Đồng thuận tư duy liên kết để phát triển

- Thứ Ba, 28/09/2021, 15:46 - Chia sẻ
Theo Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), do các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long áp dụng kiểm soát dịch bệnh đã ảnh hưởng đến ngành thủy sản nói chung trong đó ngành cá tra bị thiệt hại lớn. Do vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là cần tháo gỡ khó khăn để các doanh nghiệp sớm quay lại sản xuất, tháo gỡ điểm nghẽn trong tiêu thụ cho người dân.

Thực tế, dịch bệnh Covid-19 đã khiến việc sản xuất cá tra tại đồng bằng sông Cửu Long gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp chưa thể quay trở lại hoạt động sản xuất, người nuôi và sản xuất cá giống đang thu hẹp diện tích. Cụ thể, theo VASEP, số doanh nghiệp đang hoạt động 3 tại chỗ chỉ duy trì khoảng 14 đơn vị tại 6 tỉnh nuôi cá tra trọng điểm với công suất sản xuất khoảng 20 - 30%. Ngoài ra, số lượng các nhà máy thu mua cá hạn chế do không thể đi qua các vùng thu mua nguyên liệu.

Tổng cục Thuỷ sản cũng cho biết, dù ngành hàng cá tra có nhiều tín hiệu khả quan trong 6 tháng đầu năm nhưng tình hình dịch bệnh Covid-19 đã làm cho chuỗi ngành hàng cá tra đã bị đứt gãy, giá cá tra nguyên liệu giảm. Hiện nay diện tích thả nuôi chỉ đạt 3.500ha, bằng 74% so với cùng kỳ năm 2020, trong khi đó, sản lượng cá tra thu hoạch trong 8 tháng đầu năm ước đạt khoảng 932.000 tấn, bằng 81,1% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng do doanh nghiệp chế biến giảm công suất đã khiến nguyên liệu dư thừa.

Bên cạnh đó, sang tháng 10, nhiều doanh nghiệp chưa lên được kế hoạch, việc thiếu hụt nhân lực do cách ly, nhiễm bệnh, thiếu hụt tài chính để vận hành trong giai đoạn dịch bệnh cũng là trở ngại lớn khi các doanh nghiệp trở lại sản xuất. Bên cạnh đó, việc hạn chế đi lại đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng từ vùng nuôi đến nhà máy; nhiều hộ sản xuất con giống đã ngưng thả giống 2 tháng nay - sẽ dẫn đến việc sang năm 2022 có thể sẽ thiếu giống cá tra, thiếu nguyên liệu cục bộ.

Thể tháo gỡ những khó khăn này, đại diện hiệp hội, doanh nghiệp, các địa phương kiến nghị ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân để bảo đảm hoạt động, sản xuất kinh doanh và thực hiện các đơn hàng. Ngoài ra, cần tạo cơ chế thông thoáng, thống nhất giữa các địa phương có nhà máy chế biến, vùng nguyên liệu để việc đi lại chăm sóc và thu mua giữa các huyện và liên tỉnh thuận lợi hơn. Cho phép thay thế phương án 3 tại chỗ bằng những phương án hiệu quả hơn nhằm giảm chi phí và tạo sự an toàn, tâm lý an tâm cho người lao động làm việc. Cơ quan kiểm soát dịch bệnh (CDC) nên có Bộ hướng dẫn Bảo vệ người lao động; hướng dẫn việc giảm thiểu và phòng ngừa lây lan Covid tại nơi làm việc cho doanh nghiệp trong chiến lược chống dịch mới nhằm bảo đảm an toàn và sản xuất liên tục, đồng thời giúp hướng dẫn thống nhất, nhất quán giữa các địa phương tạo thuận lợi cho việc di chuyển, vận chuyển hàng hóa thông suốt.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan thì cho rằng, “an toàn” và “linh hoạt” là 2 yếu tố mang tính sống còn hiện nay. Bên cạnh đảm bảo an toàn phòng, chống dịch hiệu quả, cần linh hoạt các phương thức, quy trình thực hiện để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, Bộ sẽ thể hiện vai trò điều phối, kết nối 13 tỉnh, thành phố trong vùng thành một thực thể kinh tế vùng, trong đó có các địa phương có ngành hàng cá tra. Ngoài ra, các địa phương cần đồng thuận với tư duy liên kết vùng trong điều kiện đặc biệt để tạo không gian kinh tế, thúc đẩy phát triển, tạo giá trị bền vững.

Tổng cục Thuỷ sản cho biết, đến thời điểm này, các tỉnh, thành phố có số doanh nghiệp chế biến thuỷ sản ngừng sản xuất nhiều nhất là Cần Thơ, Tiền Giang. Với những nhà máy đang sản xuất cầm chừng, số lượng công nhân có thể huy động chỉ từ 20 - 30%, số còn lại phải nghỉ việc, tạo ra hệ lụy lớn về xã hội. Với tình hình hiện nay, khả năng xuất khẩu cá tra tháng 9 có thể giảm trên 30%, nhiều doanh nghiệp sẽ mất những đơn hàng cuối năm 2021, đầu năm 2022 và không dám nhận những đơn hàng mới...

 

Ninh Khương