Du học và học bổng

- Chủ Nhật, 09/01/2022, 06:42 - Chia sẻ
Du học là điều tốt đẹp nhưng nó không biến ta thành một con người vĩ đại, học bổng là một phần thưởng quý giá nhưng nó cũng không thể thay thế cho quá trình học tập thực sự.

Ở Việt Nam, mọi người thường coi học bổng là một cái mề đay (medal). Bản thân tôi khi còn ít tuổi cũng vậy, nó đến từ các ví dụ tham khảo trong cuộc sống. Nhiều bậc phụ huynh cũng cho rằng phải có học bổng thì mới đi du học, còn nếu không có học bổng thì nó cứ ''mất mặt'' hay sao đó. Mọi người nghĩ rằng phải là người giỏi nhất, xuất sắc nhất thì mới được trao học bổng. Tuy nhiên, sự thực theo tôi đánh giá nó không quá đỗi khắt khe như thế. 

Học bổng thường được trao cho người cần nó, chứ không phải là người xuất sắc nhất. Nó gần như là một dạng “từ thiện” cho sinh viên có mong muốn học tập nhưng không có đủ kinh phí. Một vài sinh viên của tôi còn không công khai việc mình đang nhận học bổng vì ngại sự phân biệt. Ở phía ngược lại, trước đây, bạn bè tôi nhiều bạn Hàn Quốc có CV rất đẹp và xuất thân trong các gia đình tập đoàn, doanh nghiệp hoặc thuộc giới "tài phiệt" thì cũng không có lí do gì để được cấp học bổng cả, dù có thể họ xuất sắc nhất. Thậm chí các nhà trường còn vinh hạnh hơn nữa nếu gia đình họ đóng góp, tài trợ thêm cho trường. 

Như vậy, học bổng thường được trao cho những sinh viên thực sự cần nó để tiếp tục con đường học tập, chứ không phải là trao cho người xuất sắc nhất. Vì vậy, khi chuẩn bị hồ sơ xin học bổng thì chúng ta nên tập trung vào việc là chúng ta cần nó để tiếp tục đi học chứ không phải là tập trung vào việc chúng ta giỏi nhất (vì điều đó có thể không hề như thế). 

Tôi từng hướng dẫn một em sinh viên Syria xin học bổng của một quỹ lớn, sau khi đọc thư xin học bổng của em thì tôi nói rằng em ấy nên tập trung vào khía cạnh cá nhân của em như một đại diện cho người phụ nữ trẻ Syria bước ra từ một cuộc chiến tranh và khao khát có được cơ hội học tập. Tôi khẳng định với em ấy là em ấy không phải ứng viên xuất sắc nhất, hãy nhấn mạnh rằng có thể em là người cần nó nhất mà thôi. 

Thông thường các em sinh viên sẽ bắt đầu một bức thư xin học bổng bằng ''my name is ...'' (Tên tôi là). Ở trường hợp của em này, tôi nói em hãy bắt đầu bằng ''tôi là một cô gái trẻ bước ra từ cuộc chiến tranh 12 năm'', sau đó em tiếp tục kể về hành trình theo đuổi học vấn của mình. Đến giữa bức thư, thì em mới viết ''vậy đấy, tên tôi là Basma''. Vì sao ta phải làm như vậy? Bởi vì con người ấy, thân phận ấy có giá trị điển hình, em ấy có thể đại diện cho một nhóm các cô gái rời khỏi Syria để thực hiện mơ ước học tập và rồi sau đó thì em có một cái tên. Em viết bức thư đó không chỉ cho cá nhân em mà để mọi người biết rằng cũng có những cô gái nào đó giống như em, ở một nơi nào đó. Em ấy không phải là duy nhất nhưng nếu em ấy làm được thì nó cũng là một điều gì đó có tác dụng tích cực đến tình hình chung. Sau khi viết lại bức thư theo dàn ý này thì em lọt vào vòng phỏng vấn - điều mà năm trước em không làm được. Như vậy, có đôi khi ta cần thể hiện rằng ta cần nó chứ không phải là ta giỏi. 

Thứ hai, học bổng là một cái mề đay, chúng ta có thể mãn nguyện đeo nó ở trên ngực nhưng hãy thẳng thắn rằng nó không bao giờ có thể thay thế cho quá trình học tập. Thế thì tôi khuyên các bạn sinh viên có mong muốn đi du học nên tập trung vào mục tiêu là đi học chứ không phải là giành học bổng. Vì lẽ như thế này, Kiến trúc được coi là một ngành nghệ thuật có chi phí học đắt đỏ và khá hiếm học bổng. Trên thực tế chúng ta vẫn có thể xin học ở những trường công ở Đức, Pháp, Hà Lan, Ý..., nơi học phí không quá đắt đỏ (hoặc được miễn học phí) để theo học. Bởi vì nếu như trường đó không có sẵn tiền thì họ cũng không có nhiều học bổng để cấp cho sinh viên. Ở các trường tư bên Mỹ hoặc bên Anh, họ sẽ có khả năng làm điều đó cao hơn vì họ dư giả tài chính. 

