Tổng kết việc thực hiện khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV

Tác động to lớn đến phòng, chống dịch, ổn định đời sống nhân dân, phục hồi kinh tế

- Thứ Ba, 11/10/2022, 06:09 - Chia sẻ

Nhấn mạnh lại bối cảnh khi ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, đây là sáng kiến lập pháp rất quan trọng, thể hiện tính chủ động, tích cực, từ sớm, từ xa và sự phối hợp chặt chẽ giữa Quốc hội và Chính phủ. "Phải chăng đây là một trong những sáng kiến độc đáo của Việt Nam, thể hiện sự ưu việt của chế độ chúng ta cũng như sự lãnh đạo của Đảng? Nhiều nước nói muốn làm cũng không làm được", Chủ tịch Quốc hội chia sẻ. 

Sáng kiến lập pháp quan trọng của Quốc hội

​​​​Phải có các số liệu rất cụ thể, qua đó đánh giá được sự cần thiết, tính đúng đắn và tác động to lớn của Nghị quyết số 30 về phòng, chống dịch, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ cho phục hồi và tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều đoàn của chúng ta đi tham dự các hội nghị nghị viện đa phương khu vực và quốc tế, các Đoàn của Quốc hội đi nước ngoài và Đoàn nghị viện các nước sang thăm nước ta cũng trao đổi kinh nghiệm này, họ rất tâm đắc nhưng cũng nói rằng, không có nước nào trên thế giới làm như Việt Nam, không có nước nào trên thế giới có Nghị quyết như thế này. Phải chăng đây là một trong những sáng kiến độc đáo của Việt Nam, thể hiện sự ưu việt của chế độ chúng ta cũng như sự lãnh đạo của Đảng? Nhiều nước nói muốn làm cũng không làm được. Chúng ta phải đánh giá việc này. Tại sao bây giờ chúng ta tăng trưởng cao như thế, nếu không có việc này thì có kiểm soát được dịch bệnh không? Sau này Quốc hội còn có Nghị quyết số 43, Nghị quyết số 44 về hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế, nhưng nếu không có Nghị quyết số 30 này thì có được như thế không?

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV (Nghị quyết số 30 - PV) được ban hành trong bối cảnh đặc biệt, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, kéo dài trên diện rộng, thậm chí có thể nhận định là “chưa có tiền lệ”, số ca mắc, ca nhập viện tăng cao ở rất nhiều địa phương. Các quy định pháp luật, các cơ chế chính sách hiện hành trong thời kỳ này chưa bao phủ, chưa lường hết các diễn biễn của dịch bệnh... Trước điều kiện đó, ngay trong những ngày đầu diễn ra Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội đã thảo luận và biểu quyết thông qua việc điều chỉnh chương trình Kỳ họp, bổ sung vào chương trình nội dung về phòng, chống dịch Covid-19.

Nhắc lại bối cảnh ban hành Nghị quyết số 30 tại phiên họp chiều qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Quốc hội Khóa XV chấp nhận cho bổ sung nội dung này vào Chương trình Kỳ họp thứ Nhất khi chưa biết rõ “đã chuẩn bị được đến đâu”, thậm chí đến ngày khai mạc Kỳ họp cũng chưa có đề xuất chính sách từ Chính phủ. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Quốc hội, nỗ lực làm việc “cả ngày, cả đêm” của các cơ quan của Quốc hội, sự vào cuộc nhanh chóng của Chính phủ, các bộ, ngành, Nghị quyết số 30 đã được ban hành, với những quyết sách mạnh mẽ, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội được ban hành ngày 28.7.2021, thì chưa đến 10 ngày sau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 268/NQ-UBTVQH15 về việc cho phép Chính phủ ban hành nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của pháp luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. “Chủ tịch Quốc hội đã chỉ đạo rõ phải ra nghị quyết này, với 4 điểm cụ thể, dù phải làm cả ngày, cả đêm. Ủy ban Pháp luật làm xong chuyển cho Ủy ban Xã hội, tôi cũng sửa cả đêm. Từ xưa đến nay chưa bao giờ ra nghị quyết thế”, Phó Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.

