Cần các nhóm chính sách hỗ trợ kéo du lịch phục hồi

- Thứ Bảy, 25/12/2021, 10:43 - Chia sẻ
"Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp. Vì vậy, việc phục hồi du lịch và hàng không sẽ là nền tảng hỗ trợ, kéo theo sự phục hồi của các ngành khác. Chưa kể đến sức nén thị trường trong thời gian dài giãn cách cũng là yếu tố cho thấy khả năng phục hồi nhanh của ngành du lịch. Tuy nhiên, cần nhanh chóng có các nhóm chính sách giúp du lịch phục hồi" - Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ góp ý.

Hỗ trợ doanh nghiệp “sống” và hoạt động trở lại

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ là "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". An toàn là điều kiện ưu tiên số 1, nhưng hiện nay thủ tục hành chính giữa các địa phương rất nhiều, và không thống nhất. Nếu vẫn duy trì tình trạng này, rõ ràng du lịch không thể phát triển. "Cần có chính sách đánh giá hạn chế các vùng đỏ nhỏ nhất tại từng địa phương các vùng còn lại được phép mở ra hoạt động bình thường đó là điều kiện cần để du lịch phục hồi. Phải thống nhất tuân thủ chỉ đạo chung xuyên suốt của Chính phủ".

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du lịch Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ phát biểu tại Hội thảo qua nền tảng trực tuyến
Ảnh: Q. Khánh

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quốc Kỳ cũng đề xuất nhóm chính sách về tín dụng. Doanh nghiệp lữ hành, hàng không, dịch vụ... phải “sống” và hoạt động lại được mới tạo ra công ăn việc làm, đóng góp nguồn thu... nếu đã kiểm soát được dịch mà các doanh nghiệp vẫn hoạt động cầm chừng hay không hoạt động kinh doanh được thì mục tiêu kép không đạt được, với khoảng 5% doanh nghiệp còn lại hiện nay không kéo nổi ngành công nghiệp du lịch phát triển trở lại. 

Cụ thể, ông Quốc Kỳ góp ý: Chính phủ cần tiếp tục xem xét giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021, tiếp tục giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022 - 2023 cho các doanh nghiệp lữ hành. Giảm 50% mức thuế suất VAT của 3 tháng cuối năm 2021 và các năm 2022, 2023. Miễn thuế thu nhập cá nhân đối với người lao động có thu nhập từ tiền lương tiền công thuộc diện nộp thuế bậc 1 và 2. Giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp du lịch theo hướng lãi suất cho vay không cao hơn 3% so với lãi suất huy động tiền gửi. 

Đồng thời, xem xét trình chấp thuận chủ trương sử dụng vốn ngân sách các địa phương ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội - chi nhánh tại các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng theo hình thức tín chấp (không cần tài sản thế chấp) với lãi suất vay 0% cho doanh nghiệp du lịch (không phân biệt doanh nghiệp du lịch lớn, nhỏ) gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid- 19 để trả lương cho người lao động.

Mặt khác, Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, đề xuất Chính phủ cho phép doanh nghiệp lữ hành được giảm 80% số tiền ký quỹ của doanh nghiệp để giúp tạo dòng tiền vào cho doanh nghiệp duy trì hoạt động và có nguồn tiền làm vốn lưu động. Kéo dài chính sách giảm tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đến hết năm 2022. Hỗ trợ áp dụng mức giá điện theo đơn giá điện sản xuất cho các cơ sở kinh doanh nhà hàng, dịch vụ lưu trú du lịch trong năm 2021...

Kích cầu để khôi phục thị trường

Ông Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng, Chính phủ cần có nhóm chính sách hỗ trợ kích cầu. Theo đó, triển khai chương trình kích cầu du lịch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” để khôi phục thị trường du lịch nội địa và “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn” với khách quốc tế. Hiện nay, một trong những vấn đề quan trọng là phải tiếp tục làm công tác marketing để giữ tương tác và tiếp cận khách du lịch quốc tế về du lịch Việt Nam, vì Việt Nam đang được thế giới đánh cao về tính hấp dẫn của điểm đến du lịch.

Các đại biểu tham quan gian trưng bày bên lề Hội thảo - Ảnh: Q.Khánh
Các đại biểu tham quan gian trưng bày bên lề Hội thảo
 Ảnh: Q.Khánh

Bên cạnh đó, Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho các điểm tham quan du lịch và nhóm bảo tàng, khu di tích là đơn vị sự nghiệp công lập nhằm tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và nhằm hỗ trợ kích cầu du lịch chung cho toàn ngành. Cụ thể, miễn phí vào các điểm tham quan cho khách du lịch vào mùa du lịch cuối năm 2021 và quý I - II.2022 tại các địa điểm tham quan là đơn vị sự nghiệp công lập do nhà nước quản lý. Hỗ trợ kinh phí chi trả lương cho các đối tượng là người lao động và chi phí thường xuyên chi từ nguồn thu vé tham quan tại các đơn vị này. 

Nhóm chính sách hỗ trợ nguồn nhân lực trong ngành du lịch, theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, cũng vô cùng quan trọng. Thống kê cả nước có khoảng 4,9 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, chưa kể nhân công ở những mảng việc có liên quan. Song vừa qua, dịch bệnh Covid-19 khiến lực lượng này bị thu hẹp lại và có xu hướng dịch chuyển sang các ngành nghề khác. 

“Thời điểm này hầu hết doanh nghiệp đã cạn lực. Vì thế để hoạt động du lịch sớm “hồi sinh,” một mặt các doanh nghiệp phải tìm mọi cách giữ chân người lao động, mặt khác rất cần được Chính phủ tiếp sức về tài chính, đồng thời có chính sách hỗ trợ lao động thất nghiệp để họ không bỏ ngành” - ông Quốc Kỳ nhận định.

Theo đó, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ, đào tạo, tạo việc làm để không bị đứt gãy lao động trong ngành du lịch. Đây là yêu cầu có tính chất bắt buộc vì lực lượng lao động du lịch có tính đặc thù và chuyên biệt, được đào tạo và cấp thẻ hành nghề.

Ông Quốc Kỳ cũng đề nghị Chính phủ cân nhắc, nghiên cứu thêm phương án hỗ trợ dựa trên chi phí, thay vì dựa trên số thuế phải nộp (giảm thuế suất), để hỗ trợ cho cả các doanh nghiệp không có lợi nhuận. Với tình hình kinh doanh của khu vực doanh nghiệp hiện nay, nên triển khai chính sách hỗ trợ dựa trên chi phí lao động để góp phần thu hút lao động quay trở lại làm việc...

Quang Khánh