Vậy cho nên xin được học bổng thì tốt nhưng không có nghĩa là cứ phải có học bổng mới đi du học. Đó có thể là một cái bẫy về tâm lý và nhận thức. Các bạn vẫn có thể du học với chi phí vừa phải, dựa vào sự trợ giúp của gia đình, đi thực tập, đi làm thêm ngoài giờ để chi trả cho chi phí cuộc sống. Điều này xảy ra với phần lớn sinh viên phương Tây vì họ sống độc lập từ khá sớm, vậy thì tại sao ta không hòa vào cái dòng chảy ấy? Đến cuối kỳ học thứ 2, các bạn có thể đi thực tập cho các văn phòng kiến trúc và được trả lương thì cuộc sống cũng bớt chật vật đi. Dẫu sao đây cũng là một nghề vất vả và chúng ta nên làm quen với điều đó như một phần của du học. 

Nguồn: ITN

Thứ ba, hãy tập trung xin học trước rồi xin học bổng sau. Bởi vì đích đến của ta là ''sự giáo dục'' chứ không phải là ''phần thưởng''. 

Đối với ngành kiến trúc, chương trình học tập của phương Tây thường là 3 năm Bachelor + 2 năm Master. Giữa 2 quá trình đó sẽ có 1 - 2 năm thực tập có lương và ở giữa 2 năm Master có thể có 6 - 12 tháng thực tập có lương. Đôi khi trong quá trình học ta lại xin được một học bổng nào đó chứ học bổng không nhất thiết phải được trao ở trước khóa học. Sự học tập ở phương Tây là một quá trình rất chủ động và đòi hỏi chủ động từ phía người học là vậy, đó cũng là điều mà tôi nghĩ rằng sinh viên Việt Nam nên trau dồi. Ngoài học ở trong trường, chúng ta còn học từ cuộc sống, cách tổ chức công việc, thu xếp thời gian, lên kế hoạch cũng như học nghề trong các công ty kiến trúc mà ta thực tập. Trường học thật ra chỉ là một phần trong số đó thôi. 

Du học là điều tốt đẹp nhưng nó không biến ta thành một con người vĩ đại, học bổng là một phần thưởng quý giá nhưng nó cũng không thể thay thế cho quá trình học tập thực sự. Vậy nên ta cũng cần kiên nhẫn để thực hiện nó với một chi phí nhất định (nếu cần thiết) sau này khi đi làm rồi mình tiết kiệm để bù vào dần. 

Rất nên tham khảo ý kiến của các anh chị đi trước, tuy nhiên hãy cảnh giác với những người có xu hướng phức tạp hóa vấn đề lên. Có rất nhiều người như vậy, cá nhân tôi từng gặp và không lý giải được vì sao họ lại có cái nhu cầu ấy. Các bạn sinh viên cần nghĩ rằng việc xin học là điều gì đó các bạn có thể làm được nếu có sự chuẩn bị. Nó không phải là một trận đánh hay một chiến dịch hay một thứ gì đó cao siêu không tưởng bởi lẽ hàng năm có hàng triệu thanh thiếu niên ở châu Âu cũng làm điều đó và tất cả những bạn đó thú thực là cũng không có gì xuất sắc lắm đâu. Hãy coi nó là một việc có thể làm được và từng bước một, tìm kiếm thông tin để làm nó cho đúng cách. Cuối cùng, tôi muốn động viên các bạn rằng, ''sự giáo dục'' mới là cái đích đến cuối cùng chứ không phải là ''học bổng''.

Xin được lưu ý rằng, cá nhân tôi từng nhận được học bổng cho sinh viên "thành tích cao", hồ sơ của tôi khi ấy cũng khá đặc biệt nên không tiện nêu ra như ví dụ điển hình. Nhìn chung tôi khuyến khích các bạn sinh viên theo đuổi sự học hành chứ không nhất thiết phải để điều này phụ thuộc vào quyết định của các ban xét duyệt - những ban bệ mà khi đứng vào trong đó, ta cũng sẽ phải đặt ra câu hỏi về độ chính xác và khách quan trong lựa chọn. Nếu là Merit Award, tôi có thể khẳng định rằng nó như là chơi xổ số vậy, bởi vì tất cả các ứng viên đều rất xuất sắc và là hoàn toàn thiếu khả thi để chọn ra người giỏi nhất.

KTS Lê Quang (từ Berlin)