Nhìn lại Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Hỗ trợ tích cực, kịp thời cho người dân, doanh nghiệp vượt khó

- Thứ Năm, 27/10/2022, 06:06 - Chia sẻ

Theo ĐBQH VŨ TIẾN LỘC, CHỦ TỊCH TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ VIỆT NAM, Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã hỗ trợ tích cực, thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ không chỉ trong năm 2022 mà còn cho cả nhiệm kỳ 5 năm 2021 - 2025. 

Tạo nguồn lực, củng cố niềm tin

- Sau gần 10 tháng từ khi Nghị quyết 43/2022/QH15 được Quốc hội thông qua, ông đánh giá như thế nào về Nghị quyết này?

- Tôi cho rằng, Nghị quyết 43 của Quốc hội đã tiếp tục đánh dấu sự đồng hành, sát cánh ăn ý, nhịp nhàng giữa Quốc hội và Chính phủ. Nghị quyết 43 được ban hành trong bối cảnh đất nước đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, vừa phải phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa phải tập trung phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 43 đã trao “thượng phương bảo kiếm” cho Chính phủ, để Chính phủ chủ động điều hành linh hoạt, kịp thời ứng phó với dịch bệnh, ổn định kinh tế vĩ mô và phát huy cao hơn nữa vai trò của chính quyền địa phương. Cụ thể, theo Nghị quyết 43, trong 2 năm 2022 và 2023, Quốc hội đã cho phép Thủ tướng Chính phủ xem xét phân cấp cho UBND cấp tỉnh của địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý và có văn bản đề xuất là cơ quan chủ quản thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc theo hình thức đầu tư công đi qua các địa bàn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. 

Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam Vũ Tiến Lộc

Với Nghị quyết 43, Quốc hội đã thể chế hóa rất kịp thời Kết luận của Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII; cùng với các nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư 6 dự án quan trọng quốc gia ngay trong 2 năm đầu tiên nhiệm kỳ Khóa XV của Quốc hội, góp phần tạo động lực, nguồn lực, củng cố niềm tin rất đúng lúc, kịp thời và mạnh mẽ, đồng thời hỗ trợ tích cực, thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội không chỉ trong năm 2022 mà cho cả nhiệm kỳ 5 năm 2021 - 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

- Theo ông, kết quả thực hiện Nghị quyết 43 có thể đánh giá trên các khía cạnh như thế nào? 

 - Nghị quyết 43 đi vào cuộc sống thông qua Chương trình hành động của Chính phủ và các biện pháp, giải pháp mà Chính phủ đang thực hiện. Chính phủ được triển khai những biện pháp chưa từng có trong tiền lệ, thậm chí, chưa từng có trong quy định của pháp luật. Ví như việc mua sắm thiết bị y tế, mua vaccine, triển khai tiêm chủng vaccine toàn dân, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân… Kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 chính là thực tiễn sinh động nhất cho hiệu lực, hiệu quả của Nghị quyết 43. Nước ta đã đạt được 14/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, áp lực lạm phát tăng cao tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam, nhưng kinh tế nước ta vẫn phục hồi và phát triển cao hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, tỷ giá, lãi suất vẫn được bảo đảm.

Tăng trưởng 6,5% năm 2023 - phải đẩy nhanh tiến độ, giải ngân gói hỗ trợ theo Nghị quyết 43 

- Xem xét ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thấu đáo, từ sớm, từ xa của Quốc hội để có được quyết sách đúng đắn, kịp thời đưa đất nước vượt qua khó khăn, thưa ông?

- Đúng vậy, các cơ chế, chính sách của Nghị quyết 43 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị kỹ lưỡng. Những kết quả kinh tế - xã hội trong 10 tháng năm nay có sự hỗ trợ rất lớn từ các chính sách của Nghị quyết 43.

Tuy nhiên, chúng ta không thể bằng lòng với những thành quả đã đạt được. Đất nước đang đứng trước nhiều cơ hội, nhưng song hành với đó cũng còn không ít thách thức. Đặc biệt trong năm 2023, dù có cơ hội để tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, Việt Nam đang là điểm đến, lựa chọn của các nhà đầu tư quốc tế, nhưng thị trường thế giới cũng đang bị thu hẹp, ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu của nước ta. Nhiều thị trường kinh tế trọng điểm trên thế giới đều suy giảm kinh tế, nhu cầu thị trường để các ngành hàng nước ta tiếp cận không còn lớn. Ở trong nước áp lực lạm phát tăng lên, đặt kinh tế và doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục tăng cường thực hiện có hiệu quả hơn nữa Nghị quyết 43 của Quốc hội.

- Với những khó khăn như vậy, ông thấy mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2023 như thế nào?

- Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 được Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp này là 6,5%. Đây là định hướng phấn đấu. Mục tiêu tăng trưởng này có đạt hay không phụ thuộc vào sự nỗ lực rất lớn của chúng ta và phụ thuộc cả vào thị trường thế giới. Nếu kinh tế thế giới tiếp tục suy giảm sâu hơn, xuất khẩu gặp khó khăn, sẽ ảnh hưởng ngay đến tăng trưởng. Bên cạnh đó, áp lực lạm phát trên thế giới tăng cũng đòi hỏi trong nước phải điều chỉnh chính sách tiền tệ cho phù hợp. Lạm phát tăng khiến lãi suất tăng, nguồn tiền - tức đầu vào của doanh nghiệp gặp khó, xuất khẩu - tức đầu ra của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng. Nếu các nước lớn trên thế giới kiềm chế tốt lạm phát, khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% sẽ cao hơn.

Tôi nhắc lại, vẫn phải đẩy nhanh tiến độ, giải ngân gói hỗ trợ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được Nghị quyết 43 đề ra, thực hiện tốt cải cách hành chính nhằm yểm trợ tốt hơn cho doanh nghiệp trong thời gian tới. 

- Xin cảm ơn ông!

Hoàng Ngọc thực hiện