Khoảng trống nhân lực du lịch

- Thứ Sáu, 20/05/2022, 07:10 - Chia sẻ

Các doanh nghiệp du lịch đang gặp khó khăn trong việc "tập hợp đội ngũ" sau 2 năm mỗi người mỗi nơi, mỗi việc vì dịch bệnh. Đào tạo nhân lực ngành du lịch cũng đối diện nhiều thách thức về khả năng thu hút người học và chất lượng đào tạo.

Thiếu hụt lao động du lịch

Tổng cục Du lịch cho biết, dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến 2,5 triệu lao động ngành du lịch, trong đó có 800.000 lao động trực tiếp. Trong số lao động du lịch mất việc và phải chuyển nghề, 43,66% có thâm niên 5 - 10 năm; 23,56% thâm niên trên 10 năm. Số  hướng dẫn viên chuyển nghề lên đến hơn 70%.

Tại TP. Hồ Chí Minh, trung tâm du lịch lớn của cả nước, dịch bệnh khiến 80% nhân lực du lịch phải nghỉ việc. Hàng năm, thành phố có hơn 12.000 người được đào tạo về du lịch trong các bậc học nhưng chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu. Hiện, thành phố có 140.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch, 15% trình độ đại học, 50% trình độ cao đẳng, trung cấp.

Ông Nguyễn Văn Lượng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Du lịch - Công nghệ số 9, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, trong 2 năm qua, lao động ngành du lịch chuyển đổi sang nhiều lĩnh vực khác. Vì vậy du lịch phục hồi, các doanh nghiệp rất khó khăn trong việc tập hợp nhân lực. Không chỉ thiếu về “lượng”,  “chất” của nhân lực du lịch cũng phần nào yếu theo thời gian do hoạt động cầm chừng, ít đầu tư. Theo ông Lượng, ngành du lịch có khoảng trống rất lớn về nhân lực.

Thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch thể hiện rõ qua các kỳ tuyển sinh. PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, năm 2018 tỷ lệ chọi vào khoa là trên 80, đến năm 2022 chỉ còn 34. Khoa Du lịch. Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh năm 2021 tuyển 320 sinh viên, dự kiến năm nay chỉ tiêu là 240 sinh viên. 

7-15468487676671081408285-164696-1653018939880.png
Muốn khôi phục du lịch nhanh chóng cần giải quyết bài toán về nhân lực
Nguồn: ITN

Chú trọng liên kết doanh nghiệp và cơ sở đào tạo

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt Đề án Phát triển nguồn nhân lực du lịch thích ứng với tác động của đại dịch Covid-19 giai đoạn 2021 - 2030. Đề án sẽ hình thành cơ sở dữ liệu về nguồn nhân lực du lịch làm căn cứ để quản lý, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch cho từng giai đoạn cụ thể.

Trong bối cảnh Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn du lịch, để bảo đảm được nguồn nhân lực, theo PGS.TS. Phạm Hồng Long, trách nhiệm của các trường đại học phải chỉ rõ cho người học thấy nhu cầu thực tế về nhân sự ngành du lịch là rất lớn. Bên cạnh đó, đẩy mạnh truyền thông trên các nền tảng như Youtube, Tiktok, Instagram, Facebook… để tuyển sinh hiệu quả nhất, tốt nhất. Các trường cần tiến hành khảo sát để xác định định hướng nghề nghiệp của sinh viên bởi ngành du lịch có rất nhiều vị trí khác nhau. Cùng với đó, phải đổi mới chương trình đào tạo theo hướng  tăng thực hành, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số…

Doanh nghiệp cũng cần có chiến lược ưu tiên, phối kết hợp với các cơ sở đào tạo tốt hơn. Trước đây, khi sinh viên đi thực tập, doanh nghiệp thiếu quan tâm hỗ trợ nên khó có sự gắn bó lâu dài. Vấn đề này phải sớm thay đổi, hỗ trợ tốt thì sẽ thu hút được lực lượng lớn sinh viên tham gia. Cơ quan quản lý nhà nước nên có chính sách liên quan đến công tác tuyển sinh, phân bổ tuyển sinh trong ngành du lịch trong giai đoạn nhất định.

Ông Nguyễn Văn Lượng cho rằng, cần sớm có chính sách hỗ trợ công tác đào tạo, quản lý nhân lực du lịch. Các cơ sở du lịch cần tăng cường đào tạo chuyên sâu, có môi trường làm việc chuyên nghiệp và những chính sách đãi ngộ tốt hơn với người lao động. Về vấn đề liên kết, ông Lượng nhấn mạnh, cơ sở đào tạo không thể tách rời với doanh nghiệp. Nhà trường cần chú trọng phối kết hợp với doanh nghiệp để đào tạo nhân lực hiệu quả.

“Liên kết rất cần thiết nhưng khâu này còn khá yếu. Tài sản lớn nhất của doanh nghiệp là nhân lực, vì vậy doanh nghiệp phải đầu tư vào tài nguyên đó. Không chỉ tham gia xây dựng khung chương trình, tham gia hội đồng trường… mà phải coi như một khâu của quá trình đào tạo”, PGS.TS. Ngô Văn Hà, trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng nhấn mạnh.

Theo ông Hà cần có cơ chế, chính sách phù hợp tạo ra bước đột phá về liên kết để đào tạo nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu. Sau dịch, cần nghiên cứu thị trường để định hướng hoạt động liên kết, đào tạo, hướng tới lao động du lịch vừa có chất, vừa có lượng. "Hai bên nên phối hợp xây dựng khung chương trình đào tạo theo hướng giảm lý thuyết, tăng thực hành. Ngoài ra, tăng cường hơn nữa vai trò của Hiệp hội Du lịch và doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực", ông Hà đề xuất.

Hạnh Nhung