Duy trì thành quả về truyền thông y tế

- Thứ Năm, 03/12/2020, 08:37 - Chia sẻ
Thể hiện sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và kế tiếp những chương trình của quốc gia về mục tiêu y tế, thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe toàn dân nói chung và hoạt động truyền thông y tế nói riêng luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt. Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết Dự án 8 - theo dõi giám sát, đánh giá thực hiện chương trình và truyền thông y tế thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 - 2020.

Bảo đảm số lượng, chất lượng

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn, dự án gồm 2 mục tiêu chính là theo dõi giám sát, đánh giá bảo đảm thực hiện Chương trình hiệu quả và triển khai các hoạt động truyền thông y tế, chủ động góp phần phòng, chống bệnh tật, nâng cao sức khỏe người dân và cộng đồng. Nhận thức được vai trò quan trọng của truyền thông, giáo dục trong chăm sóc sức khỏe người dân nói chung và mục tiêu y tế - dân số nói riêng, Chính phủ và ngành y tế đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện chương trình, dự án để đạt mục tiêu đề ra.

Theo đại diện Văn phòng thường trực Ban Quản lý Chương trình (Văn phòng 1125), giai đoạn 2016 - 2020, dự án đã đạt những kết quả đáng khích lệ với 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được kiểm tra, giám sát, thực hiện triển khai các dự án. Dự án cũng tổ chức các lớp tập huấn về theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá, tập huấn nâng cao năng lực quản lý, tổ chức triển khai chương trình và truyền thông; xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định, thông tư thực hiện chương trình, tổ chức thực hiện công tác quản lý chương trình, dự án theo quy định, tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện chương trình, dự án tại các cấp.

Giai đoạn vừa qua, đối với công tác truyền thông về y tế, Văn phòng 1125 đã phối hợp với các đơn vị tổ chức thực hiện 4.378 bài viết, 3.495 tin, 5.028 ảnh, 274 phóng sự/phỏng vấn, 25 chuyên đề, 2 chương trình trực tiếp… tuyên truyền về các nội dung của Chương trình trên 42 báo, tạp chí và cổng thông tin điện tử chính thống. Bên cạnh đó, Dự án cũng tổ chức xây dựng, phát sóng 718 phóng sự, 281 thông điệp, 98 tọa đàm... về các nội dung chương trình sức khỏe Việt Nam, bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và y tế cơ sở, Chương trình Y tế - Dân số trên các kênh truyền hình phổ biến, có lượng người xem cao, truyền tải thông tin chính thống, có uy tín.

Đánh giá về công tác triển khai hoạt động, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài Chính, Bộ Y tế Nguyễn Công Sinh cho biết, diện bao phủ truyền thông giai đoạn 2016 - 2020 rất lớn, đa dạng về hình thức, tạo hiệu quả tốt với cộng đồng, thể hiện sự phối hợp giữa cộng đồng Nhân dân với các ngành chức năng. Việc thực hiện truyền thông về những nội dung của Chương trình trên các phương tiện thông tin đại chúng hết sức quan trọng trong việc nâng cao kiến thức sức khỏe của người dân, tăng sự tiếp cận với các dịch vụ y tế.

Đẩy mạnh truyền thông dưới nhiều hình thức như câu lạc bộ, các cuộc thi  

Lồng ghép truyền thông vào chương trình cụ thể

Bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, dự án được triển khai cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc, như việc các cán bộ đều làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, Thông tư 26/2018/TT-BTC quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 - 2020, không có nội dung và định mức cho việc thuê hợp đồng lao động, cũng như chi trả chi phí quản lý thực hiện chương trình; ở tuyến tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn do thay đổi về cơ cấu tổ chức các đơn vị. Việc tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát chung cũng gặp khó khăn do các thành viên từ cục, vụ, tổng cục và dự án khác nên nhiều đoàn chưa thực hiện được theo kế hoạch ban đầu. 

Bên cạnh đó, kinh phí dự án còn hạn chế và phải phân bổ cho nhiều mảng hoạt động khác nhau dẫn đến tình trạng thiếu kinh phí kiểm tra, giám sát. Việc tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát chung cũng gặp khó khăn. Định mức chi cho cán bộ kiểm tra, giám sát còn hạn chế nên chưa khuyến khích được nhân lực tham gia giám sát đúng chuyên môn, công việc.

Đại diện các địa phương cho biết, những mục tiêu về công tác y tế, dân số rất nhiều và khó thực hiện mà hoạt động kiểm tra, giám sát và truyền thông y tế là hoạt động liên quan tới tất cả dự án cần có sự tham gia, đồng thuận của các dự án mới đem lại hiệu quả. Do vậy, đề nghị Trung ương tiếp tục bố trí đủ ngân sách để thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025; tăng cường đầu tư cho các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số, đặc biệt là trang thiết bị, phương tiện truyền thông phù hợp công nghệ mới cho công tác tuyên truyền. Đồng thời, bày tỏ mong muốn các dự án thành phần được Trung ương tiếp tục hỗ trợ, chỉ đạo thường xuyên nhằm duy trì tốt những kết quả, thành quả sau nhiều năm phấn đấu.

Ghi nhận những đóng góp và nỗ lực của mỗi địa phương qua kết quả đạt được hiện tại, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị, các đơn vị hữu quan ở các địa phương thời gian tới, đẩy mạnh hoạt động truyền thông với các hình thức thích hợp câu lạc bộ, các cuộc thi,… tiếp tục lồng ghép truyền thông vào những hoạt động, chương trình cụ thể cùng các dự án, chương trình khác thực hiện cùng địa bàn từ tuyến cơ sở như thôn, bản, xã, huyện… tới Trung ương trên tất cả 63 tỉnh/ thành phố để lan tỏa, tạo hiệu quả tốt với cộng đồng.

Đồng thời, các địa phương tiếp tục chủ động, cân đối tài chính để triển khai các hoạt động hiệu quả. Huy động toàn bộ mạng lưới nguồn nhân lực y tế, trên tất cả vùng miền tham gia thực hiện hoạt động Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số và truyền thông theo chức năng, nhiệm vụ được giao trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe toàn dân giai đoạn tiếp theo 2021 - 2025.

Hải Yến