Dựa trên nhu cầu, mong muốn của người dân

- Chủ Nhật, 08/08/2021, 15:10 - Chia sẻ
Từng tham gia dự án phát triển kinh tế - xã hội tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và hiện vẫn gắn bó với bà con khu vực này, chị Trương Thị Thu Thủy - chủ doanh nghiệp xã hội Chie - Dù pù dù pà ơi! - cho rằng, các dự án cần được thực hiện dựa trên mong muốn của đồng bào, phù hợp với văn hóa bản địa và chú ý tới tính bền vững, duy trì thành quả sau khi kết thúc.
Các xưởng sản xuất tại thôn bản - Nguồn: Chie - Dù pù dù pà ơi!
Các xưởng sản xuất tại thôn bản
Nguồn: Chie - Dù pù dù pà ơi!

Cam kết đầu ra cho sản phẩm

Năm 2009, chị Trương Thị Thu Thủy tham gia Dự án phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam do tổ chức JICA (Nhật Bản) tài trợ, hướng tới phát triển sinh kế một cách tự chủ dựa trên nguồn lực có sẵn cho đồng bào dân tộc thiểu số ở 4 tỉnh miền núi phía Bắc: Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình và Lai Châu. Dự án hỗ trợ người dân vùng cao chế biến các nông sản địa phương như trà, táo mèo ủ rượu, nước cam; và phát triển nghề thủ công truyền thống như dệt vải...

Tại các điểm được dự án chọn thực hiện, hầu như người dân đã bỏ nghề dệt từ lâu. Dự án tổ chức đóng lại khung cửi, mua sợi, mời người già khôi phục việc dệt, mua máy may và dạy may từ cơ bản đến nâng cao để cho ra các sản phẩm ứng dụng phù hợp với nhu cầu cuộc sống hiện nay. 

Dự án kết thúc năm 2011, nhưng đầu ra cho sản phẩm của người dân chưa ổn định khiến những người tham gia dự án suy nghĩ rất nhiều. “Các chuyên gia Nhật Bản động viên tôi làm việc tiếp với đồng bào, mở cửa hàng làm đầu ra cho sản phẩm, duy trì thành quả của dự án” - chị Thủy chia sẻ.

Từ sự khích lệ, giúp đỡ của những cán bộ thực hiện dự án JICA, chị Thủy đã mở cửa hàng tại Hà Nội để tiếp tục công việc kết nối thị trường với sản phẩm thủ công truyền thống của người dân Tây Bắc. Đến nay, Chie - Dù pù dù pà ơi! đã trở thành doanh nghiệp xã hội với mục đích bảo tồn - phát triển nghề dệt thủ công truyền thống nhằm tạo sinh kế bền vững cho chị em phụ nữ vùng cao. 

Chie - Dù pù dù pà ơi! tổ chức các lớp tập huấn miễn phí cho người dân về thêu, dệt, may, quản lý sản xuất…; phát triển đa dạng các sản phẩm mang tính ứng dụng cao từ vải dệt tay như phụ kiện thời trang, đồ dùng và trang trí trong gia đình bằng vải, quà lưu niệm...

"Chỉ khi bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, duy trì việc làm đều đặn, ổn định, thì người dân mới yên tâm tham gia lâu dài các dự án" - chị Thủy đúc kết.

Tôn trọng văn hóa bản địa

Chị Trương Thị Thu Thủy trao đổi với đồng bào về phát triển nghề dệt truyền thống- Nguồn: Chie - Dù pù dù pà ơi!
Chị Trương Thị Thu Thủy trao đổi với đồng bào về phát triển nghề dệt truyền thống
Nguồn: Chie - Dù pù dù pà ơi!

“Làm việc với đồng bào, tốn nhiều công nhất là giai đoạn tìm hiểu làm quen ban đầu. Nếu các nội dung của dự án xuất phát từ nhu cầu của người dân thì dễ thực hiện hơn, bằng không, dự án kết thúc là mọi hoạt động cũng dừng lại. Do đó, các dự án vừa làm vừa điều chỉnh, nhưng phải dựa trên mong muốn của đồng bào. Chẳng hạn, khi bắt đầu thực hiện Dự án phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam, tôi phải thuyết phục bà con đi học, nhưng đến khi phát triển du lịch, sản phẩm thủ công bán được nhiều, thu hút nhiều người làm nghề, đồng bào lại mời mình dạy” - chị Thủy kể.

Đồng bào một số dân tộc thiếu tính cam kết, cho dù đã nhận “đặt hàng”, nhưng nếu trong bản có lễ hội hoặc tang ma, sẽ không có sản phẩm đúng hẹn. Theo chị Thủy, đó là tập tục văn hóa truyền thống của đồng bào, mình phải tôn trọng và có cách ứng xử phù hợp. “Một số dân tộc rất coi trọng nghi lễ liên quan đến truyền thống tâm linh, nhất là với người Dao, nghi lễ tâm linh là bất khả xâm phạm, vì thế người thực hiện dự án phải tôn trọng. Một số thói quen của đồng bào thì sẽ dần chuyển biến trong quá trình cùng làm việc. Chẳng hạn, khi giúp bà con phát triển du lịch cộng đồng, chúng tôi lên bản nhặt rác, lúc đầu bà con thấy lạ, nhưng sau đó họ nhận thấy bản làng sạch sẽ hơn cũng hạn chế vứt rác bừa bãi và cùng đi nhặt rác...”.

12 năm cùng làm việc, ăn, ở với đồng bào nhiều dân tộc, chị Thủy cho rằng, để thực hiện các dự án hiệu quả, cả hai bên phải điều chỉnh, và những người làm dự án cần điều chỉnh nhiều hơn. Đặc biệt, người miền xuôi lên miền núi tránh có tâm lý đi giúp đồng bào, mà phải thấy đó là cùng làm việc, cùng chia sẻ. 

Chị Thủy mong muốn sẽ có nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được triển khai hiệu quả, mang tính bền vững, tác động tích cực tới đời sống của đồng bào; và những doanh nghiệp xã hội đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực này như Chie - Dù pù dù pà ơi! có cơ hội được tham gia các dự án đó để đem lại lợi ích tốt nhất cho cộng đồng.

Thảo Nguyên