Toan tính cho tương lai

- Thứ Năm, 27/10/2022, 05:56 - Chia sẻ

Hôm nay, Quốc hội bắt đầu phiên thảo luận 2 ngày về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách. Dù thành quả phục hồi là không thể phủ nhận, song những toan tính cho tương lai cần đặt trong bối cảnh nhiều rủi ro tiềm ẩn trong nội tại và từ môi trường kinh tế thế giới có thể tác động tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng của nước ta. Để vượt qua được bất ổn thì ít nhất phải ổn định được hai yếu tố: một là kinh tế vĩ mô, hai là niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Một năm trước, khi xem xét kế hoạch phát triển cho năm 2022, có lẽ rất ít đại biểu Quốc hội nghĩ đến kết quả tích cực đến vậy! GDP 9 tháng tăng 8,83%, ước cả năm đạt 8% - là mức cao của thế giới, vượt chỉ tiêu phấn đấu và đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đáng chú ý, đà phục hồi tăng trưởng được ghi nhận ở cả 3 khu vực của nền kinh tế và diễn ra khá đồng đều giữa các địa phương khi có 44/63 tỉnh, thành phố ghi nhận tốc độ tăng trưởng GRDP trên 6%; trong đó đứng đầu là Bắc Giang 23,9%, tiếp đến là Khánh Hòa với 20,48%.

Những con số trên phần nào biểu thị niềm tin mạnh mẽ của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vào các chính sách ổn định vĩ mô và phục hồi kinh tế mà Quốc hội đã kịp thời ban hành và Chính phủ tích cực triển khai; đồng thời cũng cho thấy sự linh hoạt, khả năng thích ứng nhanh chóng là điểm mạnh của cộng đồng doanh nghiệp và người dân nước ta.

Tuy nhiên, niềm vui chưa trọn khi những nút thắt về chất lượng tăng trưởng, khả năng hấp thụ vốn, hiệu quả đầu tư… vẫn chưa chuyển biến rõ nét. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội - chỉ tiêu duy nhất không đạt của năm nay lại chính là một chỉ tiêu rất quan trọng phản ánh khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Trong khi cả tăng trưởng kinh tế và GDP bình quân đầu người đều dự kiến vượt kế hoạch thì năng suất lao động chỉ tăng 4,7 - 5,2% (mục tiêu là 5,5%). Điều này cho thấy chất lượng nền kinh tế còn hạn chế, tăng trưởng còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố vốn và lao động.

Bên cạnh đó, giải ngân đầu tư công tiếp tục chậm; các dự án trọng điểm, dự án lớn đều đang chậm tiến độ… không chỉ tác động tiêu cực đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà còn làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển nhanh nhưng biến động mạnh và tiềm ẩn rủi ro. Các vụ việc xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông và những vụ việc khác vừa qua đã gây nhiều hệ lụy với việc phát triển bền vững thị trường vốn, đối với xã hội, gây mất niềm tin của người dân và nhà đầu tư. Áp lực lạm phát ngày một căng thẳng…

Đáng lo hơn khi rủi ro từ bên ngoài rất lớn, rất nhiều và có thể ảnh hưởng trực tiếp tới triển vọng tăng trưởng của nước ta như Ủy ban Kinh tế đã chỉ ra. Đó là rủi ro tăng trưởng kinh tế thế giới giảm tốc, nguy cơ suy thoái gia tăng; rủi ro lạm phát kéo dài, tăng cao do nguyên nhân từ cả phía cầu (các gói tài khóa - tiền tệ nới lỏng trong năm 2020 - 2021) và phía cung (đứt gãy nguồn cung, giá năng lượng tăng cao); rủi ro từ quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ được đẩy nhanh và dự báo còn kéo dài tới giữa hoặc cuối năm sau có thể gây ra đảo chiều dòng vốn và tăng gánh nặng trả nợ đối với nhiều nước đang phát triển.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ quyết định kế hoạch phát triển của năm tới. Nhìn vào nội tại và nhìn ra bên ngoài, những toan tính cho tương lai có thể phải bao gồm cả việc lên kịch bản ứng phó với nguy cơ đình trệ và lạm phát; đồng thời không thể thiếu hai giải pháp vô cùng quan trọng: đó là kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu của hệ thống tài chính, ngân hàng; củng cố vững chắc niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp và người dân vào các quyết sách đúng đắn của Nhà nước; vào sự minh bạch và sáng rõ của hệ thống chính sách, pháp luật; vào một môi trường kinh doanh thuận lợi... Ổn định được hai yếu tố đó, chúng ta sẽ đủ khả năng ứng phó với một tương lai đầy bất định.

Hà Lan