Sổ tay

Đừng chỉ cho đủ vai

- Thứ Hai, 12/07/2021, 06:23 - Chia sẻ

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg thay thế Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật; Quyết định số 42/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg.

Theo đó, quyết định đã có những quy định mới quan trọng về thành phần; nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (Hội đồng). Các quy định này không ngoài mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng các cấp trước bối cảnh, yêu cầu của thực tiễn triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Điểm mới quan trọng nhất của quyết định này là Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Hội đồng Trung ương; Bộ trưởng Bộ Tư pháp là Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng. Các Phó Chủ tịch Hội đồng gồm: Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Các thành phần khác của Hội đồng Trung ương cơ bản giữ nguyên như các văn bản trước đây. Tuy nhiên, Quyết định bổ sung thành viên Hội đồng là đại diện lãnh đạo một số Ban của Đảng (Ban Nội chính Trung ương, Ban Dân vận Trung ương) nhằm bảo đảm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; đồng thời, bổ sung thành viên là đại diện lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Bộ Ngoại giao để triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật toàn diện, phù hợp với bối cảnh, yêu cầu tăng cường phòng, chống tham nhũng; chú trọng phổ biến, giáo dục pháp luật cho người Việt Nam ở nước ngoài.

Ở địa phương, Quyết định đã giao Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện căn cứ vào thành phần Hội đồng Trung ương và yêu cầu thực tiễn của địa phương quyết định thành phần, số lượng thành viên Hội đồng cấp tỉnh, cấp huyện, trong đó đại diện lãnh đạo UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện làm Chủ tịch Hội đồng cùng cấp.

Những quy định mới trên được hy vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng của Hội đồng. Bởi, thực tiễn cho thấy, vai trò của Hội đồng ở không ít địa phương hết sức mờ nhạt, do các thành viên của hội đồng ở các bộ, ngành, cơ quan khác nhau nên thiếu chất kết dính, cha chung không ai khóc. Từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của Hội đồng. Điển hình, một số thành viên của Hội đồng và tổ thư ký các cấp chưa tham gia đầy đủ các phiên họp của Hội đồng, chưa thực sự chủ động, tích cực phối hợp triển khai chương trình, kế hoạch công tác của Hội đồng. Sự phối hợp giữa các ngành, các cơ quan hữu quan trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật chủ yếu vẫn dừng lại ở tình trạng “cho đủ vai”, trách nhiệm vẫn dồn cho ngành dọc.

Đặc biệt, thành viên Hội đồng các cấp chủ yếu cử cấp phó tham gia, song những người này không có thẩm quyền quyết định các biện pháp bảo đảm hoạt động của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Hậu quả là việc tham mưu xây dựng, ban hành Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật, Kế hoạch hoạt động của Hội đồng ở một số cơ quan, địa phương cấp cơ sở còn chậm; nhiều hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật bị chậm hoặc thay đổi so với tiến độ đề ra; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn chưa đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân.

Phạm Hải