Nhìn lại Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Vận dụng tối đa chính sách đột phá được Quốc hội cho phép

- Thứ Năm, 27/10/2022, 06:11 - Chia sẻ

Đánh giá về việc triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội, ĐBQH HOÀNG VĂN CƯỜNG (TP. Hà Nội) cho rằng, thời gian tới, cần vận dụng tối đa những chính sách đột phá được Quốc hội cho phép thực hiện trong giai đoạn triển khai Nghị quyết này như: được tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư, thực hiện chỉ định thầu ở một số khâu…

Vừa hỗ trợ nguồn lực, vừa tạo niềm tin cho doanh nghiệp

- Qua gần một năm thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội, ông đánh giá như thế nào về các tác động từ Nghị quyết này?

- Nghị quyết 43 được Quốc hội ban hành tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất vào tháng 1.2022, khi mà nước ta vừa trải qua một đợt dịch bệnh Covid-19 bùng phát, có tác động nặng nề, kinh tế sụt giảm, người lao động mất việc làm, doanh nghiệp hết nguồn lực phát triển. Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Quốc hội đã thảo luận, xem xét thông qua Nghị quyết này bằng sự nắm bắt nhanh chóng và kịp thời những khó khăn của người dân, doanh nghiệp, qua đó tạo khuôn khổ để các cơ quan quản lý nhà nước hành động, có những chính sách thiết thực hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi. 

Có thể thấy, trong 9 tháng qua, nước ta đã đạt được những kết quả có thể nhận định là “kết quả phi thường”, trong đó có tác động của Nghị quyết 43 của Quốc hội. Bởi Nghị quyết này có nhiều chính sách, trong đó có một số chính sách đã được triển khai đưa vào cuộc sống ngay, giúp giảm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp. Điển hình đầu tiên là chính sách giảm thuế giá trị gia tăng giúp tất cả người dân đều được thụ hưởng, góp phần đưa sức mua trong dân tăng lên, qua đó tạo thị trường tiêu thụ cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Hay chính sách miễn giảm, giãn, hoãn nộp thuế cũng mang lại nguồn lực cho doanh nghiệp, vì họ tạm thời không phải mất thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục về thuế, có thể tập trung phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19.

Những chính sách nêu trên cho thấy, Quốc hội, Chính phủ luôn luôn đồng hành với người dân và doanh nghiệp, giúp họ bước qua khó khăn, qua đó tạo nguồn lực và động lực giúp họ có niềm tin đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. 

- Nghị quyết 43 được Quốc hội xác định chỉ thực hiện trong hai năm 2022 và 2023. Đến nay, theo ông việc thực hiện Nghị quyết cần lưu ý những vấn đề gì?

- Nghị quyết 43 có thời gian thực hiện trong hai năm, với quy mô không phải là nhỏ. Đặc biệt giải ngân vốn đầu tư công theo chính sách tại Nghị quyết 43 là nhiệm vụ nặng nề cho năm 2023, vì tiến độ thực hiện giải ngân thời gian qua chậm, buộc các nguồn lực đầu tư sẽ phải chuyển sang thực hiện trong năm tới. Do đó, ngay trong cuối năm 2022, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan phải chuẩn bị thật kỹ, thật tốt việc triển khai thực hiện, để sang năm 2023 khi được phân bổ vốn sẽ giải ngân ngay. Có như vậy, chúng ta mới kịp giải ngân xong trong vòng một năm tới.

Thời gian qua, công tác giải ngân vốn đầu tư công gặp nhiều vướng mắc, trong đó có sự chưa thống nhất giữa một số văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, tại Nghị quyết 43 của Quốc hội đã đặt ra những chính sách có tính đột phá. Thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần vận dụng tối đa những chính sách đột phá được Quốc hội cho phép thực hiện trong giai đoạn triển khai Nghị quyết này như: được tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư, thực hiện chỉ định thầu ở một số khâu… Tất nhiên, bên cạnh vận dụng tối đa các chính sách đột phá được Quốc hội cho phép thì các cơ quan chức năng phải tăng cường thông tin công khai, minh bạch để chúng ta dám quyết việc xử lý những khâu còn vướng mắc. Nếu chờ thỏa mãn hết các yêu cầu được quy định thì có thể giải quyết khâu này lại vướng ở khâu khác.

