời gian quan tâm chăm sóc con cái. Điều này khiến cho công tác phát hiện, xử lý và ngăn chặn gặp nhiều khó khăn. Qua thống kê cho thấy số vụ xâm hại trẻ em có giảm, tuy nhiên mức độ nghiêm trọng lại có dấu hiệu tăng lên. Nhiều trường hợp trẻ bị xâm hại ngay cả trong môi trường tưởng như an toàn là gia đình, trường học và bị xâm hại bởi chính người thân của mình. Những trường hợp này thường rất khó phát hiện.

Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em (Cục Trẻ em) Nguyễn Thị Kim Hoa thì hiện nhiều người lớn vẫn còn chưa hiểu biết về Luật Trẻ em; trẻ em còn ít cơ hội tiếp cận thông tin về quyền của mình. Số trẻ em và tỷ lệ cha mẹ có kiến thức về xâm hại còn thấp. Vì thế, để phòng chống xâm hại trẻ em, thời gian tới cần chú trọng việc đầu tư và huy động nguồn lực xã hội tham gia phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, làm tốt công tác phối hợp liên ngành, bố trí kinh phí hợp lý cho công tác này.

Được biết, để phòng tránh và giảm thiểu tình trạng xâm hại trẻ em, Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đã và đang tăng cường phổ biến pháp luật, truyền thông nâng cao nhận thức cho trẻ em, người thân và toàn xã hội. Ngoài tuyên truyền cũng tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn và phát triển những mạng lưới liên kết việc bảo vệ trẻ em tại cộng đồng. Đồng thời, đã thực hiện nhiều chiến dịch truyền thông thay đổi nhận thức của người dân về việc "yêu cho roi cho vọt". Tuy nhiên, để công tác này có được sự chuyển biến, thiết nghĩ các địa phương cần có giải pháp tạo sự căn bản trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em; tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề và xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu không chấp hành nghiêm hoặc vi phạm pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Xuân Mai