Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)

Đưa công tác khen thưởng đi vào thực chất

- Thứ Sáu, 29/10/2021, 05:47 - Chia sẻ
Thảo luận trực tuyến về dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội nêu rõ, việc bổ sung nguyên tắc “thành tích đến đâu khen thưởng đến đó” là cần thiết song vẫn chưa khắc phục được hoàn toàn tình trạng phải cộng dồn thành tích liên tục qua các năm như luật hiện hành. Do đó, cần nghiên cứu, rà soát các quy định về tiêu chuẩn khen thưởng này để hạn chế tối đa tình trạng cộng dồn thành tích, "nuôi" khen thưởng nhằm đưa công tác khen thưởng đi vào thực chất.

Tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm bớt thủ tục

Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở và không chỉ phạm vi trong bộ máy nhà nước mà bao gồm cả bên ngoài nhà nước. Chỉ ra điều này, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo đã rất công phu, nghiêm túc, bài bản trong quá trình xây dựng dự thảo luật. Quá trình tổng kết đã được tiến hành rất kỹ lưỡng, theo từng nhóm vấn đề, từng hoạt động, từng phong trào thi đua, từ đó đã chỉ ra được những vướng mắc, bất cập trong từng điều luật cụ thể. Công tác tiếp thu, giải trình ý kiến của các cơ quan và ý kiến của các ĐBQH được tiến hành rất nghiêm túc và khẩn trương.

Với những nỗ lực đó, theo ĐBQH, dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai lần này có rất nhiều nội dung "đổi mới và tiến bộ". Đặc biệt, dự thảo Luật đã hướng nhiều đến cơ sở, chú trọng khen thưởng cho những tập thể nhỏ và những người trực tiếp lao động. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung nhiều quy định để tháo gỡ vướng mắc đã chỉ ra nhằm khắc phục tính hình thức, chưa thực chất trong một số phong trào thi đua.

Một trong những đổi mới và tiến bộ đó, theo ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), dự thảo Luật đã thể hiện nhiều nội dung cải cách thủ tục hành chính trong công tác thi đua, khen thưởng. Thực tế, về hồ sơ xét khen thưởng, Luật hiện hành quy định rất nhiều tài liệu cũng như báo cáo thành tích, dẫn tới rườm rà về thủ tục và tốn rất nhiều thời gian. Dự thảo Luật lần này đã khắc phục hạn chế này bằng cách giảm bớt thủ tục cũng như các thành phần trong hồ sơ xét khen thưởng. Đối với báo cáo thành tích, dự thảo chỉ yêu cầu "tóm tắt nhất có thể", vì thành tích thực tế đã được tập thể công nhận và tôn vinh.

Hay như số lượng hồ sơ phải gửi tới các cơ quan có thẩm quyền, Luật hiện hành quy định đối với những hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Nước phải gửi 3 bộ hồ sơ bản chính; đối với những thẩm quyền thuộc Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thì phải gửi 2 bộ hồ sơ bản chính. Nhưng trong dự thảo Luật lần này đã cải tiến bằng cách quy định tất cả hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thì chỉ gửi duy nhất một bộ tới cơ quan chuyên môn để phục vụ cho việc thẩm định cũng như để lưu trữ sau này. Cùng với đó, theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, việc dự thảo Luật tăng từ 3 lên 10 trường hợp được xét khen thưởng theo hình thức đơn giản đã góp phần giản lược rất nhiều về vấn đề hồ sơ, thủ tục và thời hạn so với khen thưởng theo thành tích thông thường.

"Những điểm đổi mới này của dự thảo Luật sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí, giảm bớt các thủ tục và các loại báo cáo trong quá trình xét hồ sơ thi đua, kịp thời khen thưởng để tôn vinh những tập thể, cá nhân có thành tích trong quá trình công tác", đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhận định.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Vân thảo luận trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Bắc Ninh

Ảnh: Thanh Thương 

Hạn chế tối đa "cộng dồn thành tích, nuôi khen thưởng"

Một điểm mới nữa của dự thảo Luật lần này, đó là đã bổ sung nguyên tắc “thành tích đến đâu khen thưởng đến đó”. Theo ĐBQH Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre), quy định này sẽ làm "căn cứ cho việc xét tặng các hình thức khen thưởng trở về đúng với bản chất và bảo đảm gắn công trạng, thành tích với hình thức khen thưởng, tạo cơ hội bình đẳng cho các đối tượng là công nhân, nông dân, doanh nhân, trí thức. Đồng thời, khắc phục các hạn chế, bất cập trong việc thực hiện Luật hiện hành, như là việc cộng dồn, tích lũy thành tích, xây dựng lộ trình khen thưởng và có sự nhường nhau để cá nhân có thể đạt được danh hiệu thi đua cao hơn…". 

