Sổ tay:

Gắn trách nhiệm của người đứng đầu

- Thứ Bảy, 30/01/2021, 06:59 - Chia sẻ
Gần 32.000 vụ việc bị xử lý hành chính, 114 đối tượng bị khởi tố... là những kết quả mà lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) TP Hà Nội đã thực hiện trong năm 2020. Đáng chú ý, số vụ gian lận thương mại được phát hiện trên môi trường mạng chiếm khá nhiều trong hàng vạn vụ việc nêu trên, đòi hỏi ngành chức năng cần kiên quyết trong kiểm tra, xử lý vi phạm.

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, trong năm 2020, Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội đã tích cực, chủ động điều hành, các sở, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo và Ban Chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố thực hiện công tác đấu tranh chống buôn lậu; các lực lượng chức năng đã phát hiện, triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm buôn lậu, hàng cấm, hàng giả. Nhiều vụ việc điển hình được phát hiện đã góp phần ổn định và phát triển thị trường, đồng thời bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.

Tuy nhiên, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin và nhu cầu mua bán của người dân tăng cao, việc chủ động phát hiện vi phạm trên môi trường internet gặp nhiều khó khăn do những đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để buôn bán hàng giả, hàng lậu thường có trình độ và am hiểu nhất định về công nghệ thông tin, hoặc có đội ngũ kỹ thuật chuyên trách về việc này, trong khi một bộ phận lực lượng chức năng còn chưa chuyên sâu về nghiệp vụ, trang bị phương tiện còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt, thủ đoạn của các đối tượng này thường sử dụng một địa chỉ không liên quan, không có thật hoặc giả mạo địa chỉ để giao dịch, tập kết, tàng trữ hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau, hoặc kết hợp vừa làm nơi giao dịch vừa làm nơi ở, cất giấu hàng hóa nên khó khăn cho công tác điều tra, trinh sát, kiểm tra, bắt giữ và xử lý hành vi vi phạm.

Thực tế cho thấy, chủ thể tham gia bán hàng giả, hàng lậu, hàng cấm chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ hoặc cá nhân, thậm chí là học sinh, sinh viên... có nhu cầu mua sắm, sử dụng hàng hiệu nhưng với giá rẻ. Trên các trang mạng, thương mại điện tử thường sử dụng hình ảnh hàng thật để quảng cáo nhưng lại chào bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với hàng chính hãng. Nở rộ nhất, vào những tháng đầu năm 2020, lợi dụng dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát trên địa bàn Hà Nội, một số đối tượng đã sản xuất, kinh doanh khẩu trang, quần áo bảo hộ giả, nước rửa tay sát khuẩn kém chất lượng thông qua các trang mạng và thương mại điện tử. Ngoài ra còn mua gom, đầu cơ mặt hàng phòng dịch và xuất lậu sang nước ngoài để kiếm lời bất chính.

Trước dự báo của ngành chức năng, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có xu hướng diễn biến phức tạp trên tất cả các tuyến, lĩnh vực, địa bàn, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Do vậy để ngăn chặn, xử lý kịp thời đối với các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung, trên môi trường mạng nói riêng, ngành chức năng cần quyết liệt, rốt ráo hơn nữa trong phối hợp kiểm tra, giám sát; luôn xác định công tác này là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên để chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, không có vùng cấm. Đặc biệt, cần gắn trách nhiệm của người đứng đầu nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài.

Hải Thanh