EU muốn có cơ quan chống rửa tiền ở cấp độ liên minh

- Thứ Bảy, 24/07/2021, 05:56 - Chia sẻ
Vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết đang xem xét việc thành lập một cơ quan độc lập để trấn áp hoạt động rửa tiền trên khắp châu Âu, nơi các ngân hàng lớn bị ảnh hưởng bởi làn sóng bê bối tiền bẩn. Trong lịch sử, EU từng phải dựa vào các cơ quan quản lý quốc gia để thực thi những chính sách của mình bởi khối không có cơ quan quản lý siêu quốc gia nào có nhiệm vụ kiểm soát rửa tiền.
Nguồn: ITN

Hành động ngay sau một loạt bê bối

Gần đây, một loạt bê bối liên quan đến rửa tiền đã xảy ra ở châu Âu. Nhiều trường hợp liên quan đến các quốc gia Bắc Âu như Đan Mạch, Thụy Điển và Phần Lan vốn nổi tiếng chơi đúng luật. Các vụ được phanh phui thường liên quan đến các công ty con của nhiều ngân hàng có trụ sở tại các nước Baltic thuộc EU, qua đó những tội phạm trốn thuế thường lợi dụng để chuyển tiền bất hợp pháp.

Ủy ban châu Âu cho biết, quy định chắp vá của các chính quyền quốc gia đã không còn hiệu quả và kêu gọi thành lập một tổ chức trung tâm mới, Cơ quan Chống rửa tiền (AMLA) của châu Âu. Cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm đặc biệt trong việc giám sát và điều phối các cơ quan chức năng quốc gia. Mục đích là để cải thiện khả năng phát hiện các giao dịch và hoạt động đáng ngờ, đồng thời lấp các kẽ hở được tội phạm sử dụng. Theo Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis, quy tắc của châu Âu về chống rửa tiền là một trong những quy tắc nghiêm ngặt nhất trên thế giới. Hiện nay, chúng cần được áp dụng một cách nhất quán và được theo dõi chặt chẽ để bảo đảm hiệu quả.

Bà Mairead McGuinness, Ủy viên phụ trách các dịch vụ tài chính của EU cùng quan điểm: “Các quốc gia thành viên không còn đủ sức làm riêng những gì họ đang làm (chống rửa tiền). Chúng ta cần sự giám sát và phối hợp tích cực”. “Đằng sau số tiền bất hợp pháp đó còn những hoạt động tội phạm đáng ghê sợ, gây thiệt hại cho xã hội, cho dù đó là buôn bán ma túy, mại dâm hay bất cứ thứ gì liên quan đến tiền bẩn”, bà nói.

Theo cơ quan cảnh sát châu Âu Europol, các hoạt động tài chính đáng ngờ chiếm khoảng 1% trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vốn hơn 13 nghìn tỷ euro của EU. Dự kiến, các quốc gia thành viên và Nghị viện châu Âu sẽ có tiếng nói cuối cùng đối với các đề xuất của EC về việc thành lập AMLA trong một quá trình đàm phán có thể kéo dài khoảng 2 năm. Liên minh lá cờ xanh phấn đấu để cơ quan chống rửa tiền mới có thể bắt đầu hoạt động từ năm 2024 và có đầy đủ 250 nhân sự vào năm 2026, trong đó khoảng 100 người sẽ thực hiện công việc giám sát trực tiếp các đơn vị có rủi ro cao. AMLA sẽ có quyền lực thực chất vì trực tiếp giám sát các tổ chức tài chính đối mặt với rủi ro cao nhất về rửa tiền và tài trợ khủng bố. Cơ quan này sẽ thắt chặt và điều chỉnh chặt chẽ hơn các quy tắc chống rửa tiền trên toàn EU, sau khi một số quốc gia thành viên không thực hiện những thay đổi trước đây trong luật của khối.

Giám sát toàn diện

Dự thảo luật liên quan đến việc thành lập AMLA đề xuất tăng cường giám sát đối với các loại tiền điện tử như Bitcoin, vốn đã trở thành lối dẫn đặc quyền cho tội phạm tài chính. Ngoài ra, EC còn đề xuất hài hòa các quy tắc tài chính ở EU, chẳng hạn như yêu cầu các ngân hàng nắm rõ khách hàng của họ hoặc xác định chủ sở hữu tài sản đằng sau các thỏa thuận tài chính không rõ ràng. Đặc biệt, các sổ đăng ký của ngân hàng quốc gia nên được kết nối với nhau để tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc điều tra quốc tế. Chưa hết, Brussels muốn đưa ra giới hạn 10.000 euro đối với các khoản thanh toán bằng tiền mặt trong EU. Ở một số nước thành viên, không có giới hạn thanh toán bằng tiền mặt, điều này tạo điều kiện cho các thương vụ rửa tiền. AMLA còn giúp mở rộng sự giám sát của EU đối với các lĩnh vực pháp lý, kế toán và bất động sản, không chỉ ngân hàng. Ngoài ra, nếu được Nghị viện châu Âu và các nước thành viên thông qua, AMLA sẽ tước bỏ vai trò của Cơ quan Ngân hàng Châu Âu (EBA) của EU kể từ năm 2019 trong việc phối hợp thực thi các quy tắc chống rửa tiền. AMLA sẽ có quyền đưa ra khoản tiền phạt lên đến 11,8 triệu USD hoặc 10% doanh thu hàng năm của một công ty, cũng như khả năng soạn thảo hướng dẫn các quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật.

Ba phần tư nguồn ngân sách của AMLA sẽ đến từ các khoản đóng góp tài chính do một loạt các công ty dịch vụ tài chính chi trả (được gọi là “các tổ chức có nghĩa vụ”), trong khi 25% còn lại trong số 45,6 triệu euro (khoảng 53,8 triệu USD) theo kế hoạch ngân sách của nó sẽ do EU tài trợ.

Các đề xuất hiện sẽ được 27 quốc gia thành viên của EU và Nghị viện châu Âu xem xét, thảo luận. Được biết, chúng đang nhận được nhiều ủng hộ mạnh mẽ. Theo nghị sĩ châu Âu người Đức, ông Markus Ferber của nhóm EPP trung hữu, “rủi ro lớn nhất là chúng ta đang chỉ thêm một lớp phức tạp nữa và tạo ra xung đột năng lực mới”, và “để tránh điều đó, cơ quan có thẩm quyền mới rõ ràng phải kiên quyết làm chủ vấn đề để đưa ra các quyết định quan trọng”.

Vụ bê bối rửa tiền lớn nhất gần đây ở châu Âu có liên quan đến Ngân hàng Danske của Đan Mạch, vốn đang bị điều tra ở Estonia, Đan Mạch, Mỹ, Anh và Pháp. Ngân hàng này bị cáo buộc giúp rửa khoảng 230 tỷ USD từ năm 2007 đến 2015 thông qua chi nhánh của nó ở Estonia. Ở một trường hợp khác, Ngân hàng lớn thứ 3 của Latvia ABLV đã bị đóng cửa vào năm 2018 sau khi Mỹ cáo buộc rửa tiền cho người Nga. Theo bà McGuinness, cho tới nay, có tới 23 quốc gia thành viên đang bị Brussels giám sát vì thiếu sót trong việc thực thi luật chống rửa tiền hiện hành.

Ngọc Minh