Gắn kết các tầng văn hóa
Tại tọa đàm khoa học quốc tế “Chia sẻ kết quả nghiên cứu, bảo tồn và phát huy di sản thế giới khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội” sáng 6.9, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng khu vực Trung tâm, mà tâm điểm là di tích nền móng chính điện Kính Thiên hiện có rất ít hiểu biết về di tích khảo cổ dưới lòng đất. Các di tích, di sản này sau khi khai quật cần được thám sát, đối sánh, nghiên cứu địa tầng nhằm tạo lập cơ sở cho nghiên cứu sau này.
Tiệm cận khoa học về địa tầng
Theo PGS.TS. Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, từ năm 2011 - 2017, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội và Viện Khảo cổ học đã tiến hành khai quật 5.458m2 thuộc khu vực Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Tại đây, các nhà khoa học đã chứng minh được sự tồn tại nhiều lớp văn hóa nối tiếp nhau liên tục qua hàng nghìn năm lịch sử thuộc các thời kỳ Tiền Thăng Long - Thăng Long - Hà Nội, tương tự như ở khu di tích 18 Hoàng Diệu.
“Xem xét độ dày của tầng văn hóa và sự xuất lộ các lớp văn hóa tiêu biểu nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau, có thể kết luận tầng văn hóa ở khu vực chính điện Kính Thiên về cơ bản thống nhất với tầng văn hóa khảo cổ ở khu vực 18 Hoàng Diệu, nhưng nhiều vị trí có kích thước dày hơn, đặc biệt có thể nhận được rõ hơn, ổn định hơn các lớp văn hóa thời Lê sơ, Lê Trung Hưng và thời Nguyễn. Điều này chứng tỏ hiện trạng di tích ở khu vực trung tâm được bảo tồn tốt hơn ở khu vực 18 Hoàng Diệu”, PGS.TS. Tống Trung Tín cho biết.
Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học, PGS.TS. Bùi Văn Liêm cũng cho rằng, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị mỗi di sản đều có mối quan hệ mật thiết với nhau. “Nghiên cứu về sử liệu, hồ sơ, đặc biệt có hồ sơ xây dựng, cùng các bước thám sát, khai quật và đối sánh 5.458m2 trong diện tích Điện Kính Thiên đã đưa ra được những nhận thức mới hơn, tiệm cận khoa học hơn về địa tầng, cả di tích và di vật. Địa tầng nơi đây cho thấy ngoài thời kỳ tiền Thăng Long, có lớp văn hóa Đại La, từng được cố GS. Phan Huy Lê quan tâm đặc biệt, bởi nó gắn kết lịch sử với Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ”.
Cũng theo PGS.TS. Bùi Văn Liêm, những kết luận mới tại đây giúp các nhà khoa học nhận thức rõ hơn về giai đoạn Lý - Trần hiển hiện tại điện Kính Thiên, qua lớp kiến trúc sân, tường bao, đường nước, kiến trúc móng cột, dấu tích bể nước, bồn hoa… Từ đó, chúng ta có kết nối giữa Điện Kính Thiên và di tích 18 Hoàng Diệu, giữa các giai đoạn Lê sơ, Lê Trung Hưng và Lý - Trần.
Mặc dù khai quật trên diện tích nhỏ nhưng các kết luận từng bước góp phần làm sáng tỏ thêm nhiều điều trước đây chỉ là giả thiết khoa học về giai đoạn tiền Thăng Long tại khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, từ mặt bằng kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, trang trí kiến trúc, đời sống sinh hoạt. Lần đầu tiên giới nghiên cứu khoa học được biết một cách sinh động tầng lớp văn hóa và các lớp di tích chồng xếp lên nhau ở khu vực trục Trung tâm, mặc dù chưa thực sự trọn vẹn để xét đoán hình dáng, quy mô từng di tích.
![]() Hố khai quật khu vực chính điện Kính Thiên năm 2015 |
Biến động trong không gian kiến trúc
Quá trình triển khai giai đoạn đầu nghiên cứu những hố thám sát ở khu vực Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, các nhà khoa học cũng đồng tình trong việc cần thiết phải có những công bố nhận diện không gian kiến trúc khu vực này. Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, các kết quả mới được công bố giúp nhận diện rõ hơn giá trị của khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. “Kết quả của công tác khảo cổ nhằm nhận diện hiện thực các giai đoạn lịch sử, song nhận diện này chỉ copy một phần. Vì vậy, chúng ta phải nâng tầm nó lên, tức là phải xem xét các điều kiện, lý giải các yếu tố truyền thống, các yếu tố dẫn đến biến động trong địa tầng kiến trúc”.
KTS Đào Ngọc Nghiêm đưa ví dụ, cần tìm hiểu tại sao lại có nhiều địa tầng như vậy, xem xét các thời kỳ trước và sau đó, phối hợp với các đơn vị địa chất, khảo cổ để tìm hiểu vì sao nó biến động. Từ đó, đưa ra phương án nghiên cứu, bảo tồn cụ thể hơn đối với từng địa tầng ấy. Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh thành, PGS.TS. Bùi Minh Trí cũng đặt câu hỏi, những kết quả của khảo cổ học hôm nay có nhiều vấn đề khiến chúng ta phải nhận thức lại. Cụ thể, tại Hoàng thành Thăng Long tìm thấy nhiều chân tảng đá bé khoảng 20cm, 10cm thời Lê Trung Hưng, vì vậy cần nghiên cứu đa chiều, đặt nó trong tổng thể, có sự kết nối chặt chẽ. Thứ hai, chúng ta thấy đường nước thời Lý tại khu vực này, rõ ràng phải làm sâu hơn những nghiên cứu về nó bên cạnh các nghiên cứu về tường bao xung quanh, từ hình dáng đến quy mô. Nếu nhận diện được sẽ xác định cụ thể không gian kiến trúc nhà Lý. Theo tôi, chúng ta đang thiếu đầu tư, nghiên cứu, nếu chỉ dừng ở khai quật, đầu tư sẽ trở nên lãng phí”, PGS.TS. Bùi Minh Trí khẳng định.
“Tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội có 3 loại hình kiến trúc đặc biệt, đó là dấu tích bát giác ở Khu C, vết tích kiến trúc lục giác ở Khu A, D và kiến trúc tròn ở khu vực điều tra nằm trong địa phận của Bộ Ngoại giao (Khu G). Về lâu dài, cần có nghiên cứu loại hình kiến trúc, kết nối di tích các thời giữa khu vực trục Trung tâm với khu vực 18 Hoàng Diệu, mặc dù về mặt lý thuyết có thể chắc chắn có sự kết nối chặt chẽ giữa hai khu vực này trong lịch sử, cho nên các kết quả, giả thiết nghiên cứu đang chỉ ở bước đầu”. GS. Euno Kunikazu, Trường Đại học Nữ Nara, Nhật Bản |