Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển

Đúng thời, đúng thế, đúng khát vọng

- Thứ Hai, 27/12/2021, 06:40 - Chia sẻ
Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi bối cảnh và xu thế phát triển du lịch của thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng. Tại Hội thảo Du lịch 2021, nhiều ý kiến cho đây là thời điểm chúng ta cần tư duy lại, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, chất lượng cao; có giải pháp xây dựng sản phẩm mới, nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển trong thời gian tới.
Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo Du lịch 2021 - Ảnh: Q.Khánh
Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo Du lịch 2021
Ảnh: Q.Khánh

Thay đổi căn bản tư duy làm du lịch

Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thời gian qua du lịch Việt Nam đã phục hồi và phát triển, nhưng ở trong một thế giới đổi thay và bất định. Chúng ta đã trăn trở nhiều năm nay về vấn đề du lịch phải là ngành mũi nhọn mà chưa nhọn. "Phải thay đổi tư duy căn bản về ngành này trong chính sách, để ngành du lịch phát triển đúng thời, đúng thế, đúng khát vọng phát triển của đất nước. Điều này không thể nói chơi!" - ông Trần Đình Thiên nói.

Ông Thiên cho rằng, có hai rào cản đối với sự phát triển du lịch Việt Nam hiện nay: Thủ tục hành chính quá phức tạp và văn hóa kinh doanh. Du lịch là ngành mang tính liên kết cao, tuy nhiên, ở Việt Nam vẫn mạnh ai nấy làm. Trong khi Việt Nam có các cụm du lịch tuyệt vời như Huế - Đà Nẵng - Hội An, Hải Phòng - Quảng Ninh..., nếu du lịch phát triển có thể đảo ngược tình thế phát triển của cả vùng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trực tiếp là Tổng cục Du lịch, cần kết nối hình thành các cụm du lịch thể hiện tính liên kết vùng, gắn với hàng không, hạ tầng du lịch.

Đồng quan điểm cho rằng, “du lịch sổ mũi thì một loạt ngành khác hắt hơi”, theo ông Phạm Hồng Long, Trưởng Khoa Du lịch, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, giải pháp đầu tiên là liên kết các bên - chìa khóa để mở ra chiến lược, hành động phát triển du lịch Việt Nam. Đây cũng là 1 trong 12 bài học mà Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới đã đưa ra.

Bà Trần Nguyện, Tập đoàn Sun Group, thì nhận định, hậu Covid-19 là cơ hội để tái định vị ngành du lịch. Với thị trường nội địa, cần khai thác hiệu quả hơn, như năm 2019 chúng ta phục vụ trên 85 triệu lượt khách du lịch nội địa, cho thấy còn nhiều dư địa. Ở thị trường quốc tế, có thể cạnh tranh và vượt lên thị trường của nhiều nước, làm sao để du khách đến Việt Nam không phải vì rẻ, mà vì đẳng cấp, chất lượng khác biệt. 

“Nếu chỉ dựa vào thiên nhiên sẵn có và khai thác thì du lịch không thể bền vững. Hơn nữa, phải làm cho khách quốc tế thấy dịch vụ của Việt Nam bài bản, văn minh, chuyên nghiệp. Chúng ta không thể thu hút khách du lịch bằng giảm giá, mà phải xây dựng lại sản phẩm, tạo combo liên kết gia tăng trải nghiệm và cảm xúc cho khách hàng. Khoảng 10 - 15% khách nội địa là trung lưu và cận giàu, họ cũng mong muốn trải nghiệm dịch vụ du lịch trọn vẹn, chất lượng cao, chứ không phải chỉ đi và check-in”, bà Trần Nguyện chia sẻ.

Phát triển nhanh, mạnh và bền vững

Nói về định hướng phát triển du lịch Việt Nam, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, đó phải là phát triển nhanh, mạnh và bền vững. Để đạt mục tiêu này, ngành du lịch cần triển khai một số nhiệm vụ. Trước hết, chuẩn bị để thu hút lại lực lượng lao động có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành. Song song với đó là phát triển sản phẩm đặc thù, tiêu biểu, có năng lực cạnh tranh; sản phẩm cần dựa trên sự khác biệt về tiềm năng, lợi thế của Việt Nam là du lịch văn hóa, du lịch về với thiên nhiên.

“Ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, kỹ thuật của ngành để có khả năng kết nối điểm du lịch với thị trường khách du lịch, vốn là điểm yếu cần khắc phục để bật tăng mạnh mẽ. Bên cạnh đó, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của ngành; rà soát văn bản về thành lập Văn phòng Xúc tiến du lịch quốc gia tại nước ngoài. Đặc biệt, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch như visa. Tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để phát triển du lịch thông minh, tạo sản phẩm du lịch bền vững”, ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết thêm.

Ở cấp doanh nghiệp, bà Ngô Hương chia sẻ kinh nghiệm của Vinpearl để hướng đến phục hồi và phát triển bền vững. Theo đó, tập trung vào 3 mục tiêu trọng tâm: Xây dựng điểm đến quốc tế; phát triển sản phẩm đẳng cấp và đa dạng; đón khách an toàn và duy trì tâm thế luôn sẵn sàng thích ứng với bối cảnh "bình thường mới".

Vinpearl hướng tới phát triển các điểm đến du lịch cao cấp tầm cỡ sánh ngang với Jeju (Hàn Quốc), Sensota (Singapore)… ghi tên Việt Nam vào bản đồ điểm đến toàn cầu. Không ngừng nâng cấp sản phẩm, đón đầu xu hướng mới, thiết kế trải nghiệm riêng biệt phù hợp nhu cầu và sở thích mới mẻ cho du khách, chẳng hạn, kết hợp với Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn VinBigdata cho ra mắt ứng dụng "Quản gia thông minh" (Smart Butler) để hỗ trợ tư vấn, giải đáp thắc mắc khách hàng, thông tin về nhà hàng, khu vui chơi giải trí...

"Trong bối cảnh bình thường mới, chúng tôi xác định cần có sự chuẩn bị và đón tiếp kỹ lưỡng, phát huy tối đa sức mạnh dịch vụ của hệ thống và luôn bảo đảm tuân thủ theo quy trình hướng dẫn đồng bộ. Tiêu chí về sự an toàn của du khách là ưu tiên hàng đầu trong tất cả hoạt động. Trên toàn hệ thống, chúng tôi luôn duy trì kích hoạt lá chắn ba lớp kiểm soát tối đa 24/7, bảo đảm quy trình vệ sinh phòng dịch nâng cao. 100% nhân viên Vinpearl trực tiếp phục vụ du khách đã tiêm vaccine, được đào tạo đặc biệt và chuyên sâu về bảo hộ, bảo đảm an toàn… để hướng dẫn và phục vụ khách du lịch với yêu cầu về an toàn cao nhất", bà Ngô Hương thông tin.

Hương Sen