Vĩnh Phúc hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam

Đưa pháp luật đất đai đến với nông dân

- Thứ Bảy, 07/11/2020, 08:50 - Chia sẻ
Tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức Hội thi Nông dân với pháp luật đất đai, thu hút 9 đội là đại diện nông dân các huyện và thành phố trong tỉnh tham dự. Là một trong những hoạt động nổi bật hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2020, hội thi là hoạt động ý nghĩa, thiết thực giúp nông dân có cơ hội tiếp cận và hiểu biết về những quy định của pháp luật trong cuộc sống thường nhật như đất đai, hôn nhân gia đình, khiếu nại tố cáo.

Lĩnh vực đất đai luôn nóng bỏng

Với đặc thù có địa thế nằm ở cửa ngõ phía Bắc Thủ đô Hà Nội, Vĩnh Phúc những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu trong thu hút đầu tư, vươn lên thành tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế cao, trong tốp đầu so với các địa phương trong cả nước. Trong quá trình phát triển, Vĩnh Phúc cần có mặt bằng để triển khai các dự án phát triển công nghiệp, đầu tư xây dựng hạ tầng, đô thị hóa, vấn đề thu hồi đất và giải phóng mặt bằng luôn là trở ngại cho các cấp chính quyền nơi đây. Bên cạnh đó, kinh tế - xã hội phát triển kéo theo những mặt trái khi tình trạng người dân lấn chiếm đất nông nghiệp, lâm nghiệp, tranh chấp đất… đang là những vấn đề nóng cần giải quyết.

Chính vì lẽ đó, một trong những hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm nay, tỉnh Vĩnh Phúc giao cho Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, các địa phương tổ chức cuộc thi Nông dân với pháp luật về đất đai. Giám đốc Sở Tư pháp Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Bắc cho biết: “Đây là hoạt động rất thiết thực trong tuyên truyền phổ biến pháp luật, bởi nông dân được cho là đối tượng ít có quan tâm tiếp cận với những quy định của pháp luật. Để chuẩn bị cuộc thi này, người tham gia cuộc thi đã có thời gian khoảng 2 tháng để nghiên cứu, tìm hiểu qua sách, mạng, tài liệu, chuyên gia… các quy định pháp luật về đất đai.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Trưởng ban Tổ chức Trần Duy Hưng cũng chia sẻ, cuộc thi được tổ chức xuất phát từ thực tế của địa phương, đã thu hút sự tham dự của tất cả cơ quan, địa phương, đặc biệt là hàng nghìn nông dân hồ hởi tham gia. Các tiểu phẩm được các đội dàn dựng và tập luyện đã chứa đựng những kiến thức pháp luật với các tình huống hàng ngày liên quan đến chính sách, pháp luật về đất đai, hôn nhân gia đình, khiếu nại tố cáo… Qua đó, giúp cho người nông dân nâng cao hiểu biết, vận dụng vào hoàn cảnh gia đình mình, địa phương mình, tiên phong tuyên truyền cho người xung quanh, góp phần ổn định an ninh trật tự thôn xóm, thúc đẩy kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển đi lên”.

Phần thi tiểu phẩm
Phần thi tiểu phẩm của Hội thi Nông dân với pháp luật đất đai

Cuộc thi Nông dân với pháp luật về đất đai được tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức từ cấp cơ sở, chọn lựa đội tiêu biểu nhất cấp huyện đi thi cấp tỉnh, trong thời gian dài, phong trào sôi nổi khắp tỉnh. Cuộc thi không chỉ cho đối tượng là nông dân, mà còn thu hút nhiều thành phần, đối tượng tham gia, cháu giúp ông vào tra cứu trên mạng, con giúp bố đi mua tài liệu, cán bộ giải thích cho nông dân những chỗ khúc mắc… nên có ý nghĩa lan tỏa, nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật về đất đai cho cán bộ, hội viên và nhiều thành phần xã hội. Từ cuộc thi này còn góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp hội trong triển khai các quy định của pháp luật về đất đai, tập hợp và vận động nông dân gần gũi hơn, đồng hành và ủng hộ các chính sách của chính quyền các cấp.

