Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh PHẠM NGỌC THỦY:

Thống nhất các giải pháp phục hồi hoạt động du lịch trên phạm vi toàn quốc

- Thứ Bảy, 25/12/2021, 11:48 - Chia sẻ
Hoạt động du lịch có tính chất liên vùng, liên ngành rất cao, vì vậy để thúc đẩy hoạt động này, cần phải được tiến hành đồng bộ ở nhiều cấp, ngành với phạm vi toàn quốc và khu vực. Do đó, việc tổ chức Hội thảo để thống nhất các giải pháp phục hồi hoạt động du lịch trên phạm vi toàn quốc là rất cần thiết và cấp bách hiện nay. Đây là chia sẻ của Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh PHẠM NGỌC THỦY với Báo Đại biểu nhân dân xoay quanh các nội dung được bàn thảo tại Hội thảo Du lịch năm 2021 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sáng nay, 25.12.

Phát triển du lịch gắn với phòng, chống dịch

- Đại dịch Covid-19 đã gây ra hậu quả nặng nề cho kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có lĩnh vực du lịch. Ông đánh giá như thế nào về việc Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổ chức Hội thảo Du lịch 2021?

- Dịch Covid-19 đã có những tác động tiêu cực đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Trong đó, ngành du lịch chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Các lệnh cấm bay, hạn chế đi lại và tâm lý e ngại của du khách đã khiến nhiều khách sạn, nhà hàng và chuỗi bán lẻ tại các điểm du lịch trở nên vắng vẻ, doanh thu của ngành du lịch sụt giảm mạnh, nhiều người lao động trong ngành bị mất việc làm. Du lịch Quảng Ninh cũng không nằm ngoài “vòng xoáy” của những tác động ghê gớm ấy.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát. Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ đi vào cuộc sống cũng giúp các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại theo hướng “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh”. Mặt khác, hoạt động du lịch có tính chất liên vùng, liên ngành rất cao, vì vậy để thúc đẩy hoạt động này, cần phải được tiến hành đồng bộ ở nhiều cấp, ngành với phạm vi toàn quốc, và khu vực. Vì lẽ đó, việc tổ chức một Hội thảo để thống nhất các giải pháp phục hồi hoạt động du lịch trên phạm vi toàn quốc là rất cần thiết và cấp bách hiện nay.

Đại diện Sở Du lịch Quảng Ninh và các doanh nghiệp du lịch bàn về các giải pháp để du lịch Quảng Ninh phục hồi trong bối cảnh mới - ảnh: Q.M.G
Đại diện Sở Du lịch Quảng Ninh và các doanh nghiệp du lịch bàn về các giải pháp để du lịch Quảng Ninh phục hồi trong bối cảnh mới
Ảnh: Q.M.G

- Ông có thể chia sẻ kỳ vọng của mình đối với các nội dung được đưa ra bàn thảo tại sự kiện quan trọng này?

- Hiện nay, hoạt động du lịch luôn phải gắn với các quy định phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, cần phải có giải pháp bảo đảm an toàn cho cả du khách và cộng đồng. Tham dự Hội thảo Du lịch năm 2021 từ điểm cầu tỉnh Quảng Ninh, chúng tôi mong muốn được tiếp nhận thông tin về các giải pháp: Phát triển du lịch gắn với phòng chống dịch, bảo đảm an toàn cho du khách và cộng đồng; cách thức thay đổi hành vi, thói quen cũ của du khách cũng như cộng đồng để bảo đảm mục tiêu phát triển và an toàn trước dịch bệnh; tăng cường liên kết giữa các địa phương, liên kết vùng để tạo chuỗi sản phẩm an toàn… Bên cạnh đó, là phương pháp quản lý điểm đến trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; giải pháp quảng bá, xúc tiến, phát triển nhân lực…

 Tăng cường nguồn lực cho hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch

- Trong bối cảnh cả nước đang triển khai thực hiện Chiến lược tổng thể thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, từng bước phục hồi kinh tế - xã hội, xin ông cho biết, ngành du lịch Quảng Ninh đã có sự thích ứng, hồi phục như thế nào? Trong quá trình triển khai thực hiện, đâu là những thuận lợi, khó khăn và định hướng giải pháp của ngành du lịch Quảng Ninh trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?