Ghi nhận sự thay đổi tích cực này, song qua nghiên cứu, ĐBQH Chamaléa Thị Thủy (Ninh Thuận), ĐBQH Quàng Thị Nguyệt (Điện Biên)… thì khi phân tích kỹ, quy định về tiêu chuẩn khen thưởng "vẫn phải cộng dồn thành tích liên tục qua các năm". Đơn cử, một trong các tiêu chuẩn được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất là đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì và 5 năm tiếp theo trở lên liên tục được công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong thời gian đó, có 3 năm trở lên được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có 2 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh. Theo đó, để 2 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh mất ít nhất 6 năm. Như vậy, "nếu không phấn đấu 2 lần liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh thì không đáp ứng được tiêu chuẩn khen thưởng danh hiệu này".

Đại biểu Quốc hội thảo luận trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Ảnh : Đoàn Dương 

Do đó, đại biểu Quàng Thị Nguyệt đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát các quy định về tiêu chuẩn khen thưởng để hạn chế tối đa tình trạng "cộng dồn thành tích, nuôi khen thưởng" nhằm đưa công tác khen thưởng đi vào thực chất, tạo động lực, động viên, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể phát huy truyền thống yêu nước, năng động, sáng tạo vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và là động lực cho sự phát triển.

Giải trình thêm những vấn đề ĐBQH quan tâm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, một trong những nguyên tắc của lần sửa đổi luật này, đó là phải bảo đảm được mối quan hệ giữa thi đua và khen thưởng. Trong thi đua có các danh hiệu thi đua, trong các hình thức khen thưởng cũng có danh hiệu thi đua. Đặc biệt, trong sửa đổi luật lần này đã hết sức chú trọng để bảo đảm "diện bao phủ rộng nhất thành tích đến đâu thì khen thưởng đến đó, khắc phục tình trạng khen thưởng nặng về cộng dồn thành tích, tích lũy thành tích, không công bằng và có thể nói một mặt nào đó còn tạo ra sự hình thức trong khen thưởng". Chính vì vậy, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, yêu cầu nêu trên đã được thiết kế một cách nhất quán, xuyên suốt, được thể hiện ngay từ nguyên tắc của thi đua, khen thưởng, nhất là đối với khen thưởng dự thảo nhấn mạnh rất rõ là "thành tích đến đâu thì khen thưởng đến đó". Bảo đảm thống nhất giữa hình thức, đối tượng khen thưởng, công trạng, thành tích và chú trọng khen thưởng cho khu vực ngoài nhà nước, cho người trực tiếp lao động, sản xuất, học tập, công tác chiến đấu. Cụ thể, dự thảo đã điều chỉnh, bổ sung loại hình khen thưởng. "Luật hiện hành chỉ có 5 loại hình khen thưởng, nhưng cũng chưa đầy đủ và chưa rõ, thì lần này đã đưa ra 6 loại hình khen thưởng, gồm có khen thưởng theo công trạng, khen thưởng đột xuất, khen thưởng theo phong trào thi đua, khen thưởng thành tích cống hiến, khen thưởng theo niên hạn và khen thưởng đối ngoại.

Trong 6 loại hình khen thưởng này đã định hình rất rõ theo hai đối tượng khen: một là đối tượng khen trong phong trào thi đua; hai là "thành tích đến đâu thì khen thưởng đến đó". Và "thành tích đến đâu khen thưởng đến đó" được nhóm lại ở 5 loại hình khen thưởng là công trạng, đột xuất, niên hạn, cống hiến và đối ngoại. Với cách thiết kế như vậy, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, thì tỷ trọng tiêu chuẩn khen thưởng theo nguyên tắc là "thành tích đến đâu khen thưởng đến đó" đã chiếm khoảng 3/4 trong các hình thức khen thưởng. Tuy nhiên, do đây là vấn đề mới, được thể hiện rất rõ trong dự thảo, nên tới đây, "chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung để làm sao bảo đảm quán triệt được đầy đủ nguyên tắc này một cách rõ hơn", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết.

Trung Thành