EU nỗ lực chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch

- Thứ Năm, 04/03/2021, 22:49 - Chia sẻ
Các đại sứ Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức thông qua quỹ trị giá hàng tỷ euro của khối, nhằm giúp các quốc gia từ bỏ nhiên liệu hóa thạch, bằng cách bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương khỏi những tác động kinh tế của việc chuyển đổi các lĩnh vực gây ô nhiễm.

Nằm trong khuôn khổ kế hoạch loại bỏ khí thải gây hiệu ứng nhà kính ròng vào năm 2050, EU đã dành một phần ngân sách và quỹ phục hồi đại dịch Covid-19 để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi những kế hoạch nhằm vào các ngành công nghiệp sản xuất hoặc phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Nguồn : Reuters

Các đại sứ EU đã thông qua văn bản pháp lý thành lập Quỹ chuyển đổi công bằng (JTF) trị giá 17,5 tỷ euro. Đây là một nguồn tài chính để giúp các nước thu hẹp ngành than, than bùn, đá phiến dầu, thay thế bằng các ngành và lĩnh vực phát thải ít carbon hơn. Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) Vivian Loonela khẳng định, nếu không có sự hỗ trợ từ JTF, mọi chi phí xã hội và kinh tế có thể làm nhụt chí các cơ quan có thẩm quyền cùng với các cơ quan kinh tế thực hiện những chuyển đổi cần thiết.

Trong kế hoạch này, nhà sản xuất than đá lớn nhất châu Âu là Ba Lan sẽ được hưởng lợi lớn nhất. Tiếp đến là Đức và Romania, hai quốc gia này vẫn duy trì ngành khai thác than. Ba Lan có hơn 230.000 người làm việc trong lĩnh vực than của châu Âu. Đến năm 2030, EU dự kiến ​​có khoảng 160.000 việc làm liên quan đến than  bị mất nhưng điều này sẽ được bù đắp bằng 300.000 công việc được tạo ra thông qua việc đầu tư vào năng lượng sạch. Theo công ty tư vấn McKinsey, để đạt được các mục tiêu về khí hậu của EU, Ba Lan sẽ cần tăng các khoản đầu tư hàng năm lên trung bình 13 tỷ euro, mục tiêu nhằm vào xe điện, nâng cấp các tòa nhà và cơ sở hạ tầng năng lượng.

Phần của Ba Lan trong JTF là khoảng 3,5 tỷ euro và sẽ được hỗ trợ thêm từ ngân sách EU cùng với quỹ Covid-19 trị giá 750 tỷ euro, trong đó hơn một phần ba sẽ được sử dụng cho các hoạt động chống biến đổi khí hậu. Romania sẽ sử dụng tiền JTF của mình cho sáu lĩnh vực, bao gồm khu vực sản xuất thép ở phía Đông Galati và các khu vực khai thác than ở Gorj, phía Tây quốc gia này. Một quan chức Romania cho biết, nếu không có sự can thiệp từ JTF, các khu vực trên sẽ không thể tự chi trả các khoản đầu tư cần thiết cho việc thay đổi cơ cấu trong cung và cầu năng lượng. Bên cạnh đó, các quốc gia có thể chi tiền JTF vào những lĩnh vực như năng lượng sạch, đào tạo và hỗ trợ người lao động tìm việc làm.

Như Ý