Đưa văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh

- Thứ Tư, 08/09/2021, 05:26 - Chia sẻ
Tại cuộc làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2021, dự kiến kế hoạch công tác năm 2022 và 5 năm 2021 - 2025, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Bộ xác định cụ thể lộ trình, ưu tiên xây dựng các chính sách, pháp luật đặc thù, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước…

2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, lại trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19, không thể tổ chức các sự kiện, hoạt động có quy mô lớn. Vì thế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực văn hóa, từ đó lựa chọn, báo cáo, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cho từng năm và cả giai đoạn. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định: “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Vì thế, hoàn thiện thể chế pháp luật, cơ chế chính sách là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt”.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại cuộc làm việc với Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục
Ảnh: Nhật Linh

Phải có cách tiếp cận mới”

Lĩnh vực văn hóa gồm có 9 lĩnh vực chuyên ngành, hiện được điều chỉnh bởi 5 luật: Luật Điện ảnh, Luật Di sản văn hóa, Luật Quảng cáo, Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Thư viện. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá, hệ thống văn bản pháp luật đã tạo điều kiện cho Nhân dân - những chủ thể của văn hóa tham gia tích cực vào hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sáng tạo, người sử dụng và công chúng hưởng thụ văn hóa. Hệ thống pháp luật cũng góp phần thúc đẩy các nguồn lực xã hội hóa về văn hóa. Các công đoạn khác nhau của văn hóa trước đây chỉ thuộc trách nhiệm của Nhà nước (từ khâu sáng tạo, sản xuất đến phân phối) nay thu hút được sự tham gia của nhiều chủ thể khác nhau trong xã hội, thúc đẩy sự đa dạng trong loại hình, đem đến cho công chúng những món ăn tinh thần phong phú hơn…

Tuy vậy, do đối tượng quản lý rộng, đa dạng, đa ngành, đa lĩnh vực, trong khi hiện nay mới chỉ có 5 luật, nhiều quan hệ xã hội trong lĩnh vực văn hóa chỉ được điều chỉnh bằng nghị định (nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, văn hóa quần chúng, văn hóa dân tộc và tuyên truyền cổ động) và thông tư; riêng văn học chưa có văn bản pháp luật điều chỉnh trực tiếp. Vì thế hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước chưa cao.

Hệ thống pháp luật về văn hóa chưa thực sự tạo được nền tảng, hành lang pháp lý căn bản để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, chất lượng. Hiệu quả hoạt động văn hóa chưa tương xứng với yêu cầu, làm giảm đáng kể hiệu quả quản lý nhà nước của ngành, phát sinh nhiều bất cập trong hoạt động thực tiễn. “Phải có cách tiếp cận mới trong xây dựng pháp luật và chính sách văn hóa, trong đó quan điểm về vai trò thực sự của văn hóa trong phát triển cũng như quyền văn hóa phải được đặt ra như một nền tảng thực sự”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Xác định lộ trình cụ thể, lĩnh vực ưu tiên

Theo báo cáo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Chính phủ hồ sơ Luật Điện ảnh (sửa đổi), sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2; tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (phần nội dung quyền tác giả, quyền liên quan). Giai đoạn 2022 - 2026, dự kiến đề nghị sửa đổi Luật Di sản văn hóa, Luật Quảng cáo; xây dựng Luật Nghệ thuật biểu diễn và Luật Mỹ thuật.

Ngoài ra, Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng Nghị định về chế độ, chính sách cho văn nghệ sĩ; Nghị định quy định về đào tạo đặc thù trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Kế hoạch năm 2022 dự kiến xây dựng Nghị định về hoạt động văn học; Nghị định về kinh doanh trò chơi điện tử không kết nối mạng; Nghị định về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO đưa vào danh mục đại diện cho nhân loại và danh mục cần bảo vệ khẩn cấp…

Bên cạnh xây dựng pháp luật, Bộ đã chủ động phối hợp để cụ thể hóa Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 bằng Chiến lược Phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, đang chờ Thủ tướng phê duyệt. Điểm mới của Chiến lược này, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, là tiếp cận có trọng tâm, trọng điểm, lượng hóa, tính toán được, chọn những vấn đề có tính điểm nghẽn để tập trung nghiên cứu giải quyết (tiếp thu ý kiến của các địa phương, chuyên gia, nhà khoa học, người thực hành văn hóa). Về quy mô, tính chất, Chiến lược đặt ra công việc cho 10 năm tiếp theo, nhưng lựa chọn các vấn đề có tính cấp bách, tính toán phù hợp với điều kiện nguồn lực.

Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhận diện rõ vai trò, ý nghĩa quan trọng, những hạn chế, khó khăn, yêu cầu của nhiệm vụ xây dựng chính sách, pháp luật trong lĩnh vực văn hóa. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, số lượng văn bản mà Bộ đề xuất xây dựng khá lớn, phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan các vấn đề khó, nhạy cảm. Do đó, Thường trực Ủy ban đề nghị Bộ cần xác định cụ thể lộ trình, ưu tiên xây dựng các chính sách, pháp luật đặc thù tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy phát triển văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; phát triển văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số và triển khai thực hiện với sự quyết tâm cao, bảo đảm nguồn lực (tổ chức bộ máy, kinh phí...) để đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Anh Minh