Dòng tiền sẽ “chảy” về các dự án năng lượng sạch?

- Thứ Tư, 04/11/2020, 17:27 - Chia sẻ
Trước áp lực của câu chuyện môi trường và định hướng tăng trưởng bền vững, khả năng các dự án điện than bị đánh giá lại trong các quy hoạch phát triển điện quốc gia tiếp theo là khá cao. Bởi vậy, thực tế trên đang trở thành cơ hội nguồn tài chính lành mạnh hướng đến các dạng năng lượng khác thân thiện hơn với tương lai của thế giới...

Điện than bị thu hẹp

Cuối năm 2019, tổng công suất nguồn điện của Việt Nam đạt gần 55 GW, trong đó công suất nhiệt điện than chiếm tỷ trọng tương đối lớn (hơn 36%), sản lượng chiếm hơn phân nửa tổng sản lượng toàn quốc (150 tỷ kWh /231 tỷ kWh). Tuy nhiên, việc triển khai các dự án nhiệt điện than gặp rất nhiều khó khan, bằng chứng là công suất triển khai chậm hơn nhiều so với tiến độ trong Quy hoạch Phát triển Điện VII điều chỉnh (phê duyệt năm 2016). Điện than phải đối mặt với rất nhiều áp lực từ cộng đồng do các tác động môi trường. Có đến 10 dự án với tổng công suất gần 15 GW dự kiến không được triển khai…

Một nguyên nhân của sự chậm trễ này chính là khả năng tiếp cận tài chính. Trước 2010, mô hình vốn tài chính cho ngành điện của Việt Nam chủ yếu dựa vào đầu tư công và được chủ trì thực hiện bởi ba Tập đoàn là EVN, PVN và Vinacomin. Trong giai đoạn này, các DNNN này được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi và được Chính phủ bảo lãnh vốn vay để phát triển các nhà máy điện than. Tuy nhiên, từ sau 2010, việc tiếp cận tài chính cũng như cơ chế bảo hiểm cho các dự án điện than hoặc thậm chí khai thác than là vô cùng khó khăn.

Thế giới luôn ưu tiên tìm kiếm năng lượng sạch
Thế giới luôn ưu tiên tìm kiếm năng lượng sạch

Theo báo cáo của IEEFA, tính đến tháng 2.2019, có trên dưới 100 định chế tài chính trên toàn cầu chấm dứt các hoạt động tài trợ cho dự án điện than. Bên cạnh đó, các công ty bảo hiểm cũng không còn mặn mà với loại hình năng lượng này: hơn 17 công ty bảo hiểm chiếm gần 10% thị trường bảo hiểm gốc, 46% thị trường tái bảo hiểm đã từ bỏ các hợp đồng với nhà máy điện than.

Động thái này của các định chế tài chính có thể đến từ sức ép từ thực hiện các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu, mặt khác cũng chính từ tình hình tài chính của các nhà máy điện than. Giai đoạn 2008 – 2018, tổng công suất của nhiệt điện than trên toàn cầu đã tăng trưởng hơn 60% đạt trên 2000GW, nhưng hệ số công suất trung bình toàn ngành giảm sâu xuống chỉ còn khoảng 55% (theo báo cáo của IEEFA). Sự phát triển của công nghệ cùng năng lực sản xuất đã giúp chi phí phát điện từ năng lượng tái tạo giảm đáng kể, và khiến cho giá điện than trở nên kém cạnh tranh hơn rất nhiều. Với xu hướng chi phí ngày càng giảm của nguồn điện đến từ gió và mặt trời, một tương lai bị “mắc kẹt” dành cho các nhà máy điện than đang rõ ràng. Việc vận hành nhà máy điện than có thể trở nên kém hiệu quả về mặt kinh tế so với các nhà máy điện năng lượng tái tạo vì chi phí nhiên liệu đắt đỏ, các tài sản cố định cũng khó có thể thanh lý vì sự e ngại của các định chế tài chính quốc tế.

Cơ hội của năng lượng sạch

Trên thế giới, nhu cầu về một nguồn năng lượng “sạch” hơn, bền vững hơn đang thật sự trở thành áp lực toàn cầu. Đơn cử như khí hóa lỏng (LNG), sản lượng sản xuất và tiêu thụ đang tăng đều đặn ở mức 6,3%/năm từ 10 năm nay. Dự kiến sẽ đạt trên 450 triệu tấn vào năm 2022 (theo International Energy Agency). Bắt kịp với xu hướng đó, Việt Nam đã định hướng phát triển hạ tầng cho nhập khẩu, tiêu thụ LNG trong Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Khí và Quy hoạch điện VII điều chỉnh năm 2016 với khả năng tiếp nhận nguồn nhập khẩu từ 1 tới 4 tỷ m3/năm, phần lớn để phát điện. Tuy nhiên, đến giữa 2019, đã có tới 25 dự án đã được xem xét bổ sung vào QHĐ VII với tổng công suất tới 50 GW, gấp 3 lần so với quy hoạch (theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam).

Thực tế các dự án đang triển khai tại Việt Nam và giá LNG nhập khẩu thả nổi theo thị trường thế giới sẽ là một yếu tố bất cập để nguồn năng lượng này có thể bù đắp những thiếu hụt từ điện than. Từ cuối 2011 đến đầu 2014, LNG có giá bán tương đối cao, đã có thời điểm giá bán LNG trung bình thế giới lên tới 17,24$/triệu Btu. Vào những tháng đầu năm 2016, do tình trạng cung vượt cầu mà giá LNG giao ngay tại châu Á đã giảm chỉ còn 4,05 US$/ triệu Btu. Với tỉ trọng chi phí nhiên liệu chiếm 70 – 80% giá điện thành phẩm, thì chỉ cần một dao động rất nhỏ từ giá LNG cũng sẽ khiến nhà đầu tư khó có thể cân đối được tài chính. Nhà đầu tư và những người làm quy hoạch rất cần những biện pháp dự phòng để đảm bảo nguồn cung và giá điện thành phẩm từ LNG trong khoảng 25 năm vòng đời nhà máy.

Tổ chức Sáng kiến về chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIET) đã có một số ý kiến liên quan tới bản dự thảo quy hoạch điện VIII, và bày tỏ những quan ngại về vấn đề này. Theo Giám đốc điều hành VIET Ngô Tố Nhiên, việc lựa chọn kịch bản trong quy hoạch phát triển điện lực cần có thêm tiêu chí đánh giá về khả năng tiếp cận tài chính của từng kịch bản. “Chúng ta cần xem xét kỹ lưỡng hơn nữa tính khả thi cho các kịch bản của Quy hoạch điện VIII đặc biệt về khía cạnh tài chính, sao cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo. Với những khó khăn trong việc triển khai các dự án điện than, nguồn vốn sẽ được ưu tiên chuyển sang các dạng năng lượng khác như điện gió và điện mặt trời…

Nhiệt điện khí và LNG “sạch” hơn và có khả năng vận hành linh hoạt tốt hơn so với nhiệt điện than, tuy nhiên với khoảng dao động của giá LNG như vậy, cần tính toán các kịch bản để dự trù và bao quát được hết các khả năng, tập trung nguồn lực cho những dự án khả thi nhất, đảm bảo an ninh năng lượng trong từng giai đoạn và cân đối lợi ích giữa các bên liên quan”, bà Nhiên nói.

Nam Anh