Kon Tum gắn công tác dân số với phát triển kinh tế - xã hội

- Thứ Sáu, 23/10/2020, 17:29 - Chia sẻ
Thời gian qua, công tác dân số luôn được các cấp ủy Đảng, UBND tỉnh Kon Tum và chính quyền các địa phương quan tâm, chỉ đạo; các ban, ngành, đoàn thể phối hợp chặt chẽ trong tuyên truyền, vận động tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình. Để tiếp tục nâng cao chất lượng dân số, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, việc giảm mức sinh, bảo đảm mức sinh thay thế, khống chế tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh… là những nhiệm vụ được các cấp, các ngành đề ra trong thời gian tới.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Kon Tum, trong 6 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên của tỉnh đạt trên 15%, giảm gần 4% so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt hơn 58%, tăng gần 2% so với cùng kỳ; tỷ lệ phụ nữ sinh con được cán bộ có kỹ năng đỡ đạt gần 90%; tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc trong 42 ngày sau sinh đạt trên 73%.

Bà Đinh Thị Hiền, Phòng Truyền thông giáo dục, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình chia sẻ, trong thời gian qua, công tác dân số được các cấp ủy đảng quan tâm, đặc biệt là đã chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản, nghị quyết liên quan về vấn đề dân số. Các nội dung về dân số không chỉ gói gọn trong kế hoạch hóa gia đình mà còn mở rộng toàn diện hơn, hướng tới về chất lượng dân số, cơ cấu dân số và phân bổ dân số.

Cán bộ y tế huyện Sa Thầy tuyên truyền sử dụng biện pháp tránh thai cho chị em phụ nữ
Cán bộ y tế huyện Sa Thầy tuyên truyền sử dụng biện pháp tránh thai cho chị em phụ nữ

Là một tỉnh có 54% dân số là người dân tộc thiểu số, công tác dân số tại các huyện, bản làng ở vùng sâu, vùng xa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cùng với công tác dân số, tỉnh Kon Tum còn triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, xã hội để nâng cao chất lượng dân số. Về kinh tế, tỉnh đã kết hợp có hiệu quả nguồn lực của Trung ương với phát huy nội lực của địa phương, giúp người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo theo tiêu chí đa chiều. Đến nay, tỉnh còn 13% hộ nghèo, giảm gần 12,5% so với năm 2016. Đặc biệt, công tác giảm nghèo đạt kết quả cao tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số với gần 18.800 hộ thoát nghèo từ năm 2016 - 2019. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân thông qua các chính sách, các cuộc vận động, phong trào ở khu dân cư.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum Phan Văn Hoàng cho biết, hiện có 77% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, 95% hộ gia đình nuôi dạy con tốt, phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, không phân biệt trai gái, 95% hộ gia đình thực hiện chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo ông, bà, chăm sóc cha mẹ, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ.

Còn nhiều mục tiêu quan trọng

Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum Võ Văn Thanh, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình hiện vẫn đối mặt với nhiều khó khăn như tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở nhiều nơi vẫn còn ở mức cao; tình trạng tảo hôn vẫn xảy ra, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chất lượng dân số còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương… 

Triển khai kế hoạch hành động công tác dân số giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh ta đề ra mục tiêu tổng quát là tiếp tục giảm sinh, duy trì tỷ số giới tính khi sinh ở mức cân bằng tự nhiên, phân bổ dân số hợp lý, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Mục tiêu cụ thể cần đạt được đến năm 2025 là giảm số con trung bình của 1 phụ nữ xuống còn 2,0 - 2,1 con/phụ nữ, quy mô dân số đạt trên 620.000 người, tỷ số giới tính khi sinh đạt 103 - 106 bé trai/100 bé gái, tỷ trọng dân số trong độ tuổi từ 15 - 64 đạt khoảng 67%, tiếp tục bảo vệ và phát triển dân số của dân tộc Brâu và Rơ Măm, nâng cao chất lượng dân số, tạo nền tảng cho sự phát triển của nguồn nhân lực, tiếp tục thực hiện bố trí và sắp xếp dân cư hợp lý giữa các vùng, đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi…

Để xây dựng và thực hiện tốt mục tiêu đã đề ra, ngành y tế, các ban, ngành và địa phương sẽ triển khai nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể. Một trong những giải pháp then chốt là đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động đến tất cả các tầng lớp nhân dân để nâng cao nhận thức, hành động về dân số và phát triển; nâng cao vai trò, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác dân số cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng được đặt ra hiện nay. Song song với đó, công tác kiện toàn, tổ chức bộ máy làm công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình từ tỉnh đến cơ sở, củng cố mạng lưới và đổi mới phương thức cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cũng là giải pháp quan trọng, góp phần thực hiện tốt chính sách dân số trong tình hình mới.

Tùng Dương