Gắn bó, đồng hành với dân tộc

- Thứ Tư, 22/12/2021, 09:59 - Chia sẻ
Việt Nam là quốc gia có nhiều tôn giáo và nhiều tổ chức tôn giáo. Tuy vậy, hầu hết các tổ chức tôn giáo hợp pháp ở Việt Nam đều xây dựng đường hướng hoạt động tiến bộ, tuân thủ pháp luật và gắn bó, đồng hành với dân tộc. Điều này một lần nữa lại được thể hiện rõ trong công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19 vừa qua.

Kết hợp hài hòa tôn giáo và xã hội

Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ khi thành lập năm 1981 đến nay luôn xác định đường hướng hoạt động là “Đạo pháp, Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội”. Giáo hội Công giáo Việt Nam xác định đường hướng hành đạo qua Thư chung nổi tiếng năm 1980 “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc”. Các Hội thánh Cao Đài được công nhận tư cách pháp nhân đều xác định đường hướng “Nước vinh, Đạo sáng”. Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo ngay từ khi được công nhận Ban Đại diện năm 1999 và sau đó là Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo (năm 2004) đã xác định “Vì Đạo pháp, vì Dân tộc”.

Các Hội thánh Tin lành khi được công nhận đều xác định “Sống Phúc âm, Phụng sự Thiên chúa, Phục vụ Tổ quốc và Dân tộc” hoặc “Sống theo lời Chúa, phục vụ tha nhân, phục vụ Tổ quốc”, hoặc “Trung tín thờ phượng Đức Chúa Trời ba ngôi theo đúng mẫu mực Kinh Thánh và trung thành với Tổ quốc Việt Nam”. Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa với đường hướng hành đạo là “Hành Tứ Ân - sống Hiếu nghĩa - vì đại đoàn kết toàn dân tộc”; Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam với đường hướng “Tu học, hành thiện, ích nước, lợi dân”. Ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo TP. Hồ Chí Minh là “Sống tốt đạo, đẹp đời, phát huy truyền thống Hồi giáo - đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Nét nổi bật trong đường hướng hoạt động của các tôn giáo ở Việt Nam thời kỳ đổi mới, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế được thể hiện trên ba khía cạnh: Hoạt động tôn giáo thuần túy theo đúng giáo lý, giáo luật, lễ nghi truyền thống; gắn bó với dân tộc, đồng hành cùng đất nước; tuân thủ quy định của pháp luật và chính sách của Nhà nước.

Đường hướng hoạt động tiến bộ của các tôn giáo ở Việt Nam là sự phản ánh kết hợp hài hòa giữa tôn giáo và xã hội, sự tương đồng giữa tôn giáo và cách mạng. Việc hình thành đường hướng tiến bộ của các tôn giáo ở Việt Nam còn dựa trên truyền thống yêu nước và đoàn kết dân tộc của người Việt Nam. Đây chính là những nét đặc trưng nổi bật của các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam; thể hiện sự nỗ lực của chức sắc, tín đồ các tôn giáo. Tất cả là để hướng đến mục đích chung đã được xác định “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”.

Đóng góp tích cực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Sau khi xác định đường hướng hoạt động, các tổ chức tôn giáo đều động viên chức sắc, tín đồ nỗ lực hoạt động và trên thực tế đã thực hiện tốt các mặt về tôn giáo và xã hội, đóng góp tích cực và hiệu quả vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong thời kỳ đổi mới của đất nước.

Không chỉ xác định đường hướng hoạt động như đã nói trên, các tổ chức tôn giáo còn cử người trực tiếp tham gia vào các cơ quan dân cử và tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội để góp phần đưa đường hướng đã được xác định vào đời sống tôn giáo và xã hội. Tại Quốc hội từ khóa I đến khóa XV đều có đại diện chức sắc, chức việc, nhà tu hành của các tôn giáo (như Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo). Trong danh sách chính thức 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV có 5 chức sắc của các tổ chức tôn giáo. Người phát biểu đầu tiên trên diễn đàn Quốc hội Khóa XV cũng là đại diện của tổ chức tôn giáo (Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam kiêm Trưởng ban Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội).

Bên cạnh đó, các tôn giáo ở Việt Nam còn tích cực tham gia thực hiện chủ trương xã hội hóa trong các lĩnh vực y tế, giáo dục dạy nghề, từ thiện nhân đạo, bảo trợ xã hội… góp phần hỗ trợ Nhà nước giải quyết các vấn đề xã hội trong điều kiện mới hiện nay. Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, lãnh đạo các tổ chức tôn giáo đã chủ động hướng dẫn chức sắc, chức việc, tín đồ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, khuyến cáo của Bộ Y tế, hướng dẫn của Bộ Nội vụ và quy định của chính quyền các địa phương; tích cực vận động chức sắc, chức việc và tín đồ tham gia ủng hộ, chung tay với các cấp chính quyền trong công tác phòng, chống dịch với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực như trao tặng trang thiết bị, vật tư y tế và thuốc hỗ trợ phòng, chống dịch; giúp đỡ tiền mặt, lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm thiết yếu cho đồng bào gặp khó khăn (không phân biệt có tôn giáo và không có tôn giáo)…

Trong thư cảm ơn các tổ chức, chức sắc, chức việc, nhà tu hành và đồng bào các tôn giáo ở trong và ngoài nước đã đóng góp to lớn trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến viết: “Phát huy những giá trị chân - thiện - mỹ trong giáo lý của các tôn giáo về tình yêu thương thiên nhiên, đất nước, con người, về sự trân trọng và bảo vệ cuộc sống qua từng hơi thở, từng nhịp đập trái tim, các vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo đã bất chấp nguy hiểm, cùng cán bộ, chiến sỹ tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh. Đồng bào các tôn giáo ở trong và ngoài nước cũng đóng góp to lớn cả vật chất và nhân lực để chung tay với cộng đồng vượt qua đại dịch”.

Đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nguy hiểm. Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến mong rằng thời gian tới, các tổ chức, chức sắc, chức việc, nhà tu hành và đồng bào các tôn giáo ở trong và ngoài nước đoàn kết hơn nữa, đề cao ý thức phòng, chống dịch bệnh, tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp cùng với các nguồn lực của mình tham gia phòng, chống dịch Covid-19 bằng tình cảm, trách nhiệm và sự dấn thân, cống hiến, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, góp phần thực hiện thành công khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Bạch Liên