Lễ cúng dòng họ của người Mông

Gắn kết cộng đồng, tương thân tương ái

- Thứ Hai, 06/12/2021, 13:36 - Chia sẻ
“Dù Tàu” - lễ cúng dòng họ hiện vẫn được duy trì trong cộng đồng người Mông nói chung và dòng họ Giàng Sua xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, nói riêng. Đây là cơ hội gặp gỡ, giao lưu, thể hiện sự gắn kết, giúp đỡ lẫn nhau của cả dòng họ, phát huy tinh thần tương thân tương ái của cộng đồng. Lễ cúng cũng thể hiện quan niệm của người Mông về thế giới tâm linh, tín ngưỡng đa thần. Lễ cúng được tổ chức vào ngày 29.9 hàng năm - thời điểm lúa chín, trên mâm cơm cúng sẽ có lúa mới để mời thần linh, thổ địa, tổ tiên.
	Cuộn cây lau của các hộ dân thành bó
Cuộn cây lau của các hộ dân thành bó

Để tham gia lễ Dù Tàu, ngay từ sáng sớm chủ các hộ trong dòng họ đã dậy đi chọn 3 cây lau mang về buộc lên đó 3 sợi chỉ màu và các mảnh vải được xé từ quần áo cũ, đặt một chiếc bàn vào giữa gian nhà chính, thu dọn toàn bộ dao, cuốc, xẻng và một số đồ dùng mà họ sử dụng hàng ngày, hướng phần sắc nhọn nhất ra ngoài cửa, sau đó gọi các thành viên trong gia đình vào đứng trong gian chính.

Chủ hộ dùng 3 cây lau quét qua gian nhà chính và các gian còn lại
Chủ hộ dùng 3 cây lau quét qua gian nhà chính và các gian còn lại

Lúc này chủ hộ dùng 3 cây lau quét các bức tường từ gian nhà chính đến các gian còn lại, và nói: “Hôm nay ngày lành tháng tốt, tôi quét hết nỗi đau, bệnh tật, nghèo đói và tất cả cái xấu của năm qua theo 3 cây lau này, nhưng tôi không quét thổ công, thổ địa, không quét duyên phận con cháu, không quét tiền tài, không quét tình anh em bạn bè, không quét tình làng nghĩa xóm”.

Sau đó, chủ hộ và các thành viên trong gia đình sẽ đến hộ được phân công cúng dòng họ của năm và trao 3 cây lau cho mọi người buộc thành một bó, riêng các sợi chỉ sẽ được chủ cúng Chứ Su nối lại với nhau, còn mảnh vải được bó lại cùng với bó lau để buộc lên cây giăng (loại cây thuộc họ thân đốt, lá tựa lá dừa nhưng có gai ở mép, ruột cây xốp) và buổi lễ chính thức bắt đầu.

Trong lễ Dù Tàu của họ Giàng Sua xã Chế Tạo sẽ chọn ra 2 người, một người cúng, còn gọi là Chứ Su, một người cầm cây nỏ, sau khi cúng xong sẽ bắn mũi tên theo hướng mặt trời mọc. Ngoài ra cứ 3 năm 1 lần sẽ mời một thầy cúng đến giải hạn cho cả họ từ đêm hôm trước và lễ cúng dòng họ chính thức vào ngày hôm sau.

Khi lễ bắt đầu, tất cả người tham dự, không kể đàn ông hay phụ nữ, trẻ em, sẽ ra sau nhà đứng thành vòng tròn. Chứ Su vác cây giăng có treo bó lau, tay cầm bầu rượu và cuộn chỉ chín màu, miệng khấn, đồng thời cuốn sợi chỉ quanh mọi người theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, cầu xin thần linh, thổ địa, thần rừng, thần sông, tổ tiên… phù hộ cho cả dòng họ trồng trọt, chăn nuôi thuận lợi; trẻ con, người già luôn khỏe mạnh, giống nòi phát triển; đồng thời xua đi những cái xấu, cái không hay.

Khi đi đủ 9 vòng, thầy cúng cắt vòng chỉ đã cuốn, dùng các sợi chỉ đó quấn quanh bó lau. Cây giăng được thầy cúng đặt chôn tại khu vực sau nhà, chỗ các thành viên dòng họ đang đứng, nhưng phải theo hướng mặt trời mọc, rồi cầm con dao nhọn chặt đứt toàn bộ phần ngọn. Lúc này người cầm nỏ sẽ bắn mũi tên lên trời với ý nghĩa đuổi hết mọi điều không may mắn của năm cũ bay theo mũi tên.

	Nối các sợi chỉ lại với nhau
Nối các sợi chỉ lại với nhau

Tiếp theo, Chứ Su cùng người bắn nỏ sẽ đứng song song nhau, dùng mũi dao nhọn và cánh nỏ tạo thành cánh cửa để mọi người đi theo hướng ngược chiều kim đồng hồ bước vào nhà, kết thúc lễ cúng. Cây giăng được thanh niên trong họ mang đi vứt xuống vực sâu, khe núi ở hướng mặt trời lặn.

Trước khi vào ăn, già làng, trưởng họ, người có uy tín sẽ tập trung mọi người lại để căn dặn không được vi phạm hương ước, quy ước của bản làng, không được đi theo tà đạo, không được lười lao động, vi phạm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tích cực tham gia phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo và xây dựng quê hương bản làng. Đặc biệt, sau lễ cúng 3 ngày, thành viên trong các gia đình của dòng họ không được sử dụng vật sắc nhọn, uống rượu say, đi rừng… Cuối cùng mọi người sẽ cùng ăn bữa cơm đoàn viên ngay tại nhà chủ hộ tổ chức lễ cúng để chia sẻ kinh nghiệm làm ăn trong năm và hẹn gặp lại trong lễ cúng dòng họ năm tiếp theo.

Lễ cúng dòng họ không chỉ có ở họ Giàng Sua mà có ở hầu hết các dòng họ ở xã Chế Tạo cũng như huyện Mù Cang Chải, nhưng mỗi dòng họ, nhánh họ sẽ tổ chức vào thời gian khác nhau. Ngoài ra, một số dòng họ, nhánh họ không tổ chức Dù Tàu mà tổ chức lễ Sâu Khấu vào dịp cuối năm những ngày cận Tết với mong muốn xua đi mọi khó khăn, vất vả, ốm đau, bệnh tật và chuẩn bị đón năm mới đầy ấm áp và bình an.

Việc duy trì lễ cúng dòng họ của dòng họ Giàng Sua nói riêng và cộng đồng người Mông nói chung góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, gắn kết cộng đồng, lưu giữ ngôn ngữ của mỗi dòng họ nói riêng và tộc người Mông nói chung.

Bài và ảnh: A Lù