Bên cạnh đầu tư công, các cơ quan chức năng cũng cần quan tâm triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp. Gói hỗ trợ này nhận được sự kỳ vọng lớn của cộng đồng doanh nghiệp, nhưng hiện được triển khai rất ít.  Trong bối cảnh lãi suất cho vay cao, doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất sẽ đỡ đi phần gánh nặng. Do đó, chính sách này là rất cần thiết, có ý nghĩa quan trọng với doanh nghiệp. Trong năm 2023, các cơ quan chức năng cần phối hợp để tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận được chính sách này. 

Tích cực gỡ nút thắt để doanh nghiệp sớm tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất

- Thưa ông, những khó khăn nào cần tháo gỡ để doanh nghiệp sớm tiếp cận gói chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay?

- Có thể thấy, khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp trong tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất cho vay là ở tiêu chí được thụ hưởng. Nên nếu vẫn giữ những tiêu chí như hiện nay  thì họ sẽ không thể tiếp cận được. Cụ thể cần có quy định bảo đảm thực hiện song hành công tác cho vay và kiểm tra, giám sát, tránh cho doanh nghiệp rơi vào tình trạng hôm nay vay xong, nhưng sau này, khi kiểm tra lại thay đổi nhận định, khiến doanh nghiệp e ngại tiếp cận gói hỗ trợ.

Đặc biệt, cần tiến hành rà soát, sửa đổi những tiêu chí xác định các khoản vay được hưởng ưu đãi lãi suất cho vay, vì nếu yêu cầu doanh nghiệp vẫn phải có tài sản thế chấp, tài sản bảo đảm là rất khó với họ. Sau đại dịch vừa qua còn tài sản nào để thế chấp, thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn đang vướng vào những khoản nợ cũ chưa thanh toán được thì làm sao có được đủ điều kiện để vay mới? Cho vay trong điều kiện đặc biệt thì những điều kiện cho vay cũng phải thay đổi.

Dù về nguyên tắc sẽ không cho vay bằng mọi giá, nhưng cũng không nên chỉ căn cứ vào khả năng hoàn trả, thay vào đó có thể xét theo các hoạt động sử dụng vốn, khả năng giám sát dòng tiền. Khi doanh nghiệp vay có mục đích rõ ràng, có khả năng thu hồi, ngân hàng thương mại có thể giám sát được dòng tiền đó thì có thể triển khai dù không có tài sản thế chấp hay vẫn còn khoản nợ cũ.

- Các chính sách tài khóa có ý nghĩa như thế nào trong thực hiện hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, thưa ông?

- Trong thời gian qua, thực hiện song hành hai mục tiêu phòng chống dịch bệnh Covid-19 và phục hồi kinh tế, chúng ta đã sử dụng công cụ tài khóa có phần nổi trội hơn so với công cụ tiền tệ. Bởi, để hỗ trợ doanh nghiệp sẽ phải giảm lãi suất, nhưng để giữ tỷ giá buộc phải tăng cung tiền ra, nên dư địa cho chính sách tiền tệ không nhiều. Trong khi đó, mức nợ công của nước ta đã giảm khá thấp, bội chi liên tục giảm qua một số năm gần đây nên dư địa của chính sách tài khóa nhiều hơn.

Có thể thấy, trong năm 2023, áp lực lạm phát rất cao, tỷ giá biến động lớn, nên cơ quan chức năng sẽ có thể buộc lòng không thể giảm lãi suất cho vay. Nói cách khác, dư địa để thực hiện công cụ tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới không nhiều, vẫn phải tiếp tục dựa vào chính sách tài khóa. Trong đó, gói hỗ trợ lãi suất 2% có vai trò quan trọng, tức là ta dùng tài khóa để giúp doanh nghiệp được tiếp cận các nguồn vốn vay có lãi suất hợp lý hơn.  

- Xin cảm ơn ông!

Lê Bình thực hiện