Mở visa để phục hồi du lịch

- Thứ Sáu, 10/03/2023, 15:00 - Chia sẻ

Tại Hội thảo "Mở visa, phục hồi du lịch" do báo Thanh Niên tổ chức ngày 10.3, tại TP Hồ Chí Minh, nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng các chuyên gia cho rằng khách quốc tế có vai trò quan trọng trong cơ cấu doanh thu của ngành du lịch. Chính sách thị thực (visa) không phải là nút thắt duy nhất nhưng là nút thắt đầu tiên cần tháo gỡ để thu hút du khách quốc tế.

Khách quốc tế “ngại” đến Việt Nam vì visa?

Theo Tổng cục Du lịch, năm 2019, doanh thu từ khách quốc tế chiếm 18,3 tỷ USD trong tổng doanh thu 32,8 tỷ USD của toàn ngành. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, Việt Nam sớm mở cửa du lịch nhưng phục hồi chậm. Năm 2022, nước ta đặt mục tiêu thu hút 5 triệu khách quốc tế nhưng chỉ đạt 3,5 triệu.

Năm 2023, Việt Nam lên kế hoạch thu hút 8 triệu du khách quốc tế, trong khi Thái Lan đặt mục tiêu đón gần 30 triệu lượt. Nhiều ý kiến cho rằng đây là con số “giật mình”. Giải thích khoảng cách này, TS. Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch cho rằng, trong một thời gian rất dài hệ thống sản phẩm du lịch của Việt Nam hầu như không thay đổi, chưa có nhiều sản phẩm khác biệt. Hay như phát triển kinh tế đêm, dù Việt Nam đã có một chút cởi mở nhưng vẫn chưa phát triển được. Khách quốc tế đến Việt Nam chi tiêu khoảng 7,5 USD/người/đêm trong khi ở Thái Lan họ chi hơn 30 USD/người/đêm và ở Singapore là hơn 100 USD...

Tuy nhiên, theo TS. Phạm Trung Lương, visa là yếu tố rất quan trọng và cần được giải quyết đầu tiên. Hiện chỉ có 13 quốc gia được miễn thị thực nhập cảnh vào Việt Nam và thời gian lưu trú quá ngắn. Nếu các bộ, ngành không quyết liệt cởi mở chính sách visa, mở thêm nhiều đường bay thẳng thì tình hình khó cải thiện.

Cùng quan điểm, TS. Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch cho rằng chính sách visa không phải là vướng mắc duy nhất nhưng chính sách visa cởi mở đi cùng với quảng bá du lịch hiệu quả sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, mang thêm ngoại tệ vào đất nước.

Chính sách visa là công cụ cạnh tranh

Nếu chúng ta cứ đi lùi thì ngành hàng không và du lịch Việt Nam rất nguy hiểm. Bởi sức khỏe tài chính của doanh nghiệp “sầu” lắm. Hàng nghìn doanh nghiệp du lịch, khách sạn, điểm tham quan, vui chơi giải trí vắng khách du lịch quốc tế, lâm vào thua lỗ nặng nề, nợ nần chồng chất, cắt giảm lao động. Nhiều khách sạn được chào bán để trả nợ ngân hàng”, TS. Lương Hoài Nam nhấn mạnh.

Theo ông Nam, nên coi chính sách visa là công cụ cạnh tranh du lịch điểm đến quốc tế của Việt Nam. Theo đó, nên miễn visa cho toàn bộ các nước khu vực châu Âu (EU); Canada, Australia, NewZealand, đặc biệt là Kazakhstan; các quốc gia Trung Đông, Tây Á… Với một số nước lớn như Mỹ, Trung Quốc… chưa miễn visa được thì đàm phán để có cơ chế visa dài hạn song phương 5 - 10 năm. Thời gian miễn visa nâng lên 30 - 45 ngày, 90 ngày càng tốt để du khách ra vào nhiều lần chứ không phải một lần.

Mở visa để phục hồi du lịch -0
Bà Trần Nguyện, Phó Tổng giám đốc Khối Sun World - Tập đoàn Sun Group phát biểu tại Hội thảo. Nguồn: toquoc.vn

Cùng với đó, ông Nam đề xuất miễn visa cho khách đoàn vào Việt Nam theo các sự kiện MICE, sự kiện golf với sự xác nhận của đơn vị tổ chức; khách, phi hành đoàn đến bằng máy bay riêng… Đồng thời, m rộng danh sách các nước có công dân được cấp thị thực điện tử vào Việt Nam; ứng dụng nhanh công nghệ nhận diện khuôn mặt, máy đọc hộ chiếu trong công tác quản lý xuất, nhập cảnh.

Từ thực tế xúc tiến du lịch, Phó Tổng giám đốc Thương mại Vietnam Airlines Trịnh Ngọc Thành cho biết, cùng khu vực Đông Nam Á khi cạnh tranh điểm đến, du khách sẽ chọn lựa nước nào dễ nhất về visa. Những nước miễn visa, có đường bay thẳng thì trong 3 năm, lượng khách tăng gấp đôi chứ không phải tăng trung bình 5 - 10%. "Nếu chúng ta cứ để diễn ra tuần tự, không làm gì thì sẽ rơi vào khó khăn, trì trệ trong 2 năm tiếp theo. Còn nếu chúng ta tích cực tìm phương án, tôi nghĩ đến cuối năm nay sẽ thoát khỏi những khó khăn", ông nói.

Trúc Oanh
#