Đột phá từ nguồn nhân lực

- Thứ Năm, 16/12/2021, 05:23 - Chia sẻ
Thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, có khoảng 48% số lao động cần đào tạo lại, 68% số cơ sở đào tạo tại Việt Nam chưa sẵn sàng cho cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư và tác động của dịch bệnh. Điều đó cho thấy, chất lượng nhân lực của chúng ta so với yêu cầu thực tiễn vẫn còn một khoảng cách khá xa.

Thực tế, so với nhiều quốc gia, nước ta có lợi thế là lực lượng lao động dồi dào và cơ cấu lao động trẻ. Tuy vậy, qua đánh giá của các đơn vị sử dụng lao động cho thấy, nước ta vẫn còn thiếu hụt lao động có tay nghề cao, mặc dù trong những năm qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ đào tạo và đào tạo lại.

Cụ thể, trong số 55 triệu lao động nhưng chỉ có 24,5% số lao động có bằng cấp, chứng chỉ. Mặc dù chất lượng đào tạo nghề đã tăng 13 bậc nhưng chỉ xếp thứ 97/141 nước xếp hạng, còn khoảng cách rất xa so với các nước Đông Bắc Á và khu vực ASEAN. Tăng trưởng kinh tế khá cao nhưng năng suất lao động vẫn rất thấp.

Trong nhiều lĩnh vực, chúng ta đang thiếu đội ngũ chuyên gia có chuyên môn về kinh tế, kỹ thuật và công nhân lành nghề. Chính sự kém phát triển, thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng cao đang trở thành rào cản lớn trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Điểm nghẽn chất lượng nguồn nhân lực này cần phải được tháo gỡ sớm, nếu như chúng ta thực sự muốn khôi phục và phát triển kinh tế và bước vào kỷ nguyên số, hội nhập quốc tế sâu rộng.

Việc đào tạo "nặng" về lý thuyết, "nhẹ" về thực hành… là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực không đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Không ít đơn vị sử dụng lao động cho rằng, phải mất thời gian, chi phí để đào tạo lại nhân lực sau khi tuyển dụng, bởi kiến thức của một số lao động sau tuyển dụng vẫn “nặng lý thuyết, hàn lâm”. Điều đó cho thấy, giữa một số cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động vẫn chưa có được tiếng nói chung. Đây là lý do dẫn đến không ít sinh viên, học viên sau tốt nghiệp tìm được việc làm đúng chuyên môn đào tạo không phải là điều dễ dàng.

Xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định, một trong 3 khâu đột phá chiến lược để phát triển đất nước đó là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao, trên diễn đàn Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là cần chú trọng nâng cao chất lượng dự báo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về nhu cầu nhân lực làm cơ sở để điều tiết và đào tạo, bồi dưỡng. Bổ sung các quan sát đánh giá cụ thể theo từng ngành nghề lĩnh vực, sự khác biệt cần thiết trong bối cảnh của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Thu hút tập trung nguồn lực, thúc đẩy đào tạo và đào tạo lại nâng cao kỹ năng tay nghề cho người lao động.

Cùng với đó, tới đây Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ hoàn thiện quy định nhằm rà soát cơ chế, chính sách trong phát triển giáo dục nghề nghiệp nhất là chính sách liên kết doanh nghiệp và nhà trường. “Kỹ năng cốt lõi gồm: kỹ năng mềm, kỹ năng số, ngoại ngữ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, thể hiện ngay từ khâu đào tạo bồi dưỡng nhà giáo, phát triển chương trình, kiểm tra đánh giá”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Nghị quyết của Đảng nêu rất rõ. Do đó, cần phải thể chế hóa chủ trương của Đảng bởi các cơ chế, chính sách trong đào tạo cũng như thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Đã đến lúc, chúng ta cần phải thay đổi nhận thức rằng, cơ hội “vàng” không phải là nguồn lao động trẻ, dồi dào, mà là nguồn nhân lực chất lượng cao. Bởi như một chuyên gia nhận định, chúng ta sẽ khó bắt kịp các nền kinh tế trong khu vực nếu không tăng tốc đầu tư vào con người - phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Lê Hùng