Dự báo năm 2021 có nhiều hình thái thiên tai dị thường

- Chủ Nhật, 13/06/2021, 08:07 - Chia sẻ
Năm 2021, nắng nóng, xâm nhập mặn, bão lũ được dự báo tương đương trung bình nhiều năm, vì vậy cần chủ động ứng phó với thiên tai dị thường, song song với việc ưu tiên bố trí đủ nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ cấp bách, lâu dài, lập bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét lớn.

Công tác phòng, chống thiên tai còn lúng túng, thiếu kịp thời

Theo Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), trong những năm vừa qua, nhất là năm 2020, thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã tác động rất lớn, ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội, đời sống Nhân dân. Năm 2020 cũng là một năm với nhiều thiên tai cực đoan. Nhiều kỷ lục về bão, mưa, lũ, dông, sét kèm mưa đá dịp tết Canh Tý ở Bắc Bộ. Thiếu hụt nước, xâm nhập mặn xảy ra sớm, nghiêm trọng hơn năm hạn mặn kỷ lục 2016 ở đồng bằng sông Cửu Long. Bão chồng bão, lũ chồng lũ trong tháng 10 và tháng 11.2020 tại các tỉnh miền Trung. Mưa lớn kéo dài gây ra lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng ở miền Trung, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, nhất là tại Thủy điện Rào Trăng 3, Trạm Kiểm lâm số 67 Phong Điền (Thừa Thiên Huế); Trà Leng và Trà Vân, huyện Nam Trà My và Phước Lộc, huyện Phước Sơn (Quảng Nam)…

Từ đầu năm 2021 đến nay, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài, cả nước đã xảy ra 53 trận động đất nhẹ, 105 trận mưa đá, dông lốc, 5 đợt không khí lạnh, gió mùa đông, 11 trận mưa lớn, lũ cục bộ, trong đó 2 trận lũ ống, lũ quét và 21 vụ sạt lở bờ sông. Tính đến hết tháng 5, thiên tai đã làm 21 người chết, 29 người bị thương, trên 4,3 nghìn căn nhà bị sập đổ, hư hỏng; gây thiệt hại trên 32 nghìn hécta lúa, hoa màu... Ước tính giá trị thiệt hại về kinh tế khoảng 119 tỷ đồng.

Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Trần Hồng Thái nhận định, công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai ở nước ta còn nhiều tồn tại. Việt Nam hiện chưa có khả năng dự báo được lũ quét, sạt lở đất do các mô hình dự báo quá trình mưa, lũ còn hạn chế, thiếu dữ liệu về quan trắc, địa hình, thiếu thông tin số liệu về cấu trúc thảm phủ, lớp đất, tính chất cơ lý của đất. Sự thay đổi về sử dụng đất, phá rừng, khai thác khoáng sản, làm đường… cũng là những nhân tố gây khó khăn trong công tác dự báo lũ quét, sạt lở đất.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chỉ rõ, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có lúc có nơi chưa được kịp thời, còn lúng túng, bị động, thiếu toàn diện, trách nhiệm chưa rõ ràng. Nguồn lực đầu tư cho phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn còn thấp. Trang thiết bị, phương tiện, công cụ hỗ trợ ứng phó với thiên tai, tìm kiếm cứu nạn chưa đáp ứng được yêu cầu, còn thiếu những phương tiện chuyên dùng trong các tình huống phức tạp. Công tác khắc phục hậu quả, phục hồi, tái thiết sau thiên tai còn chậm do thiếu nguồn lực.

Đối với nguyên nhân của các tồn tại, Phó Thủ tướng cho rằng, về khách quan, các loại hình thiên tai diễn ra rất khốc liệt, bất thường trên phạm vi rộng, thời gian kéo dài và khó dự báo. Về chủ quan, một số nơi cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền chưa nhận thức được tầm quan trọng, tính phức tạp và nguy hiểm của thiên tai. Việc nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế. Vai trò của đoàn thể nhân dân và cộng đồng dân cư, đặc biệt là lực lượng xung kích cơ sở chưa được phát huy đầy đủ.

Năm 2021 dự báo sẽ xuất hiện nhiều hình thái thiên tai dị thường

Nguồn: ITN 

Đầu tư phải đủ mạnh

Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Việt Nam, ông Kamal Malhotra cảnh báo, tác động của thiên tai gần đây cùng với đại dịch Covid-19 đã cho thấy rằng người dân và cộng đồng dễ bị tổn thương, có khả năng tái nghèo cao hơn vì khả năng phục hồi của họ chậm hơn. “Nếu không được giải quyết kịp thời, những mối nguy này có thể gây ra tác động tích lũy nghiêm trọng về lâu dài”. Ông Kamal Malhotra cũng cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh, việc nâng cao khả năng chuẩn bị sẵn sàng và tăng cường năng lực, cải thiện công tác lập kế hoạch, đặc biệt ở các địa phương sẽ là chìa khóa cho sự thành công của Việt Nam.

Ông Trần Hồng Thái cho rằng, chúng ta chưa dự báo được lũ quét, sạt lở đất mà mới chỉ ở mức độ cảnh báo nguy cơ có khả năng xảy ra lũ quét ở 1 vùng hoặc 1 khu vực rộng. Từ đó, ông Thái đề xuất Chính phủ ưu tiên bố trí đủ nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ cấp bách, lâu dài, lập bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét lớn.

Là địa phương gánh chịu nhiều thiệt hại bởi thiên tai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang đề xuất, tăng cường tính chuyên nghiệp cho lực lượng phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, đầu tư mua sắm các trang thiết bị chuyên dụng; nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo thiên tai. Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu đề nghị rút ngắn thời gian cảnh báo lũ, sạt lở và có app (ứng dụng) trên điện thoại để cảnh báo thiên tai “mưa như vậy thì ngập lụt bao nhiêu, lũ như thế nào”.

Trước những ý kiến của các địa phương, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị các bộ, ngành, Trung ương rà soát các thủ tục liên quan tới tái thiết các khu vực, địa bàn, địa phương bị ảnh hưởng của thiên tai. Ví dụ, có địa bàn bị ảnh hưởng bởi thiên tai, đã được ngân sách trung ương hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông nhưng thủ tục đầu tư còn chậm, có công trình mất 1-2 năm chưa triển khai thi công được. Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục rà soát để hoàn thiện thể chế, các quy định pháp luật liên quan tới phòng, chống thiên tai.

Bên cạnh đó, phát triển khoa học công nghệ và thúc đẩy hợp tác quốc tế về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Ưu tiên cho nghiên cứu, đầu tư trang thiết bị, công nghệ quan trắc, theo dõi, giám sát, chỉ đạo điều hành ứng phó với thiên tai, ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa, vận hành công cụ hỗ trợ trong chỉ đạo điều hành. Phó Thủ tướng lấy ví dụ, “nếu một khu vực bị chia cắt do mưa bão mà chúng ta cứ tiến thẳng vào, như đợt vừa rồi bị sạt lở thì rất nguy hiểm. Nhưng có những thiết bị có thể giúp chúng ta quan sát từ xa, để có thể tránh những trường hợp thiệt hại đáng tiếc. Do đó, đầu tư trang thiết bị không chỉ cho dự báo mà trong quá trình cứu hộ, cứu nạn rất quan trọng”.

Nhận định xu thế thiên tai năm 2021, Tổng cục Khí tượng Thủy văn dự báo, năm 2021 mùa bão xuất hiện muộn hơn khoảng nửa tháng so với trung bình nhiều năm. Từ tháng 6, bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng bắt đầu hoạt động ở vùng biển phía Bắc Biển Đông và gia tăng tần suất trong những tháng tiếp theo. Dự báo số lượng bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến nước ta có xu hướng tương đương so với trung bình nhiều năm (khoảng từ 12 - 14 cơn, ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khoảng từ 5 - 7 cơn). Nửa đầu mùa bão, áp thấp nhiệt đới sẽ tập trung ở khu vực Bắc và giữa Biển Đông, có khả năng ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Vào thời kỳ nửa cuối mùa sẽ tập trung ở khu vực giữa và Nam Biển Đông, ảnh hưởng đến khu vực từ Bắc Trung Bộ trở vào phía Nam. Đề phòng các  cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp trong năm 2021.

Về tình hình nắng nóng, từ nay đến hết tháng 6, ở Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng xuất hiện 2 - 3 đợt nắng nóng diện rộng. Dự báo mùa nóng ở Bắc Bộ và các tỉnh miền Trung sẽ còn kéo dài đến hết tháng 8; trong đó nắng nóng gay gắt ở Bắc Bộ tập trung trong tháng 6 - 7, miền Trung là tháng 6 - 7 và đầu tháng 8. Cường độ nắng nóng của năm 2021 ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ không gay gắt và kéo dài như trong năm 2020. Tuy nhiên, vẫn có khả năng xảy ra nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất trong ngày có thể đạt mức xấp xỉ 41 - 42 độ C.

T. T