Truyền thông khoa học công nghệ :

Gắn bó cộng đồng với khoa học

- Thứ Sáu, 12/04/2013, 10:39 - Chia sẻ
Thúc đẩy công tác truyền thông khoa học công nghệ là nhiệm vụ vô cùng quan trọng đối với mỗi quốc gia. Chia sẻ kinh nghiệm của Australia về công tác truyền thông khoa học tại Tọa đàm Truyền thông khoa học Úc: Chiến lược phát triển truyền thông khoa học Quốc gia và giải pháp thực hiện mới đây, VỤ TRƯỞNG, GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUỐC GIA AUSTRALIA QUESTACON, THUỘC BỘ GIÁO DỤC, KHOA HỌC, SÁNG CHẾ VÀ NGÀNH NGHỀ AUSTRALIA, GIÁO SƯ GRAHAM DURANT AM cho rằng, cần tham khảo ý kiến được nhiều đối tượng trước khi thiết lập chiến lược truyền thông khoa học, để mọi người cùng đóng góp ý kiến, tham gia vào chiến lược đó.

- Giáo sư có thể chia sẻ những kinh nghiệm của Australia trong việc truyền thông về khoa học như thế nào để giúp mọi người hiểu hơn về các vấn đề khoa học?

Giáo sư Graham Durant AM: Khoa học công nghệ đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì, nâng cao chất lượng xã hội, nền kinh tế và môi trường. Chính phủ Australia luôn quan tâm và khuyến khích phát triển truyền thông về khoa học công nghệ. Trong đó truyền thông là một bộ phận không thể thiếu trong chiến lược phát triển khoa học công nghệ của Australia cũng như bất kỳ quốc gia nào. Hiện nay tôi đang phụ trách chương trình Khơi dậy Australia, là chương trình nhằm phát triển chiến lược truyền thông khoa học Quốc gia Australia. Đây là chương trình quan trọng nhưng không phải là chương trình duy nhất, bởi trong nhiều năm Australia đã có rất nhiều chương trình truyền thông về khoa học công nghệ. Australia xác định phải thống nhất nỗ lực của các tổ chức khoa học để thực hiện tốt hơn về khoa học công nghệ, tạo sự gắn bó chặt chẽ với cộng đồng khoa học, khơi dậy tinh thần sáng tạo của thanh niên và những đối tượng khác, hướng đến hình thành một xã hội đổi mới sáng tạo với niềm tin và hiểu biết về khoa học công nghệ.

Bên cạnh đó, để phát triển các hoạt động truyền thông khoa học, Chính phủ Australia cũng đã tiến hành xây dựng những Trung tâm để nhà khoa học chia sẻ suy nghĩ, trao đổi học thuật và được huấn luyện về công tác truyền thông; qua đó, có thể trao đổi với báo chí, chủ động kết nối với giới truyền thông. Ngoài ra, các Tuần lễ Khoa học quốc gia cũng được tổ chức hàng năm, đây là chương trình quan trọng cho đổi mới sáng tạo trong các hoạt động gắn kết khoa học. Các sự kiện trong Tuần lễ Khoa học quốc gia đã tạo ra kênh tương tác nâng cao sự quan tâm và gắn kết những người trước đây không hề quan tâm tới các hoạt động này.

Đồng thời, để truyền thông khoa học đạt hiệu quả một cách tốt nhất, trước khi xây dựng chiến lược truyền thông khoa học cần trao đổi với các cơ quan khoa học, các cơ quan nghiên cứu, báo chí truyền thông, doanh nhân, người dân để tham khảo ý kiến được nhiều đối tượng trước khi thiết lập chiến lược. Làm sao có thể đưa mọi người cũng tham gia vào chiến lược truyền thông và cho họ thấy trong chiến lược có phần đóng góp của họ.

- Có ý kiến cho rằng, để công tác truyền thông khoa học có thể đáp ứng được yêu cầu thực tế thì không chỉ các nhà truyền thông chuyên nghiệp đóng vai trò chủ yếu mà chính bản thân các nhà khoa học cũng phải tích cực giao tiếp, kết nối, chủ động tuyên truyền về vai trò của khoa học. Quan điểm của giáo sư về vấn đề này như thế nào?


                              Nguồn: lapmangfpt24h.info

Giáo sư Graham Durant AM: Có thể khẳng định rằng, những người làm công tác truyền thông về khoa học công nghệ không chỉ có các nhà truyền thông chuyên nghiệp, mà chính các nhà khoa học cũng cần làm công tác truyền thông để có thể phát triển khoa học một cách hiệu quả. Hiện nay, hầu hết các nhà khoa học ở Australia đều đang tập trung vào công việc chuyên môn là nghiên cứu khoa học, mà ít quan tâm tới các vấn đề chính trị hay các chính sách có ảnh hưởng tới khoa học công nghệ. Tuy nhiên, các nhà khoa học luôn luôn cố gắng, nỗ lực tổ chức và hỗ trợ các chương trình hoạt động truyền thông khác nhau; quan tâm truyền thông tới lực lượng lao động đông đảo trong các phòng thí nghiệm, doanh nghiệp, trường học, sinh viên và đặc biệt là những người làm chính sách nhằm giúp xã hội có đánh giá đúng về vai trò quan trọng mà khoa học, công nghệ, kỹ thuật và đổi mới sáng tạo đóng góp cho quá trình phát triển của quốc gia… 

- Thưa giáo sư, để nâng cao nhận thức của các cơ quan nhà nước về khoa học và công nghệ thông qua công tác truyền thông cần những yếu tố gì?

Giáo sư Graham Durant AM: Để nâng cao nhận thức của các cơ quan nhà nước về khoa học và công nghệ thông qua công tác truyền thông có 2 vấn đề cần quan tâm là khoa học và chính sách khoa học. Trong đó, vấn đề khoa học là của các nhà khoa học, còn vấn đề chính sách khoa học là của các nhà làm chính sách nên cần phải hiểu một cách rõ ràng, đây là đang nói về chính sách khoa học. Nếu các nhà khoa học đưa ra các quan điểm thì cần nói dưới danh nghĩa cá nhân chứ không phải thông qua danh nghĩa của một cơ quan thuộc chính phủ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp các nhà khoa học cũng cần đặt mình vào cương vị của các nhà làm chính sách để cân bằng sự phản hồi giữa các khía cạnh. Đó cũng là điều cần xem xét. 

Ở Australia có Hội đồng khoa học bao gồm các nhà khoa học chuyên cố vấn cho Thủ tướng các vấn đề liên quan đến khoa học. Trong đó, đa số các nghị sỹ, các thành viên Chính phủ không phải là các nhà khoa học, không am hiểu nhiều về khoa học nhưng có trách nhiệm tạo ra chính sách cho bộ máy, cho cơ chế vận hành khoa học công nghệ thật tốt. Tuy nhiên, trong các cơ quan Nhà nước cũng có những người biết và hiểu cách làm về truyền thông. Vì vậy, các nhà khoa học cần tiếp cận những người tạo ra chính sách và giải thích những vấn đề về khoa học cần sự ủng hộ.

Anh Thơ ghi