- Ngay từ đầu năm 2020, ngành du lịch Quảng Ninh đã có những giải pháp để thích ứng với dịch bệnh. Theo đó, tỉnh đã tận dụng từng thời cơ để đưa ra các biện pháp phù hợp trong việc khai thác, phục vụ khách du lịch bảo đảm mục tiêu vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội. Các giải pháp được áp dụng phù hợp với từng thời điểm cụ thể và cho từng loại hình sản phẩm, đối tượng khách.

Tỉnh cũng chủ động các phương án phục hồi ngành du lịch một cách có kiểm soát (theo lộ trình mở nội tỉnh, liên tỉnh, quốc tế); xây dựng các khung đánh giá, phân loại đối với các cơ sở kinh doanh du lịch, lữ hành, điểm đến… và chuỗi cung ứng các dịch vụ liên quan đến dịch vụ, du lịch về bảo đảm an toàn phòng, chống dịch của ngành du lịch Quảng Ninh; triển khai xây dựng, áp dụng hệ thống “thẻ xanh Covid”…

Việc thúc đẩy phát triển du lịch gắn với công tác phòng, chống dịch là một nội dung mới. Mặt khác, việc thúc đẩy phát triển du lịch có nhiều điểm sẽ mâu thuẫn với việc áp dụng các biện pháp chống dịch; giải quyết mâu thuẫn này là một vấn đề khó khăn. Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện linh hoạt, sáng tạo, có hiệu quả các chỉ đạo về phòng chống dịch phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương bằng những chủ trương, chiến lược, giải pháp đúng đắn, khoa học, kịp thời mang tính tổng thể; kiên trì thực hiện phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”, dự phòng tích cực, chủ động từ xa, từ sớm, từ cơ sở. Thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa chăm lo, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân, vừa ổn định phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự, tạo đà tăng trưởng hai con số trong trạng thái bình thường mới. Quảng Ninh đã giữ vững vùng “xanh” an toàn, địa bàn “Ổn định - Phát triển trong trạng thái bình thường mới”.

Mới đây, uảng Ninh đã công bố các điểm đến và danh sách các doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện đón, phục vụ khách du lịch quốc tế trong đợt 1, vào tháng 1/2022.
Mới đây, tỉnh Quảng Ninh đã công bố các điểm đến và danh sách các doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ đủ điều kiện đón, phục vụ khách du lịch quốc tế trong đợt 1, vào tháng 1.2022
Ảnh: Q.M.G

- Từ góc độ cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch của một tỉnh trọng điểm du lịch, ông có đề xuất, kiến nghị gì với Quốc hội, Chính phủ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, quyết định những chính sách đột phá để phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh mới?

- Thông qua Hội thảo, chúng tôi mong muốn: Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan sẽ có các giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn trước mắt, tạo đột phá về lâu dài để phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh mới. Trong đó, cần có chính sách phù hợp về giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất; về thuế sử dụng đất và tiền thuê đất đối với các dự án du lịch có hệ số sử dụng đất cho xây dựng thấp và hạn chế về chiều cao, chính sách đất đai hợp lý đối với diện tích xây dựng ký túc xá, nhà ở cho người lao động du lịch tại những nơi hạn chế về nguồn nhân lực.

Chúng tôi cũng đề nghị, các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm hoàn chỉnh khung cơ chế chính sách, tạo động lực cho hoạt động kinh doanh du lịch. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm tham mưu cho Chính phủ xây dựng cơ chế tăng cường nguồn lực cho hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch cả nước và các địa phương. Bởi, nguồn lực dành cho hoạt động này từ Trung ương tới các địa phương hiện nay còn khá khiêm tốn so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực.

Đặc biệt, Luật Du lịch và tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề cập đến việc ưu đãi đầu tư trong hoạt động du lịch. Vì vậy, các bộ, ngành cần sớm đưa: Đầu tư xây dựng khu du lịch Quốc gia, khu du lịch cấp tỉnh; đầu tư xây dựng điểm du lịch; đầu tư các loại hình du lịch chuyên đề; đầu tư các loại hình du lịch sinh thái vào danh mục những ngành, nghề được ưu đãi đầu tư thuộc lĩnh vực du lịch...

MẠNH TUÂN thực hiện