Bồi dưỡng trực tuyến cho đại biểu HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026

“Gần gũi để dân nói - Nói điều dân muốn nghe”

- Thứ Tư, 13/10/2021, 16:58 - Chia sẻ
Đó là một trong những kỹ năng cốt lõi mà đại biểu dân cử cần phải có để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ Nhân dân trao; và cũng là thông điệp mà TS. Nguyễn Hải Long, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng dân cử, Văn phòng Quốc hội gửi đến các đại biểu HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 trong chuyên đề “Kỹ năng tiếp xúc và tham vấn ý kiến cử tri, tiếp công dân, trả lời phỏng vấn báo chí”.
TS Nguyễn Hải Long, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng dân cử chia sẻ về kỹ năng tiếp xúc cử tri

Buổi trao đổi diễn ra sáng 13.10, với sự tham gia của đại biểu HĐND các tỉnh, thành phố tại 50 điểm cầu trên cả nước.

Trao đổi về kinh nghiệm tiếp xúc cử tri và tiếp công dân, TS. Nguyễn Hải Long đã chia sẻ những kinh nghiệm để giúp các đại biểu dân cử có được những cuộc tiếp xúc chất lượng, sôi nổi và đạt hiệu quả cao. “Chúng ta phải nghe điều dân muốn nói và nói điều dân muốn nghe mới tạo nên được sức cuốn hút cho buổi tiếp xúc cử tri. Có nhiều cuộc tiếp xúc, cử tri không muốn nghe đại biểu nói bởi các vấn đề chưa mang tính thời sự, xa rời quyền lợi của người dân…”- TS Nguyễn Hải Long nói.

Đại biểu HĐND từ các tỉnh, thành phố tham gia khóa học bồi dưỡng.

Để tránh tình trạng trên, TS Nguyễn Hải Long cho rằng, các đại biểu cần chọn vấn đề gắn với thực tế, gắn với địa phương, với lợi ích của nhân dân. Cách nói chuyện cần ngắn gọn, súc tích và lấy thêm các ví dụ thực tế, luôn luôn có thái độ gần gũi, tương tác để người dân có sự tập trung cao vào bài phát biểu.

Bên cạnh đó, khi tiếp xúc với cử tri, tùy theo đặc điểm, bối cảnh vùng miền, đại biểu cần lựa chọn cho mình phương pháp phù hợp. Tuy nhiên, ít nhất phải đảm bảo theo quy trình 4T: “Tươm tất - thân thiện - thời gian - trí tuệ”. Điều này có nghĩa, đại biểu cần có phong thái nhanh nhẹn, gọn gàng không gây phản cảm; phải hòa mình với dân, lắng nghe ý kiến của người dân một cách ân cần nhất. TS Nguyễn Hải Long cũng chia sẻ, có những người đại biểu ở các tỉnh miền núi phải mất rất nhiều thời gian để có thể tới cuộc tiếp xúc nên đại biểu cần có thái độ trân trọng và cầu thị trước ý kiến của họ. “Thời gian” nghĩa là các đại biểu cần đúng giờ không để các cử tri phải chờ đợi, cũng như cần chú ý phát biểu đầy đủ, ngắn gọn, tránh phát biểu lan man gây mất thời gian của buổi tiếp xúc. “Trí tuệ” nghĩa là năng lực của người đại biểu, đại biểu quan sát được những nhóm người có thể tạo ra điểm nhấn cho buổi tiếp xúc cử tri cũng như thể hiện được kiến thức và sự am hiểu của mình với vấn đề.

Các địa biểu HĐND tại điểm cầu Vĩnh Phúc

Gắn liền tiếp xúc là tham vấn cử tri. Bác Hồ từng nói “Không học hỏi nhân dân thì không lãnh đạo được người dân”. Người dân là một cộng đồng lớn, đa dạng về thành phần và là kho kiến thức vô tận từ văn hóa, quốc phòng, kinh tế, tài chính... Kiến thức của đại biểu là hữu hạn trong khi các quyết sách thì dựa trên mọi mặt của xã hội vì vậy hoạt động tham vấn người dân và đặc biệt là chuyên gia rất cần thiết. Có tới 9 hình thức tham vấn nhưng đều có mục tiêu chung là việc thu thập và cung cấp đầy đủ những thông tin cần thiết cho cá nhân, cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ ra quyết định về chính sách và pháp luật có thể lựa chọn việc nên làm và việc không nên làm. Chính vì vậy, tùy theo mục đích của tham vấn và đối tượng tham vấn, đại biểu HĐND cần xác định rõ nội dung tham vấn phù hợp.

Đối với kỹ năng tiếp công dân, TS. Nguyễn Hải Long chia sẻ 4 bước tiếp xúc công dân như: Tiếp xúc ban đầu; xác định vấn đề khiếu nại tố cáo; xem xét giải quyết khiếu nại tố cáo; kết thúc buổi tiếp xúc. Cùng với đó là các kỹ thuật để giúp đại biểu “dập lửa” khi công dân bức xúc... Ngoài ra các đại biểu khi giải quyết các vấn đề khiếu nại tố cáo cần có “phông nền” về pháp luật để tư vấn và giải thích cho người dân.

Trong kỹ năng tiếp xúc báo chí và trả lời phỏng vấn báo chí, TS Nguyễn Hải Long chia sẻ, đại biểu cần báo chí và báo chí cũng cần đại biểu. Nếu đại biểu không có sự tham gia của báo chí thì không khác gì chúng ta đóng cửa tự nói với nhau. Không có báo chí đại biểu không thể tiếp cận rộng rãi với người dân và không báo cáo được công việc với cử tri của mình. Ngược lại HĐND cũng là một kênh quan trọng trong hoạt động của địa phương và cũng là hoạt động có rất nhiều chất liệu để báo chí khai thác. Đại biểu phải xác định rõ khi làm việc với báo chí các cách thức làm việc, phương thức đưa tin trước khi tiến hành trao đổi để có cách trả lời phù hợp. Nếu tận dụng được kênh thông tin này vị thế của đại biểu sẽ được nâng cao trong nhận thức của cử tri, nhưng  người đại biểu cũng phải có trách nghiệm trước người dân, trước pháp luật về lời nói của mình.

Đại biểu ngoài chuẩn bị trước các vấn đề cần phỏng vấn thì cần có phong thái tự tin, tỉnh táo, thân thiện và thẳng thắn. Phóng viên cũng không cần một đại biểu chỉ nói những điều ai cũng biết mà cần đại biểu phải đưa ra những quan điểm của mình về một vấn đề mà báo chí quan tâm. Đại biểu cũng nên chủ động và xử lý các tình huống trong các cuộc phỏng vấn hay tiếp xúc báo chí.

Tùng Dương