Đừng bỏ rơi hộ kinh doanh!

- Thứ Năm, 01/07/2021, 05:24 - Chia sẻ
Từ đầu năm đến nay Hà Nội có gần 8 nghìn hộ kinh doanh nghỉ hẳn, 62,7 nghìn lượt hộ kinh doanh tạm nghỉ. Riêng tháng 5 và 6, để thực hiện các biện pháp phòng chống Covid-19 theo chỉ đạo của thành phố, đã có 13,2 nghìn hộ kinh doanh với gần 20,3 nghìn lao động phải tạm nghỉ hoặc bị hạn chế kinh doanh.

Đây chỉ là một mảnh ghép trong bức tranh chung về sự tổn thương của khu vực hộ kinh doanh cá thể trong đại dịch Covid-19. Dịch bệnh xuất hiện ở đâu, hộ kinh doanh và khu vực kinh tế phi chính thức là nhóm trước tiên phải dừng công việc của họ. Cho đến hôm qua, dịch đã lan ra 50 tỉnh, thành phố. Rất nhiều khu vực bị phong tỏa, cách ly để phòng dịch. Kéo theo đó là hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn hộ kinh doanh phải hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa hẳn chờ tình hình bớt căng thẳng. Đặc biệt, ở những điểm nóng dịch bệnh, đồng thời là đầu tàu kinh tế hay trung tâm sản xuất công nghiệp như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng… thiệt hại kinh tế đối với khu vực hộ kinh doanh cá thể vô cùng lớn.

Tiếc là những tổn thất của khu vực hộ kinh doanh trong đại dịch chưa được nêu đầy đủ trong các báo cáo thống kê hoặc bị che lấp bởi các con số hoành tráng, ấn tượng về tăng trưởng, xuất nhập khẩu, chỉ số phát triển công nghiệp, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hay thu ngân sách… Và cũng tiếc là những chính sách hỗ trợ được Chính phủ, các bộ, ngành ban hành trong hơn một năm qua chưa thực sự “chạm” đến đối tượng này.

Chẳng hạn, theo quy định, hộ kinh doanh cá thể tại những nơi được công bố có dịch truyền nhiễm sẽ được gia hạn nộp thuế và miễn tiền chậm nộp. Tháng 3 năm ngoái, Tổng cục Thuế có văn bản hướng dẫn Cục Thuế các tỉnh, thành phố triển khai việc này cho người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, vừa qua một số tiểu thương ở các chợ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh phản ánh họ chưa nhận được hỗ trợ, đồng thời vẫn phải đóng thuế đều đặn. Tương tự, nhiều hộ kinh doanh ở địa bàn Hà Nội cho biết chưa thấy ưu đãi hay chính sách hỗ trợ nào đến với mình.

Cả nước hiện có hơn 5 triệu hộ kinh doanh, giải quyết việc làm cho khoảng 8 triệu lao động và đóng góp gần 30% GDP. Điều đó có nghĩa tăng trưởng kinh tế của nước ta phụ thuộc nhiều vào “sức khỏe” của khu vực này. Hơn thế nữa, các hộ gia đình thường chỉ có nguồn thu nhập duy nhất từ việc kinh doanh  nên khi phải tạm đóng cửa sẽ tác động lớn đến cuộc sống của các thành viên gia đình. Và những bức bách về kinh tế có thể lại trở thành nguyên nhân cho các vấn đề xã hội khác như tệ nạn, căng thẳng hay mâu thuẫn xã hội.

Bởi vậy, trong đại dịch này, Chính phủ, bộ, ngành, địa phương cần quan tâm hơn đến các hộ kinh doanh cá thể. Đó phải là sự quan tâm thực chất, thể hiện bằng những hỗ trợ thiết thực. Ví dụ, theo quy định, để được miễn giảm thuế, hộ kinh doanh phải gửi đơn cho cơ quan thuế đề nghị ngưng nghỉ, giảm thuế. Việc này không có gì phức tạp trong điều kiện bình thường, nhưng lại trở nên khó khăn ở những nơi phong tỏa, giãn cách, người dân phải hạn chế đi lại. Vậy thì ngành thuế cần có cách làm khác để giảm bớt thủ tục cho cả hộ kinh doanh và cơ quan thuế. Chẳng hạn nên cho phép miễn giảm thuế theo danh sách do ban quản lý chợ hoặc phường lập và gửi sang cơ quan thuế thay vì nhận và xét từng đơn riêng lẻ. Cùng với đó, giảm bớt thủ tục và rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ.

Bên cạnh đó, Chính phủ, bộ, ngành, địa phương có thể cân nhắc miễn thuế khoán cho khu vực kinh tế này đúng bằng thời gian phong tỏa, giãn cách khiến họ không kinh doanh được và xem xét miễn thuế môn bài năm 2022. Giải pháp này sẽ góp phần động viên, hỗ trợ tinh thần, giúp các hộ kinh doanh trụ vững, vượt qua khó khăn hiện nay.

Cẩm Phô