SEA Games 31

Tiếp sức cho vận động viên

- Chủ Nhật, 15/05/2022, 06:40 - Chia sẻ

Hai ngày cuối tuần vừa qua là hai ngày thi đấu bùng nổ của thể thao Việt Nam tại SEA Games 31. Quốc kỳ Việt Nam liên tục được kéo lên trong tiếng Quốc ca hùng hồn. Nhiều vận động viên chia sẻ rằng, thành tích họ lập được một phần là nhờ sự cổ vũ không ngớt của khán giả nhà.

Xúc động và tự hào

“Giây phút xúc động nhất là khi lá cờ Việt Nam được kéo lên ở vị trí cao nhất, cả khán đài hát vang bài Quốc ca. Cảm xúc thiêng liêng, niềm tự hào dân tộc dâng trào” - chị Cao Minh Minh (Hà Nội) chia sẻ sau khi cùng các con chứng kiến vận động viên điền kinh Việt Nam liên tục lập công tại sân vận động Quốc gia Mỹ Đình chiều ngày 15.5.

Không chỉ mẹ con chị Minh, nhiều người Hà Nội những ngày qua đã được trải nghiệm không khí sôi động của ngày hội thể thao lớn nhất khu vực, đến nhà thi đấu, sân vận động trực tiếp cổ vũ cho các vận động viên mà mình yêu mến, nhất là các vận động viên Việt Nam. Anh Vũ Hải Nam (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Tôi tìm hiểu lịch thi đấu, biết môn điền kinh diễn ra tại sân vận động Quốc gia Mỹ Đình nên đã sắp xếp đưa cả nhà đến xem. Tôi rất thích điền kinh nói chung và môn nhảy sào nói riêng. Đây là lần đầu tiên tôi được xem trực tiếp hai nội dung này tại sân Mỹ Đình, cảm thấy rất phấn khích. Các con tôi cũng có được trải nghiệm đáng nhớ. Vui và ý nghĩa nhất là khi vận động viên Việt Nam đứng trên bậc cao nhất trong Lễ trao giải. Các con tôi như được có thêm bài học về tinh thần và nghị lực vậy”.

Nhiều cổ động viên bày tỏ sự vui mừng khi được trực tiếp cổ vũ cho các vận động viên trong những ngày này. “Chúng tôi muốn gửi lời chúc đến các vận động viên, đặc biệt là các tuyển thủ Việt Nam, hãy quyết tâm thi đấu hết mình, trung thực, cao thượng, mang vinh quang về cho Tổ quốc”, bà Nguyễn Thị Hường (Đống Đa, Hà Nội) phấn khởi. Trên các khán đài, rất nhiều học sinh, sinh viên trong trang phục áo đỏ, tay cầm cờ đỏ sao vàng hào hứng cổ vũ với niềm vinh dự và tự hào. Đây cũng là dịp để các em hiểu thêm về văn hóa các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Chia sẻ niềm vui chung của các cổ động viên, anh Nguyễn Khánh (Phúc Thọ, Hà Nội) cho biết đã chờ đợi SEA Games từ mấy tháng nay, một phần vì thích không khí các trận thi đấu, hơn nữa, anh cũng mong muốn làm dịch vụ dịp này. “Từ sáng đến chiều, tôi bán được hơn 600 băng rôn, cờ cổ vũ cho khán giả đến sân Mỹ Đình. Khán giả đến xem trực tiếp, cổ vũ nhiệt tình sẽ là nguồn động lực cho các vận động viên thi đấu tốt hơn, bứt phá hơn, cũng giúp tôi có thêm thu nhập”, anh Khánh nói.

cdv_1311-1652620902373.jpg
Trải nghiệm đáng nhớ với nhiều cổ động viên nhỏ tuổi
Ảnh: Trần Việt