Nhờ cuộc thi tôi mới biết mình sai

Đó là chia sẻ của nông dân Trần Đức Mùi, 70 tuổi, thành viên Đội Nông dân huyện Tam Đảo dự thi. Theo ông Mùi, những năm qua xã Hợp Châu quê ông có những dự án nhà nước thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, do chưa hiểu biết đầy đủ các quy định về đất đai nên có một số việc làm đôi khi chưa phù hợp. Qua cuộc thi này, ông có 2 tháng tập dượt, tra cứu, tìm hiểu các quy định của pháp luật, chẳng những ông hiểu về luật đất đai mà còn các quy định pháp luật khác liên quan. Sau khi hiểu, ông Mùi còn đi tuyên truyền cho nông dân quê ông về các quy định trong giải phóng mặt bằng, nhất là về giá đền bù từng thời điểm khác nhau, mức giá các loại đất khác nhau… Còn với bác Khổng Văn Cần - Đội Nông dân huyện Vĩnh Tường, rất tự tin về chiến thắng của Đội, vì các thành viên của Đội đã dành mấy tháng tìm hiểu kỹ các quy định về Luật Đất đai 2013, Nghị định 91/2019 của Chính phủ, cũng như những vướng mắc trong thu hồi đất, quy trình thu hồi đất…

Các tiểu phẩm dự thi còn lồng ghép các nội dung quy định của pháp luật về đất đai liên quan đến tranh chấp hàng xóm, quyền thừa kế, giao dịch mua bán… Điển hình, tiểu phẩm “Cây bưởi đầu ngõ” của Đội Nông dân thành phố Phúc Yên với ý nghĩa để giải quyết các tranh chấp về cây cối giữa 2 người xóm giềng tối lửa tắt đèn có nhau, vừa hợp lý lại vừa hợp tình. Hoặc tiểu phẩm “Mảnh đất hương hỏa” của Đội Nông dân huyện Lập Thạch đã giúp người xem hiểu ra rằng quy định của pháp luật về quyền thừa kế về tài sản là đất đai của các con là như nhau, không phải như suy nghĩ của nhiều người là thuộc về con trai cả...

Ông Nguyễn Văn Bắc- Giám đốc Sở Tư pháp Vĩnh Phúc trao giải cho các đội
Ông Nguyễn Văn Bắc - Giám đốc Sở Tư pháp Vĩnh Phúc trao giải cho các đội

Cuộc thi đã khép lại với kết quả Đội Nông dân huyện Yên Lạc đoạt giải Nhất; Đội Nông dân thành phố Vĩnh Yên và Đội Nông dân huyện Vĩnh Tường đoạt giải Nhì; huyện Tam Dương, huyện Bình Xuyên, huyện Lập Thạch đoạt giải Ba... Tuy nhiên, ý nghĩa của cuộc thi không dừng lại ở đó. Qua cuộc thi, các kiến thức pháp luật về đất đai, nhất là những quy định về đền bù, giải phóng mặt bằng - luôn là điểm nóng của các địa phương - đã đến được với nông dân -  người gắn bó với đất đai. Hiểu để chấp hành những quy định của pháp luật; hiểu để cùng giám sát thực hiện pháp luật - đó cũng là đích đến của hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật. 

Tại cuộc mít tinh hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam do UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức ngày 6.11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang cho biết, tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đoàn thể, địa phương tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp, các chính sách pháp luật; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo chuyển biến sâu sắc trong xã hội về ý thức chấp hành pháp luật. Tích cực bồi dưỡng, nâng cao trình độ kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; đa dạng hóa và đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên các lĩnh vực liên quan mật thiết đến đời sống hằng ngày của nhân dân. Đặc biệt, tập trung phổ biến, giáo dục pháp luật đến đối tượng là học sinh, sinh viên, đối tượng đặc thù, góp phần đưa Hiến pháp, pháp luật vào cuộc sống.

 

Từ Thức