Đừng bỏ lỡ cơ hội tiêm vaccine

- Thứ Tư, 30/06/2021, 05:14 - Chia sẻ
Khi biết thông tin Bộ Y tế vừa phê duyệt khẩn cấp vaccine Covid-19 Moderna, một người bạn đã rỉ tai tôi: “Bao giờ có loại vaccine ấy mình mới tiêm vì hàng của Mỹ hiệu quả lên đến 94%, ít tác dụng phụ, an toàn hơn”.

Tôi tin chắc rằng tâm lý phân biệt “thương hiệu vaccine” không chỉ diễn ra ở một vài cá nhân. Trên các trang mạng xã hội, các diễn đàn còn lập hẳn cả chủ đề bàn luận về việc nên tiêm loại vaccine này, không nên tiêm loại kia. Thậm chí, còn bài xích một số loại vaccine phòng chống Covid-19 của một số quốc gia vì “không đạt chuẩn”. Nhưng để trả lời câu hỏi dựa vào những tiêu chí nào để khẳng định loại vaccine này an toàn, hiệu quả; loại vaccine kia nguy hiểm, nhiều tác dụng phụ thì không ai trả lời được.

Tới thời điểm này, các nhà khoa học trong nước và thế giới cũng chưa ai đưa ra bất cứ bằng chứng khoa học nào để khẳng định vaccine phòng chống Covid-19 của hãng này tốt hơn hãng kia, của nước này tốt hơn nước khác. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo sử dụng tất cả các loại vaccine đã được cấp phép sử dụng. Việc xảy ra tác dụng phụ, thậm chí là tử vong được “chia đều” cho các loại vaccine của các quốc gia, chứ không tập trung vào loại nhất định nào. Và những rủi ro ấy chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với số lượng người tiêm chủng.

Vaccine phòng Covid-19 hiện nay đều là vaccine mới, hiệu quả phòng bệnh của vaccine phòng Covid-19 theo các dữ liệu thử nghiệm lâm sàng của nhà sản xuất, hiệu quả và thời gian bảo vệ của vaccine vẫn đang được tiếp tục theo dõi và đánh giá. Vì vậy, so sánh các loại vaccine khác nhau chẳng khác nào so sánh quả táo và quả cam. Nên hiểu rằng tất cả các loại vaccine khi được cấp phép lưu hành có nghĩa đã đảm bảo cơ sở khoa học về độ an toàn nhất định, việc cố tình trì hoãn tiêm để lựa chọn loại vaccine sẽ làm chậm quá trình ngăn chặn dịch Covid-19, ảnh hưởng đến cộng đồng.

Thực tế, việc phân biệt “thương hiệu vaccine” đã dẫn đến thực trạng đau lòng tại Brazil. Tâm lý lựa chọn loại vaccine ảnh hưởng trực tiếp tới chiến dịch tiêm chủng vốn đã chậm trễ và thiếu hụt chế phẩm ở nước này. Tính đến ngày 22.6, Brazil đã vượt mốc 500.000 người chết vì Covid-19, nhưng người dân vẫn từ chối tiêm các loại vaccine mà họ cho rằng “không đạt chuẩn”. Điều này không chỉ khiến dịch bùng phát, Brazil tổn thất nặng nề mà còn đe dọa cả thế giới nếu nơi đây trở thành phát tán biến chủng SARS-CoV-2 mới.

Vaccine đã được chứng minh làm chậm tốc độ lây lan dịch bệnh và là con đường duy nhất sớm đưa thế giới trở lại nhịp sống bình thường. Nhiều chuyên gia cho rằng, nỗi sợ vô căn cứ “tiêm là chết” không dựa trên căn cứ khoa học nào, nhưng lại có rất nhiều bài học thực tiễn từ các nước cho thấy “không tiêm sẽ chết”. Trong bối cảnh toàn thế giới đang thiếu vaccine, việc có được vaccine tiêm là rất khó. Nếu từ chối tiêm loại vaccine hiện đang có sẵn để chờ loại tốt hơn, rất có thể chúng ta đã mắc Covid-19 trước khi tìm ra đáp án loại vaccine nào tốt nhất hiện nay.

2 nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu Peter Doherty về bệnh nhiễm và miễn dịch (Australia) khẳng định: “Vaccine tốt nhất là loại có sẵn mà bạn có thể tiêm ngay bây giờ”. Ngoài tác dụng giảm số người nhiễm virus, giảm số trường hợp bị biến chứng do mắc bệnh, vaccine phòng Covid-19 còn giúp giảm số bệnh nhân phải nhập viện điều trị và số ca tử vong. Và quan trọng hơn cả là giảm sự lây nhiễm cho các thành viên dễ tổn thương trong cộng đồng. Càng nhiều người được tiêm vaccine, cộng đồng càng được miễn dịch tốt hơn, do đó người dân không nên có tâm lý lựa chọn, chờ đợi vaccine theo ý muốn mà từ bỏ cơ hội được tiêm chủng sớm.

Duy Anh