Nhiệm vụ khó khăn...

- Thứ Bảy, 22/10/2022, 05:29 - Chia sẻ

Theo Nghị quyết số 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV thì trong năm nay phải giải quyết dứt điểm những vướng mắc, bất cập về trạm thu phí, dự án BOT...

Cụ thể, Nghị quyết nêu rõ, với lĩnh vực giao thông vận tải, rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về hình thức thu phí không dừng cho phù hợp với thực tiễn; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát chặt chẽ doanh thu, thu phí của các dự án BOT, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định. Trong năm 2022, giải quyết dứt điểm những vướng mắc, bất cập về trạm thu phí, dự án BOT, hoàn thành triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng và hệ thống kiểm soát doanh thu, thu phí đối với các trạm thu phí cho các dự án BOT trên cả nước...

Thời gian qua, có nhiều vướng mắc, bất cập cả khách quan và chủ quan xảy ra tại các dự án BOT trong lĩnh vực giao thông. Đương nhiên việc giải quyết là không dễ. Và một trong các phương án mà cơ quan chức năng, cụ thể là Bộ Giao thông Vận tải đưa ra là Nhà nước mua lại các dự án này. Đó là năm 2021, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất Nhà nước mua lại 7 dự án BOT bởi nhiều lý do như chưa có giải pháp để giải quyết các bất cập, vượt thẩm quyền. Dù nhà đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng nhưng chưa được thu phí, đã thu phí nhưng bị sụt giảm doanh thu do các nguyên nhân khách quan, không thể lường trước hoặc do thay đổi chính sách từ phía cơ quan nhà nước...

Mới đây nhất, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Chính phủ phương án xử lý vướng mắc, bất cập tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT do Bộ quản lý với khoản kinh phí sơ bộ khoảng 13.115 tỷ đồng. Đây là các dự án BOT đã hoàn thành đưa vào khai thác nhưng chưa được thu phí, không thể thu phí do mất an ninh trật tự, phương án tài chính bị phá vỡ hoặc dự án đã thu phí nhưng doanh thu thực tế chỉ đạt 30% so với hợp đồng. Nếu tiếp tục thu và áp dụng các biện pháp như tăng, kéo dài thời gian thu phí... phương án tài chính vẫn bị phá vỡ, dư nợ ngày càng tăng và dự án không thể tiếp tục thực hiện theo hợp đồng...

Về đề xuất Nhà nước mua lại các dự án BOT, ý kiến tán thành cho rằng đây là sự chia sẻ rủi ro của Nhà nước với doanh nghiệp. Vậy nhưng, cũng có nhiều ý kiến không tán thành bởi những lý do như có thể sẽ tạo tiền lệ xấu là cứ thua lỗ thì lại đề xuất Nhà nước đứng ra dùng ngân sách mua lại.

Đặc biệt, như trong Báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) gửi Quốc hội tại Kỳ họp thứ Mười một, Quốc hội Khóa XIV, Ủy ban Kinh tế từng nhấn mạnh rằng, trường hợp Nhà nước mua lại các dự án BOT sẽ tiềm ẩn nguy cơ thiếu minh bạch, dẫn đến hiệu ứng lan rộng tại các dự án khác, khiếu kiện, làm mất an ninh, trật tự, đồng thời gây áp lực cho ngân sách nhà nước và đi ngược với chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc huy động nguồn vốn xã hội hóa cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

Những vướng mắc tại các dự án BOT giao thông đã gây nhiều hệ lụy, với cả người dân, nhà đầu tư cũng như các đơn vị cấp vốn. Đây cũng có thể là lý do khiến thời gian qua, ít có dự án mới được triển khai. Bởi vậy, việc xử lý các vướng mắc, bất cập đã nêu trong Nghị quyết số 62/2022/QH15 là cần thiết. Thế nhưng với quỹ thời gian còn lại và với những khó khăn, vướng mắc đã và đang diễn ra, nhiệm vụ này là rất khó khăn...

Ninh Hà