Kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội

Đưa di sản đô thị thành điểm đến độc đáo

- Thứ Sáu, 09/10/2020, 08:50 - Chia sẻ
Mang đậm dấu ấn tiến trình phát triển hơn mười thế kỷ của Thăng Long - Hà Nội, khu phố cổ Hà Nội có vị trí đặc biệt trong nội đô lịch sử và cả thủ đô hiện nay. Di tích Quốc gia này vẫn đang đứng trước nhiều thách thức để có thể phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sống của người dân và thu hút khách du lịch.

Kho tàng giá trị vật thể và phi vật thể

Việc bảo tồn và phát huy giá trị khu phố cổ Hà Nội cần hướng tới nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, quan tâm cải tạo không gian sống, giãn dân những khu vực có mật độ cao… Theo KTS Đinh Đăng Hải, Tổ chức HealthBridge Canada, trong khu vực phố cổ hạn hẹp về quỹ đất công cộng thì việc chuyển đổi hoàn toàn hoặc tạm thời theo những khoảng thời gian nhất định các tính năng sử dụng của không gian đường phố cho xe cộ thành không gian công cộng phục vụ con người được cho là một giải pháp khả thi, có thể triển khai ngay mà không tốn kém chi phí.

Sáng 8.10, UBND quận Hoàn Kiếm, Hội Di sản Văn hóa Thăng Long - Hà Nội, Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội tổ chức hội thảo “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản khu phố cổ Hà Nội trong tiến trình phát triển Thăng Long- Hà Nội”. Các ý kiến tại hội thảo thống nhất rằng, đây là một di sản đô thị có kiến trúc độc đáo, với các phố nghề thủ công truyền thống, phố chuyên doanh, nhiều di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc gắn liền với lịch sử vùng đất Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

Hiện nay, khu phố cổ Hà Nội chứa đựng kho tàng giá trị vật thể (121 di tích, gồm 83 di tích lịch sử văn hóa, 30 di tích lịch sử cách mạng và 8 di tích khác; hiện có 25 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia) với đầy đủ các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng: đình, đền, chùa, hội quán, nhà thờ, miếu, am… cũng như các giá trị phi vật thể đa dạng, hấp dẫn (như các hoạt động sinh hoạt hàng ngày trên phố của người dân; ẩm thực; các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật dân gian; những lễ hội truyền thống…) đã góp phần làm nên dấu ấn Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Với những giá trị đặc sắc ấy, trong nhiều năm, công tác bảo tồn, tôn tạo khu phố cổ Hà Nội được quan tâm, cải tạo môi trường cảnh quan, bảo tồn các công trình có giá trị, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản phi vật thể qua việc khôi phục lễ hội truyền thống, bảo tồn văn hóa nghệ thuật, trình diễn nghề thủ công truyền thống… Theo KTS Nguyễn Quốc Thông, không thể phủ nhận thành công của các dự án bảo tồn, tôn tạo và chỉnh trang khu phố cổ Hà Nội, nhờ đó, nhiều di tích và không gian đô thị trong khu phố cổ Hà Nội đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, giao lưu nghệ thuật, giới thiệu nghề truyền thống gắn với phố nghề, làng nghề, góp phần phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của khu phố cổ Hà Nội; đồng thời, góp phần tạo dấu ấn cho du khách trong và ngoài nước khi tới thủ đô.

Tuy nhiên, PGS.TS Lương Tú Quyên, Khoa Quy hoạch đô thị - Nông thôn, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng, khó khăn, thách thức của bảo tồn khu Phố cổ Hà Nội hiện nay là việc đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về vật chất cũng như văn hóa, tinh thần của xã hội. Giữa bảo tồn các giá trị truyền thống với lợi nhuận kinh tế, yêu cầu tiện nghi của cuộc sống hiện đại là những mâu thuẫn khó có thể dung hòa qua các thời kỳ. Sự biến đổi nhanh chóng và đáng lo ngại của các công trình di tích trên các tuyến phố trung tâm sẽ ngày càng khó kiểm soát. Không gian kiến trúc cảnh quan các tuyến phố bị phá vỡ về tỷ lệ, đứt đoạn không liên tục, hình thái kiến trúc đặc trưng dần bị mai một là những thách thức lớn đối với khu phố cổ. Bên cạnh đó không ít công trình bị rơi vào quên lãng, không được chăm sóc suốt vài thập niên qua…

Song hành phát triển du lịch và bảo tồn, phát huy khu phố cổ  

Nguồn: ITN 

Tạo sức sống mới 

Nét khác biệt của khu phố cổ Hà Nội là lưu giữ những giá trị lịch sử - văn hóa được kết tinh qua chiều dài lịch sử hàng nghìn năm và nổi bật nhất là kiến trúc độc đáo. Theo nhiều chuyên gia, các giá trị độc đáo và quý giá ấy phải được nghiên cứu, khai thác để phục vụ phát triển du lịch thủ đô, nhưng hơn thế, thông qua du lịch cần bảo vệ và phát huy giá trị di sản trong đời sống đương đại.

Để nâng cao chất lượng không gian, kiến trúc cảnh quan, nâng tầm vị thế di sản khu phố cổ, PGS.TS.KTS Nguyễn Trúc Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho rằng, cần khai thác hiệu quả giá trị kiến trúc khu phố cổ như là một sản phẩm du lịch đặc thù có tính cạnh tranh cao; xây dựng một quy hoạch phù hợp với đặc thù các giá trị văn hóa và kiến trúc riêng có của phố cổ Hà Nội để tạo thành một điểm đến hấp dẫn và độc đáo; thường xuyên đánh giá các tác động của hoạt động du lịch đối với kiến trúc khu phố cổ Hà Nội, phát triển du lịch mới hài hòa với di sản và nhờ thế bảo vệ được các giá trị kiến trúc của di sản.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu kiến nghị, thời gian tới, quận Hoàn Kiếm cần sớm hoàn thành, phát triển các không gian văn hóa, dịch vụ, thương mại, du lịch, các tuyến phố đi bộ, tuyến phố trình diễn nghệ thuật, tuyến phố ẩm thực…; có kế hoạch tổ chức và duy trì thường xuyên, định kỳ có chọn lọc các hoạt động văn hóa - du lịch phù hợp diễn ra trong di sản, làm cho di sản phố cổ luôn có hoạt động sống; đầu tư tạo ra sản phẩm mới, kể những câu chuyện để du khách hiểu hơn về giá trị, ý nghĩa của khu phố cổ…

“Khu phố cổ Hà Nội là tài nguyên du lịch hấp dẫn, nếu biết lưu giữ, thổi hồn văn hóa, chắc chắn sẽ trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, tạo sức sống mới cho khu phố cổ” - PGS. TS Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia nhận định. Ông cũng gợi ý, có thể nâng tầm khu phố cổ Hà Nội bằng danh hiệu. Căn cứ vào những mặt giá trị tiêu biểu, nơi đây hoàn toàn xứng đáng được nâng cấp xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.  

Ngọc Phương