Cùng với Nghị quyết 268/NQ-UBTVQH15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành 9 Nghị quyết khác, góp phần triển khai thực hiện các chính sách đồng bộ, kịp thời. Trong đó, một số nghị quyết được Chính phủ đề xuất đưa vào Phiên họp thường kỳ hàng tháng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo “phải họp ngay tối nhận được tài liệu Chính phủ trình ra”, “phải ra văn bản trước ngày này, ngày kia”. "Tinh thần này phải báo cáo ra tại Kỳ họp thứ Tư tới để Quốc hội biết là Chính phủ rất khẩn trương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất khẩn trương", Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói. 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ, các bộ, ngành địa phương chủ động, sáng tạo, linh hoạt thực hiện các biện pháp phòng chống dịch khi chưa từng có tiền lệ, đáp ứng yêu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, an toàn của người dân, góp phần từng bước phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; củng cố niềm tin của nhân dân đối với những quyết sách Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, phát huy sức mạnh, trí tuệ tập thể, quyết liệt, kiên trì, chủ động, sáng tạo, linh hoạt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; biểu dương tinh thần trách nhiệm, sự cống hiến, hy sinh thầm lặng của hàng trăm nghìn nhân viên y tế, cán bộ, chiến sỹ công an, quân đội, cùng đông đảo các lực lượng khác tham gia phòng, chống dịch bệnh này. 

Thống kê rõ nguồn lực và hiệu quả sử dụng

Cùng với những kết quả hết sức quan trọng đã đạt được, nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí với nhận định của Ủy ban Xã hội - cơ quan chủ trì thẩm tra - về việc nhiều nội dung trong Báo cáo của Chính phủ chưa cụ thể, còn định tính, chưa có số liệu, địa chỉ cụ thể. 

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, phạm vi nêu trong Báo cáo của Chính phủ còn rộng, chưa đúng trọng tâm, bởi Nghị quyết số 30 chỉ đề cập trực tiếp đến việc áp dụng các khoản 3.1, 3.2, 3.3, 3.4 và 3.8, chứ chưa phải là báo cáo tổng kết về công tác phòng, chống dịch. Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30, Quốc hội đã ban hành 6 Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 10 nghị quyết liên quan, do đó, Báo cáo của Chính phủ cần làm rõ kết quả thực hiện các chính sách, các nghị quyết này như thế nào. Chính phủ, các bộ, ngành cũng cần thống kê đã huy động nguồn lực tổng số là bao nhiêu tiền, tài khóa là bao nhiêu, tiền tệ là bao nhiêu, chuyển nguồn dùng cho phòng, chống dịch là bao nhiêu... Ngoài ra, cũng phải có số liệu cụ thể về việc đăng ký lưu hành thuốc kéo dài, thành lập bệnh viện dã chiến, huy động nguồn nhân lực trái ngành, trái nghề; triển khai thực hiện tiến hành việc khám bệnh từ xa…

Trong báo cáo của Chính phủ và một số phụ lục chưa rõ về sử dụng kinh phí cho từng năm, từng nguồn. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, tới đây, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách sẽ xây dựng bảng thống kê rõ nguồn lực huy động cho phòng, chống dịch Covid-19 được sử dụng cụ thể như thế nào, nêu rõ từ việc mua vaccine, mua trang thiết bị, vật tư y tế…

Có thể thấy, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tốt trên phạm vi toàn quốc, đời sống của nhân dân dần trở lại bình thường, các hoạt động kinh tế - xã hội đang từng bước phục hồi mạnh mẽ và đạt được những kết quả quan trọng đã khẳng định tính kịp thời, đúng đắn, hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các quyết sách của Quốc hội, việc ban hành chính sách của Chính phủ thời gian qua. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ ngành bổ sung số liệu, danh mục bảng biểu… để làm rõ quá trình thực hiện, kết quả đạt được, vì có như vậy mới thấy vai trò quan trọng của Nghị quyết số 30 của Quốc hội trong các kết quả nổi bật nước ta đạt được hôm nay.

Thanh Hải