Lan tỏa tinh thần SEA Games 31

Sự cổ vũ của người hâm mộ như tiếp thêm sức mạnh cho các vận động viên, nhất là khi bố mẹ, người thân cũng có mặt thì niềm hạnh phúc càng lớn lao. Nguyễn Thị Thu Trang, vận động viên đội tuyển cầu mây Việt Nam, tâm sự như vậy khi được bố mẹ, hai chị gái, cô chú ruột cùng các cháu từ Bắc Giang xuống Hà Nội cổ vũ. Cả nhà đều hy vọng Trang sẽ ghi dấu ấn cho thể thao Bắc Giang và Việt Nam. “Ba ngày nay, từ khi con gái tôi bước vào ngày thi đấu đầu tiên của môn cầu mây, ngày nào gia đình tôi cũng thuê một chuyến xe từ Bắc Giang về Hà Nội để cổ vũ. Đây là lần đầu tiên tôi và gia đình đi ủng hộ cháu thi đấu tại SEA Games. Giải đấu ở trong nước nên chúng tôi còn đi cổ vũ được, ở nước ngoài thì xa xôi quá không có điều kiện”, ông Nguyễn Kim Thanh, bố của Nguyễn Thị Thu Trang chia sẻ.

Vũ Thị Ngọc Hà, HCB nhảy 3 bước nữ môn điền kinh, cũng có niềm hạnh phúc tương tự khi cô được bố mẹ, ông, bác, cô, dì, cậu... “rồng rắn” từ Hà Nam lên Hà Nội để cổ vũ trong buổi thi đấu chiều 14.5. Ông Vũ Văn Tuyên, bố của Vũ Thị Ngọc Hà cho biết: "Gia đình lên đây từ hơn 1 giờ, đến trước 3 tiếng đồng hồ, vừa để tham quan và cổ vũ". Tuy lễ trao giải diễn ra khá muộn song cả gia đình đều nán lại đến cuối ngày thi đấu để được chia vui cùng với Ngọc Hà. 

Với tinh thần vì màu cờ sắc áo, tay cầm băng rôn, nét mặt phấn chấn, ông Nguyễn Văn Tịch, 74 tuổi (Đội Cấn, Hà Nội), nhớ lại, năm 2003, lần đầu tiên Việt Nam đăng cai SEA Games, nhà nhà nhắc đến SEA Games, người người hân hoan về một đại hội thể thao tầm khu vực. “Sau gần 20 năm, Việt Nam lại tổ chức SEA Games, tôi thấy không khí hân hoan không kém năm 2003, thậm chí còn náo nhiệt hơn, khi một thời gian dài, dịch bệnh khiến các hoạt động văn hóa, thể thao lớn không thể diễn ra. Đến sân vận động những ngày này, tôi thấy nhiều tín hiệu vui đối với ngành thể thao và cuộc sống đã bình thường trở lại. Đặc biệt, được thấy không khí trên các khán đài, nghe thông tin liên tiếp về thành tích của đoàn thể thao Việt Nam, chúng tôi thấy tự hào vô cùng”.

Với những cổ động viên trẻ, SEA Games mang đến những trải nghiệm mới mẻ, lần đầu tiên được chứng kiến tận mắt những màn thi đấu của thể thao đỉnh cao, hay lần đầu tiên biết đến một số môn thể thao chưa phổ biến. Nguyễn Thị Minh Ngọc và Đặng Hoàng Anh, học sinh lớp 8A5, Trường THCS Mai Dịch, Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết:  “Ở trường, em chỉ được học bóng rổ, bóng đá và bơi lội, thế nên, khi biết SEA Games 31 có gần 50 môn thể thao, em thực sự được mở mang kiến thức”. 

Hy vọng từ trải nghiệm và không khí SEA Games 31 mang lại, người Việt Nam sẽ đến với thể thao nhiều hơn, tập luyện thể thao nhiều hơn, nâng cao sức khỏe cũng như lan tỏa tinh thần đoàn kết thông qua thể thao. Đây cũng là điều Ban tổ chức SEA Games 31 mong muốn.

Hương Sen - Cẩm Vân