ĐQBH Hoàng Thị Tố Nga (Nam Định): Không nên quy định số giờ làm thêm trong một tháng
Có thể nói đây là một bộ luật rất dài nhưng những vấn đề về điều kiện lao động và quan hệ lao động đã được giải trình, tiếp thu một cách rất rõ ràng và thận trọng.
Vấn đề thứ nhất, về thời gian làm thêm giờ được quy định tại Điều 108, tôi hoàn toàn nhất trí với phương án 1. Tuy nhiên, theo tôi cũng không nên quy định số giờ làm thêm trong một tháng, chỉ nên quy định số giờ làm thêm tối đa trong một ngày và trong một năm. Bởi vì nếu quy định số giờ làm thêm tối đa trong một tháng như trong dự luật thì đối với những ngành lao động đặc thù theo thời vụ như thu hoạch, chế biến nông sản, hay làm hợp đồng của các lô hàng xuất khẩu trong ngành may mặc rất khó thực hiện. Hơn nữa sau mỗi đợt làm thêm nhiều giờ trong nhiều ngày cho kịp thời vụ thu hoạch thì người lao động lại được nghỉ bù số giờ làm thêm trong thời gian không được nghỉ nên vẫn đủ bảo đảm sức khỏe để tiếp tục tham gia lao động theo những quy định trong Điểm c, Khoản 2 của điều này. Do vậy, nên bỏ quy định số giờ làm thêm tối đa trong một tháng.
Dự thảo Bộ luật nên bổ sung chế tài xử phạt thật nặng những người sử dụng lao động vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về thời gian làm thêm giờ, hoặc có các hình thức trá hình để buộc người lao động phải làm thêm trái với ý muốn. Vì theo một số tài liệu hiện nay có nơi người lao động đang phải làm thêm 700 - 900 giờ trong một năm.
Vấn đề thứ hai, về thời gian nghỉ thai sản, tôi cho rằng tiếp thu và đồng ý theo phương án 1 là hợp lý nhất, là thể hiện sự quan tâm của xã hội đối với phụ nữ và trẻ em. Vì nếu như phụ nữ được nghỉ thai sản trong 6 tháng đầu thì trẻ em sẽ được bú sữa mẹ hoàn toàn, còn thể hiện quyền trẻ em, đặt lợi ích của trẻ em lên hàng đầu chứ không chỉ đơn thuần là giải quyết chế độ chính sách cho người mẹ.
Vấn đề thứ ba, về trách nhiệm của người lao động, của người sử dụng lao động khi mà đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật được quy định tại Điều 42, tôi đề nghị ở Khoản 1 quy định 3 tháng tiền lương thay cho 2 tháng tiền lương như trong dự thảo. Tức là tại Khoản 1 sẽ ghi phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 3 tháng tiền lương. Quy định như vậy để sẽ hạn chế được người sử dụng lao động vi phạm pháp luật. Tương ứng với điều này thì tại Điều 43 quy định trách nhiệm của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật cũng phải bồi thường cho người sử dụng lao động là 3 tháng lương thay cho nửa tháng lương như trong dự thảo để bảo đảm trách nhiệm bình đẳng giữa